Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (2/10) 

 

 

 

 

 

Chương 10 – Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Điều răn cho cuộc Trường Hành 

1. Là một nhà thần nghiệm…

“Thời gian đi rất nhanh khi ai đó muốn thành nhà thần nghiệm hay người vô thần.”

a. Cần thiết cho một hành động đức tin cá nhân

Karl Rahner có uy tín khi cho rằng ngày nay người ta hoặc là nhà thần nghiệm hoặc là người vô thần. Ông nói đúng. Không ai trong chúng ta có thể tin vào thực tế rằng, một khi chúng ta sống trong nền văn hóa đã từng là Kitô, rằng chúng ta dường như sống giữa những người Kitô hữu, hay rằng chúng ta đã từng có đức tin. Không điều đơn lẻ nào trong số này đủ để hỗ trợ cho một đức tin Kitô trong thời đại chúng ta sống với thuyết vô tri, thuyết đa nguyên, tính thế tục, cám dỗ và xao nhãng. Chúng ta sống trong một tình trạng hậu Kitô giáo mà nền văn minh không cưu mang được đức tin trong lòng.

Vì vậy, là tín hữu thời nay là sống trong tình trạng đạo đức cô độc. Để hỗ trợ cho đời sống đức tin thời nay thì không thể theo số đông, đúng hơn là phải đứng ngoài tư tưởng thống trị, điều mà các nhà xã hội học gọi là nhận thức thiểu số. Nếu muốn có một đức tin vững mạnh thì không thể đơn giản cuốn theo dòng đi của một cộng đoàn đặc thù, hay ngay cả cộng đoàn của riêng họ.

Hai mươi lăm năm trước, khi giảng dạy tại Đại học Yale, Henri Nouwen đã đưa ra tuyên bố rằng, ngay cả trong các chủng sinh, thì ý thức chi phối họ vẫn là thuyết bất khả tri. Rốt cùng, không có chỗ cho Thiên Chúa nơi những người đang nói về tôn giáo và chuẩn bị cho sứ vụ Kitô.

Ngày nay, đó là sự thật căn bản cho hầu hết chúng ta. Sinh ra trong gia đình Kitô, được rửa tội, hoặc ngay cả là thành viên của cộng đoàn phụng sự cũng chưa đủ. Không điều đơn lẻ nào trong số này tất yếu mang lại cho chúng ta đức tin thật. Đó là điều hiển nhiên, không phải chỉ vì rất nhiều người (trong đó có con em chúng ta) đang bỏ đạo, nhưng vì, ngay cả trong giáo hội chúng ta, có đức tin vào Kitô giáo, theo lề luật đạo đức, học giáo lý Chúa Giêsu, theo tiếng gọi của Chúa cho công lý, theo một giá trị nhân bản khi ở trong cộng đoàn thì dễ dàng hơn là có một đức tin cá nhân vào Thiên Chúa hằng sống. Thật vậy, những gì chúng ta có thông thường không phải là linh đạo Kitô  mà là một ý niệm về linh đạo Kitô.

Như vậy có một thách thức quan trọng trong nhận xét của Rahner. Ngày nay, để có một đức tin vững mạnh, thì đến một lúc nào đó, người tín hữu phải có một đức tin sâu đậm và cá nhân. Hành động đó, ông cho ngang với việc là một nhà thần nghiệm, thật không may, việc này quá khó, do các thế lực tác động đã làm xói mòn nền văn hóa, xói mòn đức tin chung, chính vì thế nó không thuận tiện để chúng ta tạo cho mình một đức tin riêng.

Những thế lực chống đức tin này là gì? Chúng không phải là sản phẩm cố ý của vô thần. Ngược lại, chúng là những chuyện tốt xấu, trong chúng ta, quanh chúng ta, cám dỗ chúng ta bỏ cầu nguyện, không hy sinh, không dấn thân, không liên kết với cộng đoàn, không sẵn sàng chịu khổ để bền đỗ với lòng trung thực và cam kết của chúng ta, không chịu khó bỏ thì giờ, không chịu khó can đảm để thấm nhập sâu vào tâm hồn mình. Vì thế, các thế lực này không trừu tượng và không phải là những thế lực bên ngoài. Chúng ở trong căn nhà chúng ta, tạo cho chúng ta tiện nghi dễ chịu như khi chúng ta mang một đôi giày vừa chân. Những điều làm chận đứng đức tin là một loạt những điều vô hại trong đời sống hàng ngày, những điều mang tiện nghi đến trong cuộc sống: lười biếng, nuông chiều bản thân, tham vọng, bồn chồn, ghen tị, sợ căng thẳng, tiêu pha, tham lam của cải, ham muốn trải nghiệm, muốn có một phong cách sống nào đó, bận rộn và căng thẳng quá mức, mệt mỏi triền miên, ám ảnh với sự nổi tiếng, những giải trí liên tu bất tận với các chương trình thể thao, hài kịch, truyền hình. Chính đây là những thế lực phản thần nghiệm của thời đại chúng ta.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)

)

.