Photo
Lược Sử của Phong trào Canh Tân Đặc Sủng trong Giáo Hội




Lịch-Sử Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh

Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh sinh ngày 01-01-1901, là ngày Đức Giáo Hoàng Léo XIII dâng hiến thế kỷ 20 cho Đức Chúa Thánh Thần, theo lời yêu cầu tha thiết của nữ tu Éléna Guerra, người sáng lập Dòng Chúa Thánh Thần, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phong chân phước năm 1959.

Ngày 25-12-1961 chính Ðức Giáo Hoàng Gioan 23 là người đẩy mạnh Phong Trào Thánh Linh trong Giáo Hội. Ngài đã lên tiếng kêu gọi cầu nguyện với Chúa Thánh Linh cho sự thành công của Cộng Ðồng Vatican II. Trong nhiều văn kiện do Cộng Ðồng Vatican công bố: "Giáo lý về các đặc sủng được công nhận cách rõ ràng." Số 12 của Hiến chế về Giáo Hội Ánh Sáng muôn dân đã viết như sau:

"Chúa Thánh Thần, không những chỉ thánh hóa và hướng dẫn dân Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ và trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng người còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mỗi cấp bực các tín hữu, phân chia các ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài muốn."

Năm 1967, một số người công giáo Hoa Kỳ tại Pittsburg cũng lãnh nhận Ơn Dìm trong Thánh Thần và bắt đầu một lối sống mới. Từ lúc đó, họ hoàn toàn do Chúa Thánh Thần hướng dẫn đời sống họ.

Từ ngày 17 đến 19 tháng 2 năm 1967 có 30 người tham dự một cuộc tĩnh tâm tại nhà các nữ tu người Hòa Lan ở Pittsburg. Ðề tài của 2 ngày tĩnh tâm là suy tư về Tám Mối Phúc Thật. Nhóm tĩnh tâm này đã được chứng kiến nhiều sự lạ lùng, một linh mục Công Giáo đã phải đặt câu hỏi: 'Giờ đây với những hiện tượng lạ lùng này, tôi phải nói gì với Ðức Giám Mục của tôi. Như vậy Phong Trào Canh Tân Ðặc Sủng của người công giáo có thể nói là đã được phát sinh từ đó ở Pittsburg và dần dần lan rộng đến những miền khác trong cả Hoa Kỳ.

Năm 1970 luồng gió Canh Tân Ðặc Sủng có mặt tại Pháp.

Năm 1973, nhờ sự giúp đỡ của Ðức Hồng Y Suenens, một Ðại Hội của Luồng gió Canh Tân đã họp ngay ở cửa Rôma tại Grottaferata từ ngày 9-11/10/1973. Ðức Phaolô VI vui lòng tiếp đón chừng 15 thành viên đại hội đến yết kiến Ngài. Ngài phát biểu nhiều lời nóng sốt, có tính cách động viên.

"Cha vui mừng với các con về Luồng gió Canh Tân đời sống thiêng liêng đang xuất hiện hôm nay trong Giáo Hội, dưới nhiều hình thức và tại nhiều nơi."

Một số các đặc tính chung bộc lộ trong cuộc canh tân này là: 'Xu hướng muốn được cầu nguyện theo chiều sâu nơi cá nhân lẫn tập thể, trở lại với việc chiêm ngắm và nhấn mạnh vào việc chúc tụng Thiên Chúa, khát vọng được tận hiến trọn vẹn cho Ðức Kitô, sẵn sàng mở lòng ra đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần, chuyên cần và ham đọc Kinh Thánh, sẵn sàng phục vụ anh em, sống tình huynh đệ một cách đại độ cởi mở, ước muốn góp phần phục vụ Giáo Hội. Qua tất cả điều ấy, cha có thể nhận ra công trình kỳ diệu và kín đáo của Thánh Thần, là linh hồn của Giáo Hội (trích Nouvelle Pentecôte, Hồng Y Suenens 1974 trang 114).

Lễ Hiện Xuống 1975, một cuộc hành hương Roma đã trở thành cả một hiện tượng gây chú ý. Một vạn người hành hương thuộc Luồng Gió Canh Tân đổ tới, kèm theo 5000 người khác đang có mặt ở đó. Hôm ấy, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dùng cụm từ: "Một vận may mới cho Giáo Hội để nói lên phẩm chất của Luồng Gió Canh Tân Ðặc Sủng."

Ðức Hồng Y Suenens nhớ rõ những giây phút đáng ghi nhớ: Tại chân bàn thờ, Ðức Giáo Hoàng đã xúc động ôm lấy tôi, Ngài giơ tay chỉ tôi mà ủy thác cho tôi sứ mạng đại diện Ngài bên cạnh các người hành hương của Luồng gió, Ngài nói khẻ để cám ơn tôi như sau: "Tôi cám ơn Tôn Huynh, không phải nhân danh tôi, mà nhân danh Ðức Chúa về những gì Tôn Huynh đã làm và sẽ làm để hướng dẫn Phong Trào Canh Tân Ðặc Sủng giữa lòng Giáo Hội (xem Souvenir et Espérances của Hồng Y Suenens trang 234).

Nhóm Canh Tân Đặc Sủng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam vùng Montréal

Nhóm Canh Tân Ðặc Sủng có mặt trong cộng đồng được sự đồng ý và hổ trợ của cha Quản Nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi cùng một số ông bà trong giáo xứ đã hợp tác cầu nguyện trong 1 năm để xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và đồng thời cùng nhau đi mời những người quen biết.

Ngày 16-09-2001, là ngày bắt đầu họp nhóm. Số người tham dự là 16 người. Mục đích của buổi họp mặt là để: ca ngợi, cảm tạ, thờ phượng và tôn vinh Chúa Kitô qua quyền năng Chúa Thánh Thần. Ðồng thời nhóm cũng học hỏi Lời Chúa, chia sẻ và thực hành các ân sủng Chúa ban cho để phục vụ tha nhân và Giáo Hội.

Giờ sinh hoạt của nhóm hàng tuần

- Thứ tư: 19 giờ - 20 giờ 30

Mỗi thành viên tham dự khóa đều có: 1 cuốn tân ước, 1 quyển thánh ca và 1 quyển Ðón Nhận Chúa Giêsu.

Chương trình họp nhóm kéo dài 18 tuần. Mỗi tuần gồm có 7 bài kinh thánh để đọc và học cách cầu nguyện theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sau 18 tuần, nhóm có 1 buổi tĩnh tâm để dâng mình cho Chúa và xin được dìm trong Thánh Thần. Và sau đó, cùng họp nhau vào mổI tối thứ ba hàng tuần từ 19 giờ đến 20 giờ 30 tối. Và cho đến nay là khóa thứ VII.

Tính đến ngày hôm nay, nhóm có tất cả 103 người đủ mọi lứa tuổi.

Nhận xét chung của các bác lớn tuổi và các em trẻ thì có sự không phù hợp về yếu tố tâm lý, nên nhóm xin cha Linh Hướng cho sinh hoạt riêng để dễ dàng chia sẻ Lời Chúa phù hợp tâm tình của từng lứa tuổi. Vì thế, các em trẻ đã hợp nhóm vào tối Chúa Nhật hàng tuần từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30 tối. Và trong tinh thần tập thể, mỗi cuối tháng vào tối thứ ba, hai nhóm Lớn - Trẻ cùng họp nhau để dâng thánh lễ Tạ Ơn, ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa.

Vì nhu cầu cần phải duy trì và thăng tiến Phong Trào, nên nhóm xin cha Linh Hướng giúp cho những căn bản cần thiết đặc biệt dành riêng cho tất cả những ai có điều kiện và tha thiết muốn ra đi phục vụ. Nhóm 'huấn luyện Nòng Cốt' họp mặt vào mỗi tối thứ sáu từ 19 giờ đến 20 giờ 30.

Ban chấp hành của nhóm người lớn

     - Trưởng nhóm: Têrêsa Tăng Thị Dung
     - Phó nhóm: Maria Nguyễn Anh Thoa
     - Thư ký: Anna Nguyễn Thị Kiều Dung
     - Thủ quỹ: Maria Têrêsa Tống Phương Phi
     - Âm nhạc: Giuse Trần Văn Hùng
     - Ủy viên liên lạc: Giuse Lê Nghĩa Dũng
                               Anna Nguyễn Thị Nhi
                               Giuse Tôn Thất Ðổng

Sau đây là chứng từ của các thành viên tham dự Phong Trào Canh Tân Ðặc Sủng:

Lời chứng của Mạnh Nghĩa, một người bạn trẻ

Trước khi đi tham dự khóa Canh Tân Ðặc Sủng, trong đầu Nghĩa không biết khóa này người ta sẽ làm những gì, nhưng Nghĩa may mắn có một cô bạn đang dự khóa về kể cho mình nghe. Với tính tò mò, Nghĩa đã tới tìm hiểu xem phong trào này ra sao, và một phần vì nghe cô bạn kể lại khóa tĩnh tâm cô vừa đi có nhiều điều linh thiêng huyền nhiệm. Cả hai điều đó đã thúc đẩy Nghĩa tới dự khóa. Trong lòng Nghĩa không hề nghi ngờ gì cả, có lẽ vì Nghĩa là người có đạo nên những việc liên quan tới Chúa không dám xét đoán.

Ngày đầu tiên đến dự khóa, cũng may là Nghĩa đã chuẩn bị tâm hồn, và thật lòng muốn được Thần Khí của Chúa Thánh Thần chạm đến mình, cho nên Nghĩa đã dễ dàng được Chúa ban ơn. Lúc được cầu nguyện, không biết tại sao người của Nghĩa rung lên, nhưng không dám nói lớn tiếng. Nghĩa đã nhờ một chị từ California trong ban phục vụ cầu nguyện cho Nghĩa. Khi chị cầu nguyện thì tim Nghĩa đập dồn dập ngày càng mạnh, và Nghĩa cảm giác được một cái gì đó muốn ngăn cản miệng của Nghĩa nói ra lời. Sau khi cầu nguyện, chị ấy mời thêm một chị nữa cầu nguyện trừ tà cho Nghĩa. Khi chị thứ hai đang cầu nguyện cho Nghĩa, thì điều huyền nhiệm xảy ra. Là một nam nhi đại trượng phu chí khí nhưng tự nhiên nước mắt lại chảy ra mà không biết tại sao. Còn nữa, lúc đó chị ấy kêu Nghĩa nói thử tiếng "saa naa naa", Nghĩa đã làm theo và tự nhiên miệng của Nghĩa nói ra một thứ tiếng gì mà từ hồi sinh ra cho tới giờ chưa hề nghe qua. Nghĩa còn nói lớn tiếng đó nữa chứ mà không mắc cở.

Sau ngày hôm đó, Nghĩa bắt đầu tới sinh hoạt nhóm nhỏ và rất là siêng năng. Thế nhưng đã có rất nhiều chuyện rắc rối xảy đến với Nghĩa. Các anh chị em trong khóa cũ nói với Nghĩa rằng một khi mình đã dự khóa này thì ma quỷ không thích và nó sẽ tìm đủ mọi cách để đánh phá mình, cho nên Nghĩa phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Và đúng như lời ứng nghiệm, tất cả những chuyện buồn phiền, khổ tâm đã đến với Nghĩa. Từ chuyện trong gia đình cho đến chuyện học hành, chuyện bạn bè và cả chuyện tình cảm nữa. Tất cả những chuyện đó đều xảy ra cùng một lúc với Nghĩa. Ở nhà, nhiều khi nghe người thân bôi bác khóa Thánh Linh với những người bạn mà trong lòng Nghĩa cảm thấy rất khó chịu, và cũng thấy tội nghiệp cho họ, khi họ chưa hiểu về phong trào Canh Tân Ðặc Sủng. Nghĩa chỉ biết cầu nguyện với Chúa cho họ, xin Chúa đừng giáng phạt những người thân của con. Xin Chúa rộng lòng thương xót và ban nhiều hồng ân trên họ. Việc học hành thì thôi tự nhiên ở đâu kéo đến hàng tấn bài làm không xuể luôn. Bạn bè thì đứa này giận, đứa kia thế khác v.v... Còn một điểm khó khăn nữa mà Nghĩa xin miễn nói ra.

Ma quỷ không ngừng tấn công Nghĩa, nhưng Nghĩa cảm thấy Chúa không để cho Nghĩa chiến đấu lẻ loi. Có lẽ vì những buồn phiền đó mà Nghĩa đã được nhiều hồng ân của Thiên Chúa ban cho. Nào là ơn trí tri, có một lần Nghĩa được ơn tiên tri và lần khác Nghĩa rất cảm động khi nghe được ơn tiếng lạ của những bạn chung quanh và Nghĩa hiểu được tiếng lạ đó. Những kinh nghiệm và cảm giác đó đã cho Nghĩa niềm rất vui sướng và bình an trong vòng tay của Thiên Chúa.

Trải qua những khó khăn đó, Nghĩa mới rút ra được bài học kinh nghiệm rằng, khi dự khóa Thánh Linh mình phải nên tìm một người nào trong khóa làm thân với họ để có thể chia sẻ những trắc trở và học kinh nghiệm từ những lời khuyên của họ nếu không thì khó vượt qua được. Cũng như vào ngày thứ ba Nghĩa muốn buông xuôi bỏ cuộc, không còn cảm thấy thích thú gì trong cuộc sống nữa và cũng đã quyết định không tới dự khóa nữa vì đi dự khóa đã mang lại cho Nghĩa nhiều chuyện phiền phức. Những điều đó mãnh liệt đến nỗi Nghĩa trách móc Chúa và muốn xa lánh Chúa luôn. Ðôi khi đi xe công cộng, Nghĩa mong cho xảy ra tai nạn để chết đi cho xong khỏi phải lo sầu gì nữa. Nhưng Chúa thật nhân từ và lân ái biết bao. Chúa hiểu rõ con người Nghĩa lắm. Chúa biết nguồn gốc đau buồn và phiền lòng của Nghĩa từ đâu mà ra. Ngài đã ban tặng cho Nghĩa một nụ cười. Nụ cười đã làm cho tất cả những đau buồn của Nghĩa biến mất hết. Thật là kỳ diệu lắm, lúc trước Nghĩa muốn buông xuôi bây giờ Nghĩa siêng năng hơn trước kia nhiều lắm. Mặc kệ những khó khăn xảy đến, Nghĩa vẫn bền vững đức tin và hăng say trong công việc của mình. Nghĩa tự nhủ với mình rằng: một ngày nào đó Chúa muốn thì những gì thuộc về mình sẽ là của mình, và những gì không phải là của mình thì mình sẽ không có phần. Cho nên Nghĩa bây giờ chỉ biết làm những công việc của mình nên làm thôi, và những chuyện khác hoàn toàn phó thác cho Ðấng Tối Cao.

Nghĩa năm nay 20 tuổi. Nghĩa tự cảm nhận được là từ nhỏ tới giờ mình không khi nào đi lễ một cách sốt sắng và siêng năng như bây giờ. Từ nhỏ, Nghĩa được sinh ra trong một xứ đạo rất thánh thiện, dường như không có gia đình nào là ngoại giáo cả. Nhờ lúc nhỏ mẹ Nghĩa thường dắt tay đi xem lễ và đã cho Nghĩa một thói quen. Ðến lúc Nghĩa đã tự mình đi xem lễ được thì Nghĩa ngày nào cũng đi lễ hết. Suốt thời gian dài khoảng 6 năm, ngày nào Nghĩa cũng thức dậy lúc 4 giờ sáng để đi xem lễ. Nhưng Nghĩa không bao giờ cảm nhận ra được bàn tay của Chúa ôm ấp và hiền lành đến vậy đâu. Bây giờ Nghĩa đã được ơn phúc của Chúa mà còn có những suy nghĩ phản nghịch cùng Chúa nữa. Nhưng từ nay Nghĩa không còn dám có những suy nghĩ như vậy đâu. Nghĩa cũng khuyên các anh chị em khác vừa mới vô khóa hoặc đã vô nên giữ vững lòng tin và không khi nào Thiên Chúa lại bỏ rơi con cái của Ngài đâu.

Mạnh Nghĩa
10/2003