TIỂU SỬ 6 THÁNH TỬ ĐẠO

CÓ XƯƠNG THÁNH TÔN KÍNH TẠI

NHÀ THỜ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM MONTRÉAL

1420 BÉLANGER EST, MONTRÉAL, QC, H2G 1A4  -   CANADA

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

(photocopy bản văn vào chỗ này)

 

TIỂU SỬ 6 THÁNH TỬ ĐẠO

CÓ XƯƠNG THÁNH TÔN KÍNH TẠI

NHÀ THỜ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM MONTRÉAL

(Trích trong “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”

- http://s.daminhvn.net)

 

 

 

 

1. THÁNH PHÊRÔ BORIE CAO
Giám mục thừa sai Paris - (1808 – 1838)


Người thợ xay lúa

Giám mục Borie Cao chưa làm Giám mục đến một ngày, nhưng ngài xứng đáng với tước hiệu đó. Căn cứ vào khả năng và nhiệt tình. Đức cha Havard Du đã chọn ngài làm Giám mục phó có quyền kế vị. Cha Cao nhận được giấy quyết định của Tòa Thánh đang khi ở trong tù, và vì thế chưa kịp tấn phong. Tên thường gọi của ngài là Dumoulin do bạn bè đặt (tiếng Pháp Dumoulin là máy xay lúa). Thế nhưng danh xưng Dumoulin đã đi vào lịch sử với hai tước hiệu vinh quang : Giám mục và tử đạo. Quả thật đối với Chúa, giá trị con người là nhân đức và thiện chí, dù thuộc giai cấp nào, mọi người đều được kêu gọi nên thánh.

 

Khi Thiên Chúa can thiệp

Phêrô Borie sinh ngày 20.02.1808, tại Beynat miền Correze, thân phụ tên là Guillaume Borie, thân mẫu là Rose Borie. Thế nhưng vì song thân làm nghề xay lúa, bạn bè hàng xóm quen gọi cậu là Dumoulin. Sinh trưởng trong một gia đình bình thường như vậy, nên thuở bé Dumoulin có tính cẩu thả. Cha mẹ ép cậu vào chủng viện, cậu nghe theo nhưng chẳng hứng thú gì, và vi phạm kỷ luật liên tục. Cha giám đốc phải sử dụng nhiều hình thức xử phạt cũng chẳng làm cậu khá hơn được. Tuy vậy, Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc đời con người Ngài tuyển chọn.

Bất ngờ Borie bị một cơn sốt trầm trọng. Trên giường bệnh, cậu có cơ hội suy tư về đời mình. Một hôm đang khi đọc cuốn niên giám của trường Thừa Sai ghi lại cuộc đời các vị truyền giáo, cậu thấy một tia sáng chói lòa trong tâm hồn. Thế là như thánh Phaolô trên đường Damas xưa, cuộc đời cậu Borie từ nay chỉ lấy Đức Giêsu làm lẽ sống, từ đó cậu siêng năng đến gặp Chúa trong Thánh Thể. Và trong những giờ gặp gỡ ấy, cậu nghe như Ngài kêu gọi cậu lãnh nhận một sứ mạng cao quý hơn: Sứ mạng truyền giáo.

Trong những giây phút nguyện cầu linh thiêng ấy, Borie như thấy Chúa nói với mình về vùng Viễn Đông xa xăm, về những người ở đây còn chưa biết Chúa, về những thừa sai đã đến đó loan giảng Tin Mừng và hỏi cậu có yêu Ngài đủ để ra đi như thế không. Câu trả lời của Borie đã được chính cậu ghi lại trong một buổi tận hiến cho Đức Maria :

"Lạy Mẹ của con ! Xin hãy tin nơi con, khi con trưởng thành, con sẽ hiến toàn thân con cho việc cảm hóa những người chưa tin. Xin Mẹ giúp con đi theo con đường và tinh thần của ơn kêu gọi đó. Xin cho con được đau khổ vì danh Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo và đến bến vinh quang".

Đức Mẹ như đã nhận lời cậu. Càng ngày Borie càng cương quyết hơn với giấc mơ truyền giáo. Để giấc mơ có thể thành hiện thực, cậu xin chuyển qua chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Tại đây cậu kiên trì học tập, lãnh chức phó tế năm 1829, rồi năm sau thụ phong linh mục (21.11.1830). Ngày 01.12.1830, vị tân linh mục bắt đầu xuống tàu khởi hành đến Viễn Đông. Thế nhưng vì bão tố phải dừng lại ở Macao khá lâu, ngày 15.5.1832, cha Borie mới tới được Việt Nam.

 

Vị tông đồ di trú.

Nửa năm sau, ngày 06.1.1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc. Các thừa sai bị lùng bắt gắt gao, nên phải di chuyển liên tục, nay nhà này, mai nhà khác. Ngày 24.03, cha Borie kể trong thư là "Tôi đã phải đổi chỗ ở đến 17 lần". Nhưng năm sau, mỗi năm cha đổi chỗ khoảng hai đến sáu lần nữa. Nét đặc biệt của cha Dumoulin là hòa mình rất nhanh với phong tục địa phương. Ngày đầu tiên, cha đã có thể ăn nước mắn cách ngon lành (điều này rất khó với người Châu Âu), cha học tiếng Việt cách dễ dàng và phát âm khá chính xác. Nhờ bản tính bình dân vui tươi và hoạt bát, cha nhanh chóng lấy được cảm tình của các tín hữu và với cả lương dân nữa.

Năm 1836, khi đọc những điều vu cáo trong chiếu chỉ của vua Minh Mạng, cha Borie Cao định viết một lá thư điều trần, nhưng các thừa sai cản lại, vì nói là vô ích thôi. Năm 1838, sau khi giết thừa sai Jaccard Phan, vua Minh Mạng vẫn chưa thỏa mãn. Ông cho lệnh tiếp tục truy tầm cha Candalh Kim, Giám đốc chủng viện Di Loan. Ngày 02.7, khi quan quân bắt linh mục Khoa thì bắt được hai thày giảng Đức và Khang. Thày Khang lúc bị tra tấn quá đau, đã khai rằng có một thừa sai Châu Âu ở Bố Chính, thủ phủ của Nghệ An. Người bị tiết lộ tung tích đó là cha Cao, không phải là cha Candalh. Dựa vào lời thày Khang, quân lính bủa vây khắp vùng Bố Chính, bắt bớ nhiều tín hữu rồi đe dọa, tra tấn và dụ dỗ, để tìm cho ra chỗ ẩn của vị linh mục.

Giai đoạn này cha Cao không thể ở nhà nào được đến vài giờ, luôn luôn ngài phải di động. Các tín hữu có người muốn cho trú, nhưng lại sợ người khác khi bị đánh đập, sẽ tố cáo họ. Cuối cùng ngày 13.7, cha Cao đành xuống một thuyền nhỏ chèo ra khơi, chờ mong cuộc lùng bắt lắng dịu. Nhưng trời bỗng nổi cơn giông bão, dồn ghe của cha tấp vào bờ. Cha nghĩ rằng đây là dấu Chúa muốn mình ở lại, cha bỏ ghe trở lên đất liền, và ẩn núp dười một hố sâu có cây cối che phía trên.

 

"Các anh đi tìm ai ?"

Một thiếu nữ 16 tuổi bị bắt và bị tra khảo. Dù biết chỗ cha ẩn trốn, cô cắn răng chịu đựng, không tiết lộ điều mình biết. Nhưng bố cô không dằn lòng được khi thấy con mình bị đánh đập, đã chỉ chỗ cho lính đến chỗ nơi ẩn trốn của ngài. Dầu đang giữa đêm, quân lính cũng kéo nhau rất đông đi bắt vị thừa sai. Cha Cao nghe rất rõ tiếng chân của đám lính, biết rằng không thể thoát được nữa, cha liền lao lên và hỏi : "Các anh đi tìm ai ?". Tất cả đám lính đều ngỡ ngàng trông thấy một bóng đen to lớn từ dưới đất chui lên, họ cứ tưởng là ma, nên hoảng sợ không dám hé môi. Lát sau, khi lấy lại bình tĩnh, biết là linh mục, họ yêu cầu cha ngồi xuống, và cha Cao nhẹ nhàng ngồi xuống. Ngài muốn bước vào cuộc hiến tế bằng một thái độ vâng phục hoàn toàn.

Thày Tự thấy cha bị bắt cũng vội chạy đến xưng là đệ tử của cha. Cha định không nhận, nhưng thày khẩn khoản : "Xin cha cho con theo cha đến cùng". Cha Cao nghe thày xin thế thì xúc động, ngài tháo chiếc khăn quàng, xé một mảnh trao cho người môn sinh và nói: "Cầm lấy, con hãy giữ nó làm bằng chứng cho lời con đã hứa". Thày Tự đã giữ mãi miếng vải đó trong những ngày tháng cùng bị giam với cha. Sau này, thày đã viết lại cuộc tử đạo đau thương của Tôn Sư mình. Và cuối cùng, với mảnh vải như kỷ vật giao ước, thày Tự đã theo gót người cha kính yêu: hy sinh mạng sống vì Đức Kitô ngày 01.7.1840.

Tại Đồng Hới, cha Cao phải ra tòa chung với cha Điểm và cha Khoa. Quan hỏi: "Đạo trưởng Cao, vua đã cấm Gia Tô. Nếu ông bước qua Thập Giá, ta sẽ thả ông về ngay". Cha trả lời: "Thà tôi chết ngàn lần còn hơn". Quan hỏi tiếp: "Tại sao ông không về nước mà giảng, ở đây làm gì để phải trốn tránh hết chỗ này đến chỗ khác?". Cha đáp: "vua cấm đạo sau khi tôi đã đến nước này, từ đó vua cấm tàu Âu Châu cập bến Việt Nam thì làm sao tôi có thể về được". Quan lại hỏi: "Ông đã ở nhà những ai ?". Cha trả lời: "Tôi đã bị quan bắt, tôi xin chịu cực hình một mình tôi thôi". Quan liền ra lệnh đánh cha 30 roi, lính nọc cha ra, đánh cho đủ số. Tuy rất đau đớn, cha Cao vẫn không kêu than một lời, quan hỏi ngài có đau không, cha đáp: "Tôi cũng bằng xương bằng thịt như ai khác, lẽ nào không đau. Nhưng mặc kệ, trước và sau trận đánh tôi vẫn thấy thoải mái".

Quan đành giải cha về ngục, hôm khác, quan bắt cha chứng kiến cảnh tra tấn thày Tự, nhưng đến khi thẩm tra lại, ông gọi cha Cao ra đối chất: - Tại sao ông cứng đầu thế? - Thưa, câu hỏi của ngài tôi không trả lời khác hơn được. - Đã vậy ngày mai ông sẽ chịu 100 roi. - Thưa dù đánh 300 roi tôi cũng chịu, chỉ xin một điều là đừng hỏi tôi về dân chúng. - Thế nếu ông phải ra mắt vua, đứng bên lò lửa cháy bừng, với những chiếc kìm nung đỏ sắt lóc thịt ông ra, liệu ông còn im lặng được không? - Thưa, chừng đó sẽ biết, tôi không dám quá tự phụ về mình.

Biết không thể làm cha đổi ý, quan liền nghị án gởi về kinh đô. Cha Cao bị giam chung với hai cha Điểm và Khoa, ba vị linh mục hằng ngày cùng nhau đọc kinh Mân Côi và hát vang bài "Ave Maria Stella": Kính chào Mẹ Maria là Sao Mai rực rỡ, xin chuyển cầu cho chúng con". Mấy ngày đầu, vì chưa tìm ra tràng hạt, ba vị nhổ lông quạt để đếm kinh. Ba cha phó thác đời mình cho Nữ Vương các linh mục : "Như xưa Mẹ đã dâng Con yêu quý trong đền thờ, nay cũng xin hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc".

Trong những ngày tù tội, cha Cao nhận được văn thư Tòa Thánh gởi tới, đặt ngài làm Giám mục hiệu tòa Acanthe và làm Đại diện Tông tòa coi sóc giáo phận Tây Đàng Ngoài, thay thế Đức cha Harvard Du. Thế nhưng, vì đang bị cầm tù, ngài không thể tiến hành nghi lễ tấn phong. Chức vụ đó sau này được trao cho cha Retord Liêu.

 

Đường về Thiên Quốc…

Ngày 24.11.1838, quan vào ngục tuyên đọc bản án xử trảm. Đức cha Cao yên lặng lắng nghe sắc chỉ của nhà vua, rồi nói với quan rằng : "Thưa quan, từ bé đến nay tôi chưa lạy ai, vì bên Âu Châu chúng tôi, đó là hành vi kính trọng chỉ dành cho Đấng Tối Cao. Nhưng điều tôi vừa nghe làm tôi quá vui mừng, xin được bày tỏ lòng tri ân của tôi theo kiểu Đông Phương". Nói xong, ngài quỳ xuống định lạy, nhưng viên quan quá xúc động, không thốt lên lời, vội cản ngăn ngài lại.

Lúc dẫn đi xử, Đức cha Cao đi đầu, cổ mang gông, tay cầm tràng hạt, vừa đi vừa đọc kinh Mân Côi. Một viên quan khác, ít thiện cảm với người Công Giáo đi lại gần, hỏi Đức cha có sợ chết không. Ngài trả lời : "Tôi đâu phải là quân phiến loạn hay quân trộm cướp mà sợ chết. Tôi chỉ sợ một mình Thiên Chúa. hôm nay tôi chết, mai sẽ đến phiên ông". Nghe thế, viên quan thét lên: "Láo quá! Tát cho nó vài cái". Nhưng không người lính nào tuân lệnh ông. Đức cha nói với quan : "Nếu lời đó làm phiền ông thì xin ông tha lỗi".

Tại pháp trường Đồng Hới, hai cha Khoa và Điểm bị xử giảo trước. Đến lượt xử chém Đức cha Cao, người lý hình rất kính phục ngài, phải uống rượu để lấy bình tĩnh, không ngờ vì quá ché, anh đã chém trật vào tai, hàm và vai Đức cha. Mãi đến nhát thứ bẩy, đầu vị thừa sai mới lìa khỏi cổ. Thân xác ngài được chôn cất ngay tại chỗ, năm sau mới được các tín hữu cải táng về họ Hướng Phương.

Năm 1843, hài cốt Đức cha Cao được đưa về chủng viện Hội Thừa Sai Paris, đặt cạnh hài cốt các thừa sai Gagelin Kính và Jarcard Phan.

Đức Lêo XIII suy tôn Giám mục Borie Cao lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
 

 



 

 

 


2. THÁNH PHÊRÔ VŨ ĐĂNG KHOA
Linh mục - (1790 – 1838)

 

An vui trong hiểm nguy

Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại Thượng Hải làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cậu là con thứ ba trong bẩy người con ông Phaolô Vũ Đình Tân và bà Maria Nguyễn Thị Hoan. Lên tám tuổi, cậu Khoa được học chữ Nho, rồi tiếp tục học thêm với hai linh mục Hòa (Hoan) và Phương. Nhận thấy cậu có trí thông minh, tính tình hiền lành và có ý dâng mình cho Chúa, hai cha đã gửi cậu vào học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định), dưới sự giáo huấn của cha chính Jeantet Khiêm. Năm 1820, thày Khoa được lãnh chức linh mục.

Với nhiệt tình của người thanh niên 30 tuổi, cha Vũ Đăng Khoa được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Nguyễn Thế Điểm, coi sóc hai xứ Lu Đăng và Vĩnh Phước, thuộc hạt Bố Chính. Trong thời gian chín năm làm phụ tá, cha Khoa đã hăng say trong nhiệm vụ, học hỏi thêm trong chức vụ chủ chăn. Nhờ có đời sống đạo đức và niềm nở với mọi người, cha đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Năm 1829, Đức cha Havard Du bổ nhiệm cha về coi sóc giáo xứ Cồn Dừa. Về nhận xứ mới, cha Khoa đã vận dụng hoàn cảnh thuận lợi, khiến cho công tác mục vụ ngày càng tiến triển không ngừng. Trong những công việc bận rộn của giáo xứ, cha vẫn giữ được nét trang nghiêm, nói năng điềm đạm, nhất là luôn quảng đại, nhân từ, nên được mọi người kính nể và yêu mến.

Ngày 06.1.1833 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ tòan quốc : Lùng bắt các giáo sĩ nước ngoài cũng như bản xứ, kể cả các tín hữu, triệt hạ các thánh đường và các cơ sở tôn giáo. Nhất là sau chiếu chỉ thứ ba ban hành ngày 25.1.1836, cha Khoa phải thay đổi chỗ ở luôn để có thể tiếp tục công tác mục vụ trong hai năm liền (1836 – 1838). Mặc dù hoàn cảnh bất lợi và nhiều hiểm nguy, cha vẫn an vui vì thấy mình đang sống như Chúa Giêsu xưa "cáo có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không chỗ gối đầu".

 

Trọn đường khổ giá

Người môn đệ của Chúa Kitô, cha Phêrô Vũ Đăng Khoa đâu ngờ mình sắp được chia sẻ con đường khổ nạn theo chân Thày Chí Thánh. Đó là đêm 02.7.1838, cha đang trú ẩn ở làng Lê Sơn, hạt Bố Chính thì một văn nhân tên là Tú Khiết đột nhập vào nhà bắt trói cha cùng với thày giảng Đức và Khang. Sau đó Tú Khiết tra gông vào cổ, giải tất cả các ngài lên Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình ngày 10.7.1838.

Tại công đường Đồng Hới, quan tra vấn cha Khoa nhiều lần, khuyên dụ cha bỏ đạo và khai báo chỗ ở của linh mục thừa sai Candalh Kim. Quan ra lệnh đánh cha 76 roi để uy hiếp tinh thần, nhưng quan vẫn chẳng khai thác được điều mong đợi. Không thành công trong việc tra khảo cha Khoa, quay sang hai thày giảng Đức và Khang. Thày Khang khai báo sao đó, khiến quan tìm ra nơi trú ẩn của thừa sai Cao và cha Điểm. Ít lâu sau, hai vị này cùng bị bắt giam chung với cha Khoa (31.7).

Quan tiếp tục thi hành nhiều mưu kế và khổ hình để lung lạc đức tin cha Khoa cùng các vị khác. Là linh mục, là chủ chăn, làm sao lại có thể chối Chúa được, cha Khoa cương quyết đi trọn con đường khổ nạn. Các quan thua cuộc và quyết định lên án xử giảo cha. Các quan đệ án vào kinh đô xin nhà vua phê chuẩn cùng với án trảm quyết thừa sai Cao và án xử giảo cha Điểm. Từ đó ba chiến sĩ đức tin mong đợi ngày vinh quang sắp tới, phó thác đời mình qua tay Đức Mẹ.

Ba vị linh mục hàng ngày cùng nhau đọc kinh Mân Côi và hát vang bài "Ave Maria Stella" kính chào Mẹ maria, là Sao Mai rực rỡ, xin chuyển cầu cho chúng con". Mấy ngày đầu vi chưa tìm ra tràng hạt, ba vị nhổ lông quạt để đếm kinh Mân Côi. Ba cha phó thác đời mình cho Nữ Vương các linh mục như xưa Mẹ đã dâng Con Yêu Quý trong đền thờ, nay cũng xin Mẹ hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc.

Trong những ngày tù tội, cha Cao nhận được văn thư Tòa Thánh gửi tới, đặt ngài làm Giám mục hiệu tòa Acanthe và làm đại diện Tông tòa coi sóc giáo phận Tây Đàng Ngoài, thay thế Đức cha Havard Du.

Vua Minh Mạng châu phê bản án và ban lệnh thi hành. Ngày 24.11.1838, quân lính áp giải cha Khoa, Đức cha Cao và cha Điểm đến pháp trường ngoài thành Đồng Hới. Tấm thẻ ghi án của cha Khoa viết: "Đạo trưởng Vũ đăng Khoa, bất khẳng quá khóa, phải xử giảo".

Đến nơi chỉ định, cha quỳ xuống cầu nguyện. Lý hình tròng dây vào cổ cha. nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi vị anh hùng đức tin nghẹt thở và lịm dần. Với 48 tuổi đời và 18 năm linh mục, cha Phêrô Khoa đã thi hành trọn vẹn chức vụ linh mục của mình : Hòa với của lễ vô giá là đức Kitô, cha hiến tế chính mạng sống mình để dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương nhân loại.

Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Vũ đăng Khoa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

 

 

3. THÁNH PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÝ
Linh mục - (1826 – 1859)

 

Những năm thơ ấu.

Ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anrê Nguyễn Thị Thường sinh sống ở Bắc Việt cho đến năm 1820. Cả gia đình di cư vào Nam ở tại họ Búng, làng Hưng Thịnh, tổng Bình Thạnh, hạt Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1826, người con trai út, Phêrô Đoàn Công Qúi chào đời. Đây là người con thứ sáu trong gia đình và là hy lễ của gia đình ông Miêng hiến dâng cho Thiên Chúa.

Vì thấy cậu út rất thông minh, nên ông Miêng cố lo liệu để cậu chuyên chăm theo đường học vấn, với hi vọng mai sau nối dòng thi lễ, làm vẻ vang cho cả gia tộc. Nhưng Thiên Chúa muốn cho người con út này đi theo con đường khác. Cậu Quý thường lui tới và học hỏi cha Tám ở nhà thờ họ Búng. Một thời gian sau, cậu xin phép cha mẹ được ở luôn với người, thỉnh thỏang mới về thăm gia đình.

 

Theo tiếng Chúa gọi

Năm 1847, cha Tám giới thiệu chàng trai 21 tuổi này với cha Gioan Miche Mịch để được học hỏi tiếng La tinh và tiếp tục theo đuổi ơn gọi tu trì. Sau khi học tiếng La tinh tại nhà cha Mịch, cậu Quý được học tại chủng viện Thánh Giuse (Thị Nghè) do cha Borelle làm giám đốc. Năm 1848, thày Quý du học tại đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris ở Pénang (Mã Lai). Tại đây, thày học triết lý và thần học, ngôn ngữ, văn chương. Việc huấn luyện như thế được coi là khá đầy đủ cho một linh mục thuộc miền truyền giáo trở về hoạt động tại quê hương.

 

Trên con đường xứ vụ

Năm 1855, thày Quý hồi hương vào thời kỳ vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo gắt gao. Tháng 9.1855, vua Tự Đức ra chiếu chỉ thứ ba, trong đó không những lùng bắt các đạo trưởng, mà còn bắt cả giáo hữu phải xuất giáo, triệt hạ các thánh đường, phá hủy các cơ sở tôn giáo …

Với hoàn cảnh bất lợi này, Đức cha Lefèbvre Nghĩa trao cho thày nhiệm vụ săn sóc, dạy dỗ, động viên các giáo hữu tại các họ đạo. Qua một thời gian hoạt động, thày tỏ ra là người nhiều khả năng, nên Đức cha đã truyền các chức nhỏ cho thày. Sau ba năm thi hành việc mục vụ tại các giáo họ, tháng 9.1858, thày Quý đã được lãnh chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau một thời gian phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hòa, Đức cha bổ nhiệm cha Phêrô Quý làm phó xứ Cái Mơn (Vĩnh Long).

Cha Phêrô Quý được tuyển chọn vào cánh đồng truyền giáo trong giai đoạn đặc biệt của đất nước : Pháp và Tây Ban Nha đem quân đánh phá ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào tháng 9.1858 làm cho vua Tự Đức càng thêm căm ghét các giáo sĩ nước ngoài và Đạo Thiên Chúa. Do đó, cuộc bách hại ngày càng khốc liệt hơn. Nhưng nhiệt tình truyền giáo đã làm cho cha Quý vượt thắng mọi gian khổ, đe dọa, hiểm nguy. Chỉ ba tháng sau khi cha về Cái Mơn, quân lính bao vây Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn để lùng bắt giáo sĩ, nhưng không có vị nào ở đó, nên lính bắt giam một tu sĩ nữ để tra tấn, khai thác các chị về chỗ ở của các ngài.

Nghe tin các nữ tu bị bắt, cha Quý muốn nộp mạng để lính tha cho chị em, nhưng giáo hữu ngăn cản và không để cha thực hiện ý định này. Cha vẫn ao ước sẵn sàng hy sinh tính mạng để thế cho các chị. Cha chỉ bỏ ý định này khi có lệnh rõ ràng của Cha Bề Trên giáo phận Borelle Hòa. Từ đó cha cải trang thành thường dân, đi thăm viếng, an ủi và ban các bí tích cho các giáo hữu.

 

Chặng đường khổ giá

Đức cha bổ nhiệm cha Quý về giáo họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang ngày 27.12.1858 thì mười ngày sau (07.01.1859) quan Tổng đốc An Giang được mật báo có Tây dương đạo trưởng trú ẩn tại nhà ông Lê văn Phụng ở Đầu Nước. Quan sai 100 lính đến bao vây nhà ông Phụng. Khi lính gần đến làng, giáo hữu tới báo tin cho gia đình ông Phụng. Nghe tin này, cha Pernot Định đã đề nghị với cha Quý cùng đi trốn, nhưng cha Quý bình tĩnh trả lời:

"Tôi là người bản xứ chắc quan quân khó nhận ra, cha cứ đi trước, tôi ở lại thu dọn đồ lễ khỏi gây phiền hà cho chủ nhà và giáo họ, rồi sẽ theo sau". Sau khi cha Pernot ra khỏi thì quan quân ập tới. Cha Quý chạy vào ẩn nấp dưới sàn nhà, quan ra lệnh cho ông Phụng phải nộp đạo trưởng Tây như đã được mật báo. Ông Phụng cương quyết trả lời là không có ai là đạo trưởng Tây cả. Quan dọa là nếu không tuân lệnh thì sẽ bị đánh đòn. Thấy lính sắp đánh đòn chủ nhà, cha Quý tự ra nhận mình là đạo trưởng. Lính không chịu nghe và nói chắc chắn là có tên đạo trưởng Tây ở trong nhà này. Cha Quý lại cương quyết khẳng định : "Không có Tây dương đạo trưởng nào ở đây, chỉ có tôi là đạo trưởng. Ai muốn theo đạo tôi sẵn sàng chỉ dậy".

Thấy cha Quý còn rất trẻ, quan không tin ngay liền hỏi em nhỏ 10 tuổi, cháu nội của ông Phụng xem đạo trưởng là ai. Nó chỉ vào cha Quý và thưa : "Bẩm, ông này ạ". Lính liền trói cha Quý, ông Phụng và 32 giáo hữu, rồi xiềng xích giải về Châu Đốc. Đến Châu Đốc, lính áp giải cha Quý đến quan tổng đốc. Quan thẩm vấn cha nhiều điều và hứa sẽ tha cho cha nếu cha tuyên bố bỏ đạo, theo như chiếu chỉ nhà vua. Nhưng cha Quý vẫn kiên quyết nhận mình là đạo trưởng, không bao giờ bỏ đạo Thiên Chúa.

Lần khác quan nói với cha: "Thày là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo, hãy nghe ta mà bỏ đạo đó đi". Cha Quý trả lời: "Dạ, thưa quan tôi là người giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được ? Vả nữa, đây là chính đạo, vì chỉ dậy điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu". Quan ra lệnh tống giam cha và sau đó dùng nhiều phương kế dụ dỗ đe nạt, tra tấn hòng làm thay đổi lập trường của cha. Nhưng cha vẫn một lòng trung kiên với chính đạo. Sau cùng, quan thảo bản án trảm quyết gửi về kinh đô. Bảy tháng trong ngục, cha Quý động viên các bạn tù, cử hành bí tích, nguyện ngắm và đọc kinh Mân Côi với họ. Một giáo hữu đến thăm cha, có cả linh mục bản quốc cải trang để vào giải tội và cho cha rước Thánh Thể.

 

Tình thương với thân mẫu

Dù sống trong cảnh tù ngục, cha Quý vẫn tưởng nhớ đến thân mẫu của mình (thân phụ đã qua đời). Cha gởi thơ kính thăm và báo tin cho thân mẫu biết tin mình sắp được phúc tử đạo.

Ký vụ thân mẫu đôi chữ trưởng tri
Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi
Lòng lã chã lệ rơi luồng lụy
Ngỡ tới đây hành công biện sự
Một hai tháng về viếng từ thân
Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân
Trời cùng nước không hề vầy hiệp
Hễ đạo làm tôi đua giữ lời răn dậy
Cho nên con vâng lệnh chỉ sai
Đàng xa xôi cách trở lại chi nài
Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy
Khi con tới An Giang tạm nghỉ
Gặp chân trời mở hội khoa thi
Nên con phải liều công ứng cử
Ay là Thiên Chúa chi sổ nhiên
Nhơn tất tùng chi, nhi dĩ hỉ.
Dầu trăng trói gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử
Chí con dốc đến công ơn Chúa
Dạ con làm báo nghĩa mẹ cha
Xin mẫu từ chớ chút phiền hà
Một cam chịu cho danh cha cả sáng.

Nay thơ,
Thân tử Bá Đa Lộc Đoàn Công Quý,
Linh mục bản quốc"

 

Sau ba tiếng chuông ngân

Ước vọng hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa của cha Phêrô Đoàn Công Quý đã được chấp nhận. Ngày 30.07.1859, bản án trảm quyết cha được gởi từ kinh đô về đến Châu Đốc cùng với bản án ông Emmanuel Lê Văn Phụng. Sáng hôm sau (31.07), cha Quý và ông Phụng hớn hở đi ra pháp trường ở xóm Chà Và cùng với quan quân và giáo hữu. Người lính đi trước tay cầm tấm thẻ của cha Quý và thỉnh thoảng đọc to:

"Tự Đức thập tam, An Giang tỉnh, kỷ vị niên, thất nguyệt, sơ nhị nhật.
Thẻ : Đạo trưởng Đoàn Công Quý, tùng gian đạo, tụ tập đạo đồ, đạo chủng, đạo thư: Bất khẳng quá khóa, vi phạm quốc pháp, luật hình trảm quyết". (1)

Đến nơi xử án, hai vị chứng nhân Chúa Kitô: cha Quý và ông Phụng, cùng qùy xuống cầu nguyện. Sau đó, cha Quý giải tội cho ông Phụng. Giờ hành xử đã đến, ba tiếng chuông vang lên giữa pháp trường, lý hình chém cha Quý ba nhát gươm, đầu cha lìa khỏi thân mình và rơi xuống đất. Vị tử đạo giã từ cõi đời trở về quê hương vĩnh cửu với tuổi đời 33, sau một năm thi hành chức vụ linh mục. Thi hài vị tử đạo được an táng tại nhà thờ Năng Gù, sau được cải táng về chủng viện Cù Lao Giêng năm 1959, nhân dịp bách chu niên cuộc tử đạo.

Đức Piô X suy tôn Chân Phước cho cha Phêrô Đoàn Công Quý ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

 

 

4. THÁNH TÔMA TRẦN VĂN THIỆN
Chủng sinh - (1820 – 1838)

 

Tuổi trẻ hào hùng

Trong một phiên tòa năm 1836, viên quan án xúc động trước người tù trẻ tuổi với dáng dấp thư sinh nho nhã, khuân mặt khôi ngô tuấn tú, hứa hẹn một tương lai sán lạn, ông nói với anh thật dịu dàng : "Nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho con làm quan".

Chàng thanh niển trẻ tuổi ấy, anh Tôma Trần Văn Thiện đã thẳng thắn trả lời : "Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế".

Tuy mới 18 xuân xanh, lứa tuổi yêu đời ham sống, chưa nếm mùi khổ đau cuộc đời, cũng chưa được học tập thâm sâu về giáo lý, anh Tôma Thiện mới vừa tới ngưỡng cửa chủng viện, đã ứng phó khéo léo trước bạo lực, đâu thua kém gì bất cứ chiến sĩ đức tin nào khác trên hoàn cầu. Quả thực, anh đã anh đã thấu hiểu lời đức Kitô : "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì" (Mt.16,26).

 

Con muốn "ở chú" với cha không ?

"Chú Thiện" như người đương thời quen gọi các chủng sinh, sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình.

Nữ tu Madalena Yến, một nhân chứng sống cùng thời thuật lại rằng : "Chú Thiện có một người dì, gọi là dì Nghị, làm bà nhất nhà phước Trung Quán. Chú thường lui tới thăm dì và tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhu mì, lễ phép. Khi linh mục đến dâng lễ ở họ nhà, chú quỳ dự lễ cách nghiêm trang. Lên tám, chín tuổi, chú bắt đầu học chữ Nho, tỏ ra thông minh bền chí và tiến bộ rất nhanh.

"Có lần chú theo dì Nghị đi lễ ở họ Mỹ Lương, sau lễ vào chào các linh mục. Các cha thấy cậu bé khôi ngô, hiền lành đều hỏi : Con có muốn ở chú (đi tu) với cha không ? Cậu Tôma Thiện không thưa gì. Nhưng, chỉ ít lâu sau, người ta thấy chú thường xuyên ở nhà cha Chính, họ Kẻ Sen. Vị linh mục này đã dạy tiếng Latinh cho chú nhiều năm…"

 

Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa

Nhờ tính tình tốt lành và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), chú Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Nhận được tin, chú Thiện cùng với người chị tên Sao hăng hái lên đường. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Yến từ Di Loan về cho biết cha bề trên Candalh Kim đã phải trốn và quân lính đang lùng bắt, rồi khuyên hai chị em đừng đi nữa, nhưng chú Thiện tỏ ra cương quyết : "Dầu không gặp cha Bề Trên, con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thể. Cha đã gọi, không lẽ chưa đến nơi đã bỏ về".

Tới chủng viện, hai chị em trình diện với cha Tự. Ngài nói : "Chúng tôi lo trốn chưa xong mà chị còn dẫn em đến, chỉ làm khó khăn thêm cho chúng tôi thôi". Chị Sao đáp: "Thưa cha, em con nhờ con dẫn đi, vì có giấy cha Bề trên gọi. Chúng con không biết cuộc bắt đạo lại xảy ra bất ngờ như thế".

Hai ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan, lục soát từng nhà. Không tìm thấy cha Kim, nên truyền tra hỏi cặn kẽ để biết cha Bề trên trốn ở đâu. Quan khuyên chú chối đạo, nếu không sẽ bị chết. Chú Thiện thành thật trả lời: "Tôi quê ở Trung Quán, Quảng Bình, đến tìm thày học đạo. Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo".

Quan tỏ ra khoan nhượng khuyên dụ chú Thiện nhiều lần : nào là tuổi còn nhỏ, tương lai còn nhiều triển vọng, nào là sẽ thăng quan tiến chức nếu bỏ đạo. Hơn thế nữa, quan còn muốn nhận chú làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin. Nhưng chú Thiện đã từ chối: "Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế.

Lời khẳng khái ấy không phải ai cũng thốt ra được. Trong số những người bị bắt, nhiều người tỏ vẻ luyến tiếc cho chú đã bỏ lỡ một "cơ hội ngàn vàng". Chàng trai có dáng vóc thư sinh nhưng chí khí thật kiên cường, khiến quan phải ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến tức giận, vì dám xúc phạm đến sự "bao dung" và lòng "ưu ái" của mình, thế là ông truyền đánh đòn chàng. 40 roi đòn quất trên thân thể gầy yếu, máu chảy thấm qua y phục, nhưng vị chứng nhân không lay chuyển, vẫn gan dạ mỉm cười nói : "Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa".

Thấy chú cam đảm hơn người, quan truyền đóng gông xiềng giam chú Thiện vào ngục.

Trong ngục thất, Tôma Thiện không có bà con thân thích nào đến chăm nom tiếp tế. Các giáo hữu Di Loan cũng bị bắt, lúc đầu con chia sẻ cho chú đôi chút lương thực, nhưng sau họ không cho gì nữa. Họ đã nghe quan dụ dỗ để mong trở về với gia đình. Tuy thế quan vẫn chưa thả họ ngay. Vì muốn chú Thiện cũng phải khuất phục, quan dùng những kẻ nhẹ dạ này gây áp lực, nhưng Tôma Thiện trước sau vẫn một mực trung thành với đức tin.

Chú Thiện tiếp tục bị thẩm vấn và bị đánh đòn hai lần nữa, nhưng chú vẫn vui vẻ lãnh nhận. Mỗi lần roi quất xuống, chú lại cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa". Ngoài ra chú còn bị phơi nắng và bị kìm kẹp, nhưng vị anh hùng trẻ tuổi vẫn không sờn lòng, chứng tỏ một nghị lực phi thường và một đức tin hiếm có.

 

Đồng khổ, đồng vinh

Sau khi bất lực trước ý trí sắt đá của Tôma Thiện, quan truyền giam chú chung với cha Jaccard Phan. Hai cha con gặp nhau vui mừng hết sức. Chú Thiện được cha an ủi, khích lệ và ban bí tích hòa giải. Riêng cha Phan thì sung sướng hãnh diện có một người con tinh thần dũng cảm trong đức tin. Hai cha con cùng nhau cầu nguyện, nâng đỡ trợ gíup lẫn nhau và quyết chí trung thành với đạo đến cùng.

Trước tinh thần bất khuất của hai chứng nhân Chúa Kitô, quan quyết định lên án xử trảm cả hai. Bản án chú Thiện như sau : "Tên Thiện bị mê hoặc theo Gia Tô, dầu bị tra tấn cũng không bỏ đạo, nên nó phải chết giống như đạo trưởng của nó".

Bản án gởi về kinh đô. Gần một tháng sau vua Minh Mạng mới châu phê và đổi thành án xử giảo. Có lúc nóng lòng trờ đợi, chú Thiện thưa với cha Phan : "Thưa cha, người ta cứ để cha con ta sống lâu mãi, sao không sớm cho cha con ta được tử đạo, để được kết hiệp cùng Chúa muôn đời". Chú cũng viết thư về gia đình vĩnh biệt cha mẹ, họ hàng, và khuyên mọi người trung thành giữ vững đức tin.

Sáng ngày 21.9.1838, hai cha con chứng nhân Chúa Kitô cùng được dẫn ra pháp trường ở làng Nhan Biều gần Quảng trị. Khi đi qua một quán ăn, viên đội chỉ huy cho hai vị dừng chân, ăn uống theo thói quen dành cho tử tội. Cha Phan không dùng gì cả, chú Thiện thưa với cha: "Con cũng không ăn, để về dự tiệc Thiên Đường vĩnh phúc, phải không cha?" Tới nơi xử, chú Tôma Thiện quỳ xuống trước mặt cha, lính tháo gông, tròng dây vào cổ. Lệnh xử ban hành, họ kéo hai dầu dây thật mạnh, đầu vị tử đạo 18 xuân xanh gục xuống. Sau đó, đến lượt cha Phan cũng bị xử như vậy.

Khác với các tử đạo trước, cuộc hành quyết này không có giáo hữu đi theo để xin an táng. Những người ngoại đã chôn cất hai vị ngay ở pháp trường. Năm 1847 thi hài vị tử đạo được cải táng về tôn vinh tại chủng viện Hội Thừa Sai Paris.

Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII đã suy tôn chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

 

 


5. THÁNH MATTHÊU LÊ VĂN GẪM
Thương Gia - (1813 – 1847)

 

Liều thân vì đại nghĩa

Năm 1844, theo lời yêu cầu của Đức cha Cuénot Thể, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận : Giáo phận Đông gồm các tỉnh miền Trung, và giáo phận Tây gồm các tỉnh Miền Nam và Campuchia. Giáo phận Tây được giao cho Đức cha Lefèbvre Nghĩa, khi đó đã bị trục xuất và đang ở Singapour. Phải đưa Đức cha về giáo phận, đó là điều mong ước của toàn thể tín hữu và hàng giáo sĩ ở Nam Việt. Thánh Matthêu Gẫm đã đứng ra đảm nhiệm công tác này, dù đã lường trước được những nguy hiểm đến tính mạng. Và thực tế, ngài đã bị bắt và đã hy sinh vì sứ mạng này. Tấm gương sáng ngời của thánh nhân sẽ muôn đời sống mãi trong lòng các tín hữu Việt Nam yêu mến Giáo Hội mình.

 

Người gia trưởng gương mẫu

Matthêu Lê Văn Gẫm chào đời năm 1813 thời vua Gia Long, tại họ Tắt, thuộc làng Long Đại, xứ Gò Công, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc quận 9, TPHCM). Là con đầu lòng trong một gia đình năm anh em trai và một em gái út, Matthêu Gẫm đã thừa hưởng nơi thân phụ, ông Phaolô Lê Văn Lại và thân mẫu, bà Maria Nguyễn Thị Nhiệm, một truyền thống đạo đức thâm sâu.

Năm 15 tuổi, cậu Gẫm xin phép cha mẹ gia nhập chủng viện Lái Thiêu để tu học linh mục. Nhưng chỉ một tháng sau, song thân đã đến xin cậu về. Vì là anh cả một đàn em nhỏ dại, cậu đã vâng lời cha mẹ về phụ giúp gia đình lao động kiếm sống. Và Chúa đã hướng dẫn cậu theo lối khác. Khoảng 20 tuổi, chàng thanh niên vạm vỡ ấy kết hôn với một thiếu nữ thuộc họ Thành, làng Long Điền, Bà Rịa (Nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai). Hai vợ chồng sống với nhau rất êm ấm thuận hòa và sinh hạ được bốn người con.

Trong nghề thương mại thường phải xa nhà, một lần kia Matthêu Gẫm sa ngã, theo đuổi mọt thiếu nữ khác. Nhưng khi nghĩ lại, ông cương quyết từ bỏ mối tình ngang trái. Để bù lại, ông tỏ ra yêu vợ nhiều hơn, và chú tâm vào việc giáo dục con cái, nhất là về đời sống đạo đức. Trong bốn người con thì con trưởng và con út qua đời vì bệnh, người thứ hai ra cản việc đốt nhà thờ Cầu Ngang nên bị giết, còn người thứ ba bị bắt vì đạo và chết thiêu trong khám đường cùng với nhiều người khác tại Bà Rịa ngày 07.01.1862. Hai người con sẵn sàng chết vì đức tin, quả là bằng chứng rõ rệt về đường lối giáo dục đức tin của ông.

 

Người thương gia quảng đại

Vì có thuyền riêng và rành nghề sông biển, công việc buôn bán của ông Matthêu Gẫm càng ngày càng phát đạt. Ông quảng đại giúp đỡ các giáo sĩ, và được các thừa sai tín nhiệm. Trong chương trình của cha Lợi, quản lý nhà chung Bà Rịa thì thỉnh thoảng ông lại làm một chuyến qua Hạ Châu (Singgapour) hay Pénang (Mã Lai) để đón các thừa sai và các chửng sinh Việt Nam du học về nước, hoăc chuyển các đồ thờ tự và sách báo đạo. Một số chuyến đi về êm xuôi, nhưng rồi công việc bại lộ, và các quan địa phương để ý theo dõi ông rất gắt.

Năm 1846, vì nhu cầu của giáo phận, ông nhận lời với cha Lợi sang Singapour đón Đức cha Lefèbvre Nghĩa, cha Duclos Lộ và ba chủng sinh về Sài Gòn. Như có linh cảm chuyến này khó thoát, nên ông đến từ giã cha mẹ nội ngoại, dặn dò vợ con kỹ càng ước vọng của mình rồi lên đường. Chuyến đi được êm xuôi. Ngày 23.05, thuyền nhổ neo quay về thì gặp bão tố, và mất thêm bốn ngày trốn chạy một tàu cướp biển, nên ông trễ hẹn. Ngày 06.06, ông Gẫm mới vào đến cửa Cần Giờ, ông trùm Huy họ Chợ Quán đã chờ ở đó sáu ngày để chuyển người mà không gặp, nên đã trở về nhà.

Vì biết mình là đối tượng bị theo dõi, ông Gẫm đã cẩn thận neo thuyền chờ thêm hai ngày, đến khi không thấy ai ra đón, mới quyết định đánh liều đi sâu vào Sài Gòn. Vừa thoát qua một đồn canh, ông gặp một chiếc thuyền tuần tiễu, ông nhanh trí hối lộ cho họ 10 nén bạc để thoát thân. Năm người lính trên thuyền này, sau một hồi tranh luận, sợ chuyện bị bại lộ, nên quay thuyền lại và rượt theo để trả tiền rồi bắt thuyền ông. Ông Gẫm kêu gọi các anh em trên thuyền hợp lực, định chống trả, nhưng Đức cha Nghĩa không đồng ý, vì cho rằng trái với tinh thần nhân hậu của Kitô giáo.

 

Khổ giá và vinh quang

Sáng ngày 08.06.1846, với sự yểm trợ của một số lính trên thuyền khác mới tới, quan lính nhà vua áp tải thuyền ông Gẫm về Bến Nghé. Đức cha Nghĩa và cha Lộ bị giam ở Công Quán. Cha Lộ qua đời trong tù ngày 17.07.1846, còn vị Giám mục thì được giải ra kinh đô Phú Xuân. Tại đây vua Thiệu Trị lên án xử trảm, sau đổi thành án trục xuất về Singapour, sau ngài lại tìm cách vào Việt Nam. Ông Matthêu Gẫm tự nhận là người chủ mưu nên bị biệt giam ở Sài Gòn.

Vài ngày sau, các quan đưa ông ra tòa lấy khẩu cung và kêu gọi quá khóa. Dù bị đòn đánh đau đớn, ông Gẫm vẫn hiên ngang chịu đựng, không khai một ai, cũng không chịu bước qua Thánh Giá. Trước tòa, ông khai tên là Lê Văn Bửu, còn bản án lại ghi tên Lê Văn Bối. Sau 20 ngày, các quan làm án gửi về kinh đô xin xử chém, nhưng nhà vua chần chừ đến năm sau mới quyết định.

Trong thời gian chờ vua phê án, ông Gẫm phải mang gông xiềng nặng nề, nhưng lúc nào cũng giữ được bình tĩnh vui vẻ. Ông nói : "Tôi có ăn trộm ăn cướp gì đâu mà sợ, mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm". Cha Thán ba lần cải trang vào thăm giải tội và trao Mình Thánh. Cha Phan Văn Minh (tử đạo ngày 03.07.1853) cũng vào thăm và khích lệ. Các tín hữu Chợ Quán, Thị Nghè, An Nhơn và họ Lăng (Chí Hòa) cũng rủ nhau đến thăm viếng người anh hùng của giáo phận. Thân phụ ông Gẫm và người em, ông đội Phaolô Bằng, vì liên hệ gia đình cũng bị bắt giam tại Biên Hòa. Thân mẫu ông và các em khác trốn tránh quanh vùng Thủ Đức cũng vào ngục thăm ông một vài lần.

Sau bảy tháng ông Gẫm bị giam, bản án được vua Thiệu Trị châu phê, nhưng vì trùng vào dịp cuối năm, vua ra lệnh dời qua tết mới thi hành. Sau tết, một vài viên quan ở trấn Gia Định có cảm tình với người thương gia hiền lành, viện cớ chính vị giám mục cũng không bị xử tử, làm đơn xin vua giảm án của ông Gẫm thành án lưu đày chung thân. Nhưng tháng 03.1847, khi quân đội triều đình giao tranh và thua quân Pháp ở Đà Nẵng, nhà vua quyết định không ân xá gì nữa.

Ngày 11.05.1847, ông Lê Văn Gẫm được đưa đến pháp trường "Da Còm", tên một cây đa tróc gốc cằn cỗi ở đó (nay là xứ Chợ Đũi, khi đó còn thuộc xứ Chợ Quán), các vị tín hữu và lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của vị anh hùng đức tin, là Tôma Trọng, Phaolô Bằng và Anrê Nguyện, cũng có mặt trong cuộc xử anh mình. Ông đội Bằng và ông Trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa cha Thán đến gần giải tội lần cuối cùng cho anh mình. Ông đội cũng tặng đao phủ ba quan tiền đề anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn.

Thế nhưng nghe tiếng chiêng trống, và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên đao phủ không giữ được bình tĩnh phải chém đến ba nhát, đầu vị tử đạo đạo mới lìa khỏi cổ. Các người em vị tử đạo và các tín hữu ùa vào, ráp đầu vị chứng nhân với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn quanh cổ ngài, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Quán.

Năm 1870, bà Nhiệm, thân mẫu vị tử đạo thuật lại ở tòa điều tra phong thánh rằng : "Hai vợ chồng chúng tôi nghe con chết thì chẳng còn thảm thiết gì, một vui lòng mà rằng : chết vậy đặng làm thánh".

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn ông Matthêu Lê Văn Gẫm lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

 

 

6. THÁNH ANÊ LÊ THỊ THÀNH (BÀ THÁNH ĐÊ)

(1781-1841)

 

Thánh nữ tiên khởi Việt Nam

Nhìn lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, số chị em phụ nữ góp phần xương máu làm chứng đức tin không phải là ít. Tuy nhiên tinh thần kiên cường bất khuất vì Đức tin Kitô giáo của thánh nữ Anê Lê thị Thành là một mẫu gương hiếm có. Chính quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh nổi tiếng "hùm xám tỉnh Nam" (Nam Định) cùng đành phải bất lực trong việc thuyết phục bà chối đạo. Quan áp dụng nhiều phương thế, từ khuyên dụ ngon ngọt đến tra tấn nhục hình, gông xiềng, đòn đánh đến tan nát thân mình, cũng không thể lung lạc đức tin trung kiên của thánh nữ. Những giọt máu tung toé vì đòn vọt đã trở nên những bông hoa hồng kết thành triều thiên tử đạo, phần thưởng tuyệt hảo Thiên Chúa trọng thưởng : Anê Lê thị Thành, thánh nữ tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

 

Người mẹ gương mẫu

Anê Lê thị Thành sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo Mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô kết hôn cùng anh nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hoà sinh hạ được hai con trai tên Đê và Trân và bốn gái : Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.

Cô Lucia Nụ, con gái út cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh như sau : "Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập Hội Con Đức Mẹ, vào Ban Thiếu Nữ Thưa Kinh ở nhà thờ".

Một người con khác, cô Anna Năm cũng xác minh : "Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi : Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng đón nhận Thánh Giá Chúa gởi cho. Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi : "Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".

Bà Anê Đê thật là tấm gương sáng về đạo hạnh cho các bà mẹ công giáo.

 

Từ bác ái đến tử đạo

Ông bà Đê có long bác ái hay thương giúp đỡ người, nhất là trọng kính và sốt sắng giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục thừa sai trú ẩn. Chính đức ái đó đã đưa bà Đê đến phúc Tử Đạo.

Tháng 03.1841 đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục hiện diện tại làng Phúc Nhạc. Cha Berneux Nhân ở nhà ông tổng Phaolô Thức, cha Galy Lý ở nhà ông Trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê và cha Ngân ở một nhà khác.

Một người tên Đễ theo giúp cha Thành muốn lập công và tham tiền đã mật báo tin các linh mục trú ẩn cho quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh. Chính quan Tổng Đốc đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng ngày Lễ Phục Sinh (14.04.1841). Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà. Hai cha Thành và Ngân trốn thoát kịp. Cha Nhân vừa dâng lễ xong vội rời khỏi nhà trọ, sang trốn trên gác bếp nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng vô tình để gấu áo ra ngoài kẽ ván nên bị bắt trước nhất. Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre : "Xin cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không cha và con đều bị bắt".

Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa.

 

Mặc áo hoa hồng

Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp : "Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời…"

Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà kiên tâm như vậy : "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn"

Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một long trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng : "Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá"

Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết : "Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa". Quả thật bà đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thứ tám:

"Tin yêu Chúa Tể muôn trùng ,

Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng".

Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan : "Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?"

Bà còn khuyên : "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng"

Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn chịu thêm đau đớn của bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tâm săn sóc bà, các linh mục gởi thuốc đến thăm, ban bí tích giải tội, xức dầu và giúp bà. Trong giờ hấp hối người ta thường nghe bà cầu nguyện : "Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết long theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con".

Cuối cùng bà dâng lời sau hết : "Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự".

Bà Anê Đê đã về Nhà Cha trên trời trong tinh thần thánh thiện ấy. Hôm đó là ngày 12.07.1841, sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Bà hưởng thọ 60 tuổi.

Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để cho biết nạn nhân không còn sống. Họ tẩm liệm thi hài vào quan tài do Nhà Chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc.

Ngày 02.05.1909, Đức Piô X đã suy tôn chân phước cho bà Anê Lê Thị Thành. Bà thực xứng danh là gương mẫu và là các bổn mạng các bà mẹ Công Giáo Việt Nam. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

 

                                             

 

DANH SÁCH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(XẾP THEO NGÀY THÁNG TỬ ĐẠO)

 

Tháng 1:

1. Ngày 7: Thánh Giuse Trần Văn Tuân, Giáo Dân (1825-1859)

2. Ngày 13:Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm, Chánh  Án (1780-1859)

3 .Ngày 13:Thánh Luca Phạm Trọng Thìn, Chánh Tổng, (1820-1859)

4. Ngày 13: Thánh Giuse Phạm Trọng Tả,  Chánh Tổng  (1800-1859).

5. Ngày 22:Thánh Matthêu Anphong Leziniana (Đậu)  Linh Mục (1702-1745)

6. Ngày 22:Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế) Linh Mục. (1702-1745)

7. Ngày 30:Thánh Tôma Khuông Linh mục  (1780-1860)

 

Tháng 2

8. Ngày 2:Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven Linh Mục. (1829-1861)

9. Ngày 13:Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh Mục. (1830-1859)

 

Tháng 3:

10. Ngày 11:Thánh Đa Minh Cẩm: Linh mục ( + 1859)

 

Tháng 4:

11. Ngày 2:Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước, Linh mục ( 1775-1839)

12. Ngày 6:Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Linh mục (1793-1857)

13. Ngày 7:Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Linh mục (1812-1861)

14. Ngày 27: Thánh Laurensô Nguyễn Văn Hưởng, Linh Mục. (1802-1850)

15. Ngày 28:Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Linh Mục  (1771-1840)

16. Ngày 28:Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, Thầy Giảng  (1783-1840)

17. Ngày 28:Thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, Thầy Giảng (1796- 1840)

18. Ngày 30:Thánh Giuse Tuân, Linh mục  (1811-1861)

 

Tháng 5:

19. Ngày 1:Thánh Augustinô Schoeffler Đông, Linh mục (1822-1851)

20. Ngày 1:Thánh Gioan Louis Bonnard Hương, Linh Mục. (1824-1852)

21. Ngày 2:Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, Trùm Họ  (1790-1854)

22. Ngày 9:Thánh Giuse Đỗ Quang Hiển, Linh mục (1775-1840)

23. Ngày 11:Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, Nhà Buôn (1813-1847)

24. Ngày 22:Thánh Laurensô Ngôn, Giáo dân ( 1840-1862)

25. Ngày 22:Thánh Micae Hồ Đình Hy, Quan Thái Bộc (1808-1857)

26. Ngày 25:Thánh Phêrô Đoàn Văn Vân, Thầy Giảng (1780-1857)

27. Ngày 26:Thánh Gioan Đoàn Thanh Hoan, Linh mục (1798-1861)

28. Ngày 26:Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, Trùm Họ ( 1808-1861)

29. Ngày 28:Thánh Phaolô Hạnh, Giáo dân ( 1827-1859)

 

Tháng 6:

30. Ngày 1:Thánh Giuse Túc,Giáo dân (1843-1862)

31. Ngày 2:Thánh Đa Minh Ninh, Giáo dân (1841-1862)

32. Ngày 3:Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng (Dương) Thủ Bạ  (1802-1862)

33. Ngày 5:Thánh Luca Vũ Bá Loan, Linh mục (1756-1840)

34+35: Ngày 5:Thánh Đa Minh Toại, Ngư Phủ (1812-1862)

Thánh Đa Minh Huyên, Ngư Phủ (1817-1862)

36+37:  Ngày 6:Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng,Giáo dân (1800-1862)

Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần,Giáo dân (1802-1862)

38. Ngày 6:Thánh Vinh Sơn Dương, Thu Thuế (1821-1862)

39.Ngày 12:Thánh Augustinô Phan Viết Huy, Quân nhân (1795-1939)

40. Ngày 12:Thánh Nicolao Bùi Đức Thể, Quân nhân (1792-1839)

41. Ngày 12:Thánh Đa Minh Đinh Đạt, Quân nhân (1803-1839)

42-46:  Ngày 16:

Thánh Đa Minh Nguyên, Chánh Trương (1800-1862)

Thánh Đa Minh Nhi, Nông dân (1822-1962)

Thánh Đa Minh Nguyễn Đức Mạo, Nông gia  (1818-1862)

Thánh Vinh Sơn Tưởng, Chánh Tổng (1814-1862)

Thánh Anrê Tường, Nông gia (1812-1862)

47. Ngày 17: Thánh Phêrô Đa, Thợ Mộc (1802-1862)

48.Ngày 26:Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, Thầy Giảng (1797-1838)

49. Ngày 26:Thánh Đa Minh Henares Minh, Giám mục (1765-1838)

50.Ngày 27:Thánh Tôma Toán, Thầy Giảng (1764-1840)

51. Ngày 30:Thánh Vinh Sơn Đỗ Yến, Linh mục (1764-1838)

 

Tháng 7

52. Ngày 3:Thánh Philipphê Phan Văn Minh ,Linh mục (1815-1853)

53. Ngày 4:Thánh Giuse Nguyễn Đình Uyển,Thầy Giảng (1773-1838)

54. Ngày 10:Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự,Thầy Giảng  (1808-1840)

55. Ngày 10:Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (tự Năm Quỳnh)Trùm Chánh (1768-1840)

56. Ngày 12:Thánh Ingatiô Delgado Y,Giám mục ( 1762-1838)

57. Ngày 12:Thánh Anê Lê Thị Thành, (Anê Đê), Giáo Dân (1781-1841)

58. Ngày 12:Thánh Phêrô Khanh, Linh mục (1780-1842)

59. Ngày 15:Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Linh mục (1766-1838)

60.Ngày 15:Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông,(Năm Thông) Trùm Chánh  (1790-1855)

61. Ngày 20:Thánh Giuse Diaz  Sanjurjo An, Giám mục  (1818-1857)

62. Ngày 24:Thánh Giuse Ferandez Hiền,Linh muc  (1775-1838)

(118. Ngày 26: Chân Phước Anrê Phú Yên, Thầy giảng (1625-1644)

63. Ngày 28:Thánh Giuse Melchior Garcia  Sampedro Xuyên,Giám mục (1821-1858)

64. Ngày 31:Thánh Phêrô Đoàn Công Quí,Linh mục (1826-1859)

65. Ngày 31:Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng,Trùm Chánh (1796-1859)

 

Tháng 8:

66. Ngày 1:Thánh Bernadô Võ Văn Duệ,Linh mục (1755-1838)

67. Ngày 1:Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh,Linh mục (1772-1838)

68. Ngày 12:Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm,Linh mục (1781-1838)

69.Ngày 12:Thánh Antôn Nguyễn Đích,Trùm Chánh (1769-1838)

70. Ngày 12:Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ,Lý Trưởng (1804-1838)

71. Ngày 21:Thánh Giuse Đặng Đình Viên,Linh mục (1787-1838)

 

Tháng 9

72.  Ngày 5:Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự,Linh mục ( 1796-1838)

73. Ngày 5:Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh,Trùm Họ và Lang Y  (1763-1838)

74. Ngày 17:Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu,Linh mục (1756-11798)

75. Ngày 18:Thánh Đa Minh Trạch,Linh mục (1772-1840)

76. Ngày 20:Thánh Gioan Carôlô Cornay Tân,Linh mục Thừa Sai Paris (1809-1837)

77. Ngày 21:Thánh Phanxicô Jaccard Phan,Linh mục Thừa Sai Paris (1799-1838)

78. Ngày 21:Thánh Tôma Trần Văn Thiện,Chủng Sinh (1820-1838)

 

Tháng 10:

79. Ngày 6:Thánh Phanxicô Trần Văn Trung,Cai Đội (1825-1838)

80. Ngày 11:Thánh Phêrô Lê Tùy,Linh mục (1773-1833)

81. Ngày 17:Thánh Phanxicô Isidôrô Gagelin Kính,Linh mục (1799-1833)

82. Ngày 23:Thánh Phaolô Tống Viết Bường,Quan Thị Vệ (1773-1833)

83. Ngày 24:Thánh Giuse Lê Đăng Thi,Cai Đội  (1825-1860)

84. Ngày 28:Thánh Gioan Đạt,Linh mục (1765-1798)

 

Tháng 11:

85. Ngày 1:Thánh Hiêrônimô Hermosilla Liêm (Vọng),Giám mục (1800-1861)

86. Ngày 1:Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh,Giám Mục (1827-1861)

87. Ngày 1:Thánh Phêrô Almatô Bình,Linh mục (1831-18610)

88. Ngày 3:Thánh Phêrô Phanxicô Nêron Bắc,Linh mục (19818-1860)

89. Ngày 5:Thánh Đa Minh Mầu,Linh Mục (1794-1858)

90. Ngày 7:Thánh Vinh Sơn Lê Quang Liêm,Linh mục (1732-1113)

91. Ngày 7:Thánh Jacinta Castaneda Gia,Linh mục (1743-1773)

92. Ngày 8:Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi,Linh mục (1793-1840)

93. Ngày 8:Thánh Phaolô Nguyễn Ngân,Linh mục (1790-1840)

94. Ngày 8:Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh,Linh mục (1760-1840)

95.  Ngày 8:Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Bốn),Lý Trưởng (1805-1840)

96. Ngày 8:Thánh Martinô Thọ (Nho),Viên chức Thu Thuế (1787-1840)

97. Ngày 14:Thánh Stêphanô Thêôdôrê Cuénot Thể,Giám mục (1802-1861)

98. Ngày 20:Thánh Phanxicô Xavier Nguyễn Cần,Thầy Giáng (1803-1837)

99. Ngày 24:Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao,Giám Mục (1808-1838)

100. Ngày 24:Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm,Linh Mục (1761-1838)

101. Ngày 24:Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa,Linh mục (1790-1838)

102. Ngày 26:Thánh Tôma Đinh Viết Dụ,Linh mục (1783-1839)

103. Ngày 26:Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên,Linh mục  (1780-1839)

104. Ngày 28:Thánh Anrê Trần Văn Trông,Quân Nhân (1814-1835)

105. Ngày 30:Thánh Giuse Marchand Du,Linh mục Thừa Sai (1803-1835).

 

Tháng 12:

106. Ngày 6:Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang,Thầy Giảng (1832-1861)

107. Ngày 10:Thánh Simon Phan Đắc Hòa,Y Sĩ (1774-1840)

108. Ngày 18:Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ,Thầy Giảng (1798-1838)

109. Ngày 18:Thầy Phêrô Trương Văn Đường,Thầy Giảng (1808-1838)

110. Ngày 18:Thánh Phêrô Vũ Văn Truật,Thầy Giảng  (1817-1838)

111.  Ngày 19:Thánh Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu,Thầy Giảng  (1790-1839)

112. Ngày 19:Thánh Đa Minh Bùi Văn Úy,Thầy Giảng  (1812-1839)

113. Ngày 19:Thánh Augustinô Nguyển Văn Mới,Nông Dân  (1806-1939)

114.  Ngày 19:Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ,Thợ May   (1811-1839)

115. Ngày 19:Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh,Tá Điền  (1813-1839)

116. Ngày 21:Thánh Phêrô Trương Văn Thi,Linh mục  (1763-1839)

117. Ngày 21:Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc,Linh mục  (1795-1839)

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(theo nguồn http://catholic.org.tw)

 

 

1. Anrê Trần An Dũng Lạc, Sinh năm 1795 tại Bắc Ninh, Linh mục, bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/12.

2. Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), Sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Ðịnh, Thầy giảng, chết rũ tù ngày 15/07/1855 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 15/07.

3. Anrê Trần Văn Trông, Sinh năm 1808 tại Kim Long, Huế, Binh Sĩ, bị xử trảm ngày 28/11/1835 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/11.

4. Anrê Tường, Sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.

5. Antôn Nguyễn Ðích, Sinh tại Chi Long, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/08.

6. Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm), Sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình, Y sĩ, bị xử giảo ngày 10/07/1840 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, đước phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 10/07.

7. Augustinô Schoeffler (Ðông), Sinh năm 1822 tại Mittelbonn, Nancy, Pháp, Linh Mục Thừa sai người Pháp, Hội Thừa Sai Paris, bị xử trảm ngày 1/05/1851 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Lêô XIII, lễ kính vào ngày 1/05.

8. Augustinô Phan Viết Huy, Sinh năm 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Binh Sĩ, Giáo dân dòng ba, bị xử lăng trì ngày 12/06/1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/06.

9. Augustinô Nguyễn Văn Mới, Sinh năm 1806 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, Giáo dân, dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.

10. Bênađô Vũ Văn Duệ, Sinh năm 1755 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, Linh mục triều, bị xử trảm ngày 1/08/1838 tại Ba Tòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 1/08.

11. Ða-Minh Cẩm, Sinh tại Cẩm Chương, Bắc Ninh, Linh mục, Dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 11/03/1859 tại Hưng Yên dưới thời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 11/03.

12. Ða-Minh Ðinh Ðạt, Sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Bùi Chu, Binh Sĩ, Giáo dân dòng ba, bị xử giảo ngày 18/07/1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/07.

13. Ða-Minh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu), Sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 1/08/1838 tại Ba Tòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 1/08.

14. Ða-Minh Huyện, Sinh tại Ðông Thành, Thái Bìnb, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 5/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 5/06.

15. Ða-Minh Phạm Viết Khảm (Án Trọng), Sinh tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Quan Án, Giáo dân Dòng Ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 13/01/1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01.

16. Ða-Minh Nguyễn Ðức Mạo, Sinh tại Phú Yên, Ngọc Cực, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.

17. Ða-Minh Hà Trọng Mầu, Sinh tại Phú Nhai, Bùi Chu, Linh mục Dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 5/11/1858 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 5/11.

18. Ða-Minh Nguyên, Sinh tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.

19. Ða-Minh Nhi, Sinh tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.

20. Ða-Minh Ninh, Sinh năm 1835 tại Trung Linh, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 2/06/1862 tại An Triêm dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 2/06.

21. Ða-Minh Toái, Sinh tại Ðông Thành, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 5/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 5/06.

22. Ða-Minh Trạch (Ðoài), Sinh năm 1792 tại Ngoại Bồi, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 18/09/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/09.

23. Ða-Minh Vũ Ðình Tước, Sinh năm 1775 tại Trung Lao, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị tra tấn đến chết ngày 2/04/1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 2/04.

24. Ða-Minh Bùi Văn Úy, Sinh năm 1801 tai Tiên Môn, Thái Bình, Thầy giảng dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.

25. Ða-Minh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn), Sinh năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh. , bị xử trảm ngày 26/11/1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 26/11.

26. Ðức Cha Ða-Minh Xuân (Dominicus Henarès), Sinh năm 1765 tại Baena, Cordova, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, phụ tá địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 25/06/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngàỵ 25/06.

27. Ðức Cha Giêrônimô Liêm (Hieronymus Hermosilla), Sinh năm 1800 tại S. Domingo de la Calzadar, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/11/1861 tại Hải Dương dưới thời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 1/11.

28. Ðức Cha Giuse An (Maria Diaz Sanjurjo), Sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, bị xử trảm ngày 20/07/1857 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1900 do Ðức Piô XII, lễ kính ngày 20/07.

29. Ðức Cha Clêmentê Inhaxiô Hy (Ignatius delgado), Sinh năm 1761 tại Villa Felice, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị chết rũ tù ngày 12/07/1838 (21/6/1838 (âm lịch) tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/07.

30. Ðức Cha Melchor Xuyên (Garcia Sampedro), Sinh năm 18211 tại Cortes Asturias, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, bị xử lăng trì ngày 28/07/1858 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951, do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 28/07.

31. Ðức Cha Phêrô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie), Sinh năm 1808 tại Beynat, Tulle, Pháp, Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.

32. Ðức Cha Thể (Etienne Théodore Cuénot), Sinh năm 1802 tại Belieu, Besancon, Pháp, Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Ðông Ðàng Trong, chết rũ tù ngày 14/11/1861 tại Bình Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kínhvào ngày 14/11.

33. Ðức Cha Vinh (Berrio Ochoa), Sinh năm 1827 tại Elorrio (Vizcaya), Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/11/1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 1/11.

34. Emmanuel Lê Văn Phụng, Sinh năm 1796 tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, Giáo dân, Trùm Họ, bị xử trảm ngày 31/07/1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 31/07.

35. Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, Sinh năm 1756 tại Thợ Ðức, Phú Xuân, Huế, Linh mục, bị xử trảm ngày 17/09/1798 tại Bãi Dâu dưới đời vua Cảnh Thịnh, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 17/09.

36. Giacôbê Ðỗ Mai Năm, Sinh năm 1781 tại Ðông Biên, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/08.

37. Gioan Baotixita Cỏn, Sinh năm 1805 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, Lý Trưởng, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dướiđời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.

38. Gioan Baotixita Ðinh Văn Thành, Sinh năm 1796 tại Nộn Khê, Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/04.

39. Gioan Ðạt, Sinh năm 1765 tại Ðồng Chuối, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 28/10/1798 tại Chợ Rạ dưới đời vua Cảnh Thịnh, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/10.

40. Gioan Ðoàn Trịnh Hoan, Sinh năm 1798 tại Kim Long, Thừa Thiên, Linh mục, bị xử trảm ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 26/05.

41. Gioan Hương (Jean Louis Bonnard), Sinh năm 1824 tại Saint Christo en Jarez, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/05/1852 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 1/05.

42. Gioan Tân (Jean Charles Cornay), Sinh năm 1809 tại Loudun, Poitiers, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử lăng trì ngày 20/09/1837 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 20/05.

43. Gioan Ven (Jean Théophane Vénard), Sinh năm 1829 tại St. Loup-sur-Thouet, Poitiersm, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 2/02/1861 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 2/02.

44. Giuse Hoàng Lương Cảnh, Sinh năm 1763 tại Làng Ván, Bắc Giang, Giáo dân dòng ba Ða Minh, Trùm Họ, Y Sĩ, xử trảm ngày 5/09/1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 5/09.

45. Giuse Du (Joseph Marchand), Sinh năm 1803 tại Passavaut, Besancon, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Ngoài, bị xử hình bá đao ngày 30/11/1835 tại Thợ Ðúc dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 30/11.

46. Giuse Ðỗ Quang Hiển, Sinh năm 1775 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 9/05/1840 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 9/05.

47. Giuse Hiền (Joseph Fernandez), Sinh năm 1775 tại Ventosa de la Cueva, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 24/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/07.

48. Giuse Nguyễn Duy Khang, Sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Ðịnh, Thầy giảng dòng ba Ða Minh, bị xử trảm ngày 6/12/1861 tại Hải Dương dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 6/12.

49. Giuse Nguyễn Văn Lựu, Sinh năm 1790 tại Cái Nhum, Vĩnh Long,Trùm họ, chết rũ tù ngày 2/05/1854 tại Vĩnh Long dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 2/05.

50. Giuse Nguyễn Ðình Nghi, Sinh năm 1771 tại Kẻ Với, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.

51. Giuse Phạm Trọng Tả (Cai), Sinh năm 1796 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Giáo dân, Cai Tổng, bị xử giảo ngày 13/01/1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01.

52. Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 24/10.

53. Giuse Tuân, Sinh năm 1821 tại Trần Xá, Hưng Yên, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/04/1861 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 30/04.

54. Giuse Trần Văn Tuấn, Sinh năm 1825 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 7/01/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 7/01.

55. Giuse Túc, Sinh năm 1852 tại Hoàng Xá, Bắc Ninh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 1/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 1/06.

56. Giuse Nguyễn Ðình Uyển, Sinh năm 1775 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, chết rũ tù ngày 4/7/1838 tại Hưng Yên dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 4/07.

57. Giuse Ðặng Ðình Viên, Sinh năm 1787 tại Tiên Chu, Hưng Yên, Linh mục triều, bị xử trảm ngày 21/8/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/08.

58. Henricô Gia (Henricus Castaneda), Sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 7/11/1773 tại Ðồng Mơ dưới đời Chúa Trịnh Sâm, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/11.

59. Inê Lê Thị Thành (Ðệ), Sinh năm 1781 tại Bái Ðền, Thanh Hóa, Giáo dân, chết rũ tù ngày 12/07/1841 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 12/07.

60. Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, Sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 13/02/1856 tại Ninh Bình dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 13/02.

61. Lôrensô Ngôn, Sinh tại Lục Thủy, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 22/05/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 22/05.

62. Luca Vũ Bá Loan, Sinh năm 1756 tại Trại Bút, Phú Ða, Linh mục, bị xử trảm ngày 5/06/1840 Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 5/06.

63. Luca Phạm Viết Thìn (Cai), Sinh năm 1819 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Giáo dân, Cai Tổng, bị xử giảo ngày 13/01/1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01.

64. Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc), Sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, Trùm họ, bị xử trảm ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 26/05.

65. Matthêu Ðậu (Matthaeus Alonso Leciniana), Sinh năm 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.

66. Matthêu Lê Văn Gẫm, Sinh năm 1813 tai Gò Công, Biên Hòa, Giáo dân, Thương gia, bị xử trảm ngày 11/05/1847 tại Chợ Ðũi dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 11/05.

67. Martinô Tạ Ðức Thịnh, Sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.

68. Martinô Thọ, Sinh năm 1787 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, Trùm họ, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.

69. Micae Hồ Ðình Hy, Sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày 22/05/1857 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/05.

70. Micae Nguyễn Huy Mỹ, Sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội, Giáo dân, Lý Trưởng, bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do ÐứcLêô XIII, lễ kính vào ngày 12/08.

71. Nicôla Bùi Ðức Thể, Sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu, Giáo dân, Binh sĩ, bị lăng trì ngày 12/06/1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Leô XIII, lễ kính vào ngày 12/06.

72. Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu, Sinh năm 1797 tại Trung Lễ, Liên Thủy, Nam Ðịnh, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 25/06/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 25/06.

73. Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin), Sinh năm 1799 tại Montperreux, Besancon, Pháp, Linh mục Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 17/10/1833 tại Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 17/10.

74. Phanxicô Phan (Francois Jaccard), Sinh năm 1799 tại Onnion, Annecy, Pháp, Linh mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 21/09/1838 tại Nhan Biều dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/09.

75. Phanxicô Tế (Francois Gil de Federich), Sinh năm 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.

76. Phanxicô Trần Văn Trung, Sinh năm 1825 tại Phan Xã, Quảng Trị, Giáo dân, Cai đội, bị xử trảm ngày 6/10/1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 6/10.

77. Phanxicô Xaviê Cần, Sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Ðông, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 20/11/1837 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 20/11.

78. Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, Sinh năm 1794 tại Kẻ Ðiều, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cô Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.

79. Phaolô Tống Viết Bường, Sinh tại Phủ Cam, Huế, Giáo dân, Quan Thị Vệ, bị xử trảm ngày 23/10/1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 23/10.

80. Phaolô Dương (Ðổng), Sinh năm 1792 tại Vực Ðường, Hưng Yên, Giáo dân, Trùm họ, bị xử trảm ngày 3/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 3/06.

81. Phaolô Hạnh, Sinh năm 1826 tại Chợ Quán, Giáo dân, bị xử trảm ngày 28/05/1859 tại Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 28/05.

82. Phaolô Phạm Khắc Khoan, Sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình, Linh mục, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/04.

83. Phaolô Lê Văn Lộc, Sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 13/02/1859 tại Gia Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 13/02.

84. Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/12.

85. Phaolô Nguyễn Ngân, Sinh năm 1771 tại Kẻ Bền, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.

86. Phaolô Lê Bảo Tịnh, Sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 6/04/1857 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 6/04.

87. Phêrô Bắc (Pierre Francois Neron), Sinh năm 1818 tại Bornay, Saint-Claude, Pháp, Linh mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 3/11/1860 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính av2o ngày 3/11.

88. Phêrô Bình (Petrus Almato), Sinh năm 1830 tại San Feliz Saserra, Tây Ban Nha, Linh mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/11/1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 1/11.

89. Phêrô Dũng, Sinh tại Ðông Hào, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 6/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước nag2y 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 6/06.

90. Phêrô Ða, Sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 17/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 17/06.

91. Phêrô Nguyễn Văn Ðường, Sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/12.

92. Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, Sinh năm 1783 tại Ðồng Chuối, Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/04.

93. Phêrô Phạm Khanh, Sinh năm 1780 tại Hòa Duệ, Nghệ An, Linh mục, bị xử trảm ngày 12/07/1842 tại Hà Tĩnh dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 12/07.

94. Phêrô Võ Ðăng Khoa, Sinh năm 1790 tại Thượng Hải, Nghệ An, Linh mục, bị xử giảo ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.

95. Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 7/04/1861 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/04.

96. Phêrô Ðoàn Công Quý, Sinh năm 1826 tại Búng, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 31/07/1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909, lễ kính vào ngày 31/07.

97. Phêrô Thuần, Sinh tại Ðông Phú, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 6/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 6/06.

98. Phêrô Phạm Văn Thi, Sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/12.

99. Phêrô Vũ Văn Truật, Sinh năm 1816 tại Kẻ Thiếc, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/12.

100. Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Sinh năm 1766 tại Ngọc Ðồng, Hưng Yên, Linh mục triều, bị chết rũ tù ngày 15/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 15/07.

101. Phêrô Lê Tùy, Sinh năm 1773 tại Bằng Sở, Hà Ðông, Linh mục, bị xử trảm ngày 11/10/1833 tại Quan Ban dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 11/10.

102. Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Sinh năm 1811 tại tại Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 10/07/1840 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 10/07.

103. Phêrô Nguyễn Văn Tự, Sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 5/09/1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 5/09.

104. Phêrô Ðoàn Văn Vân, Sinh năm 1780 tại Kẻ Bói, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 25/05/1857 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 25/05.

105. Philipphê Phan Văn Minh, Sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, Linh mục, bị xử trảm ngày 3/07/1853 tại Ðình Khao dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 3/07.

106. Simon Phan Ðắc Hòa, Sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên, Giáo dân, Y Sĩ, bị xử trảm ngày 12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/12.

107. Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, Sinh năm 1814 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 25/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.

108. Tôma Ðinh Viết Dụ, Sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 26/11/1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 26/11.

109. Tôma Nguyễn Văn Ðệ, Sinh năm 1810 tại Bồ Trang, Nam Ðịnh, Giáo dân dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.

110. Tôma Khuông, Sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/01/1860 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 30/01.

111. Tôma Trần Văn Thiện, Sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình, Chủng sinh, bị xử giảo ngày 21/09/1838 tại Nhan Biều dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/09.

112. Tôma Toán, Sinh năm 1767 tại Cần Phan, Nam Ðịnh, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, bị chết rũ tù ngày 27/07/1840 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 27/06.

113. Vincentê Dương, Sinh tại Doãn Trung, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 6/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 6/06.

114. Vincentê Nguyễn Thế Ðiểm, Sinh năm 1761 tại Ân Ðô, Quảng Trị, Linh mục, bị xử giảo ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.

115. Vincentê Lê Quang Liêm, Sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 7/11/1773 tại Ðồng Mơ dưới đời chúa Trịnh Sâm, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/11.

116. Vincentê Tường, Sinh tại Phú Yên, Giáo dân, bị xử ngày 16/6/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.

117. Vincentê Ðỗ Yến, Sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/06/1838 tại Hải Dương dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 30/06.

118. Chân Phước Anrê Phú Yên, Sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644. Ðược phong Chân Phước ngày 5/03/2000 do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

 

 

KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

Kính lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam,
là con thảo của Cha trên trời,
là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô,
là thành phần trung kiên của Hội thánh.

Nay chúng con xin hợp với các ngài
và với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
là nữ vương các thánh Tử Đạo
mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả.

Xưa Chúa ban cho các ngài
được vững tin vào Lời Chúa
và đầy sức mạnh của Thánh Thần,
nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ,
quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá
và hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất,
để Hội thánh Việt Nam
thu lượm được mùa lúa dồi dào.

Nay Hội thánh lại dâng các ngài lên Chúa
như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân.

Các ngài đã yêu mến quê hương,
xin cầu cho đất nước được an vui hạnh phúc
và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình.

Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận,
xin cầu cho đồng bào mọi giới
biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Các ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin,
xin cầu cho mọi ki-tô hữu
biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam
là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng,
xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu
được noi gương các ngài
biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ,
để một ngày kia trên thiên quốc
chúng con được hợp tiếng với các ngài
ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. A-men.

 

Imprimatur : 10-8-1988,
Phaolô Nguyễn Văn Bình,

TGM. Tgp. Saigòn