Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (10/10) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (10/10)

Chương 10 – Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm mt Linh đo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

4. Thờ phượng và phụng sự đúng Thiên Chúa…

Một khuôn mẫu người khác tạo ra có thể tràn ngập thế giới và đi theo một Thượng Đế sai lầm làm mất đi ngôi sao dẫn đường của mình.

a. Khẳng định bản thân nhờ giữ điều răn thứ nhất

Khi cố gắng khẳng định bản thân mình là Kitô hữu, có một số điều cũng quan trọng như việc thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa. Dù chân thành đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu có một hình ảnh sai về Thiên Chúa, thì đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và lỗi phạm điều răn thứ nhất.

Vậy Thiên Chúa giống như thế nào? Đức Giêsu đã mặc khải một Thiên Chúa như thế nào?

Một trong những nhà thần nghiệm Kitô lớn, Julian thành Norwich, đã từng mô tả Thiên Chúa như sau: “Hoàn toàn thanh thản và lịch thiệp, chính Ngài là hạnh phúc và bình an cho bằng hữu Ngài, dung nhan Ngài tỏa chiếu một tình yêu vô tận, như một bản hòa tấu tuyệt diệu; và chính dung nhan phi thường cùng vẻ đẹp của Thiên Chúa đã phủ đầy hoan lạc và ánh sáng khắp chốn thiên đàng.”

Như Julian mô tả, Thiên Chúa vừa mỉm cười hài lòng vừa thanh thản. Chúa Giêsu sẽ đồng ý với mô tả đó. Thật không may, quá ít Kitô hữu, trong quá khứ cũng như hiện tại, đồng ý như vậy.

Trong quá khứ, khái niệm của chúng ta về Thiên Chúa thường là hình ảnh của cơn giận dữ và sự bất lực không thể tha thứ cho nhau. Vì thế, chúng ta có xu hướng vẽ hình Chúa như một Thiên Chúa trừng phạt, với quyển sách vĩ đại ghi lại tất cả tội lỗi của từng người, rồi Ngài buộc mỗi người phải đền cho từng tội đó. Ngài là một Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên tiêu chuẩn quá khắc nghiệt (“con đường hẹp”) cho sự cứu rỗi. Lửa địa ngục đang chờ những ai không thể vượt qua được mức độ đòi hỏi luân lý cao như vậy. Chúng ta sống trong sợ hãi với Thiên Chúa đó.

Ngày nay lúc hình tượng Thiên Chúa đang rơi vào một thời kỳ khó khăn, cả bên trong lẫn bên ngoài giáo hội, không có nhà rao giảng nào, cả thế tục lẫn tôn giáo mà không cố hạ bệ Thiên Chúa trừng phạt và đòi hỏi đó. Tuy nhiên đáng buồn là chúng ta đã không thay thế được Ngài bằng điều gì tốt đẹp hơn.

Trong giới bảo thủ tôn giáo, hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt xa xưa được thay thế bằng một Thiên Chúa chính thống. Ngài là một Thiên Chúa với dung nhan biểu lộ chính vẫn là sự khắc nghiệt. Ngài (và trong giới bảo thủ, Ngài luôn là Ngài) đang nhìn vào thế giới và thấy thế giới này hỗn độn, đạo đức suy đồi, lười biếng, trụy lạc tình dục. Ngài vui thích khi chúng ta cùng nhau cố gắng hơn một ít, nhưng phản ứng đầu tiên của Ngài đối với chúng ta vẫn là không hài lòng.

Giới tự do thì khác, nhưng lại không gần gũi với điều răn thứ nhất. Thiên Chúa của họ có khuynh hướng là Thiên Chúa của hệ tư tưởng tự do, một Thiên Chúa khắc khoải, lo âu, đa cảm, nói năng đúng đắn về mặt chính trị, tham công tiếc việc, thường hay than vãn. Vị Thiên Chúa này vẫn luôn nhíu mày, và khi nhìn vào thế giới này, phản ứng tự phát của Ngài không phải là chúc lành mà là trách móc cho sự ngu ngốc và thiếu ý thức xã hội của nó. Những gì Vị Thiên Chúa tự do nhìn thấy là một đám người dư tiền dư bạc ăn chơi dưới trần gian.

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu gọi là Cha của Ngài không nhìn trần gian như một đám người hỗn độn. Khi đọc những trang Kinh Thánh đầu tiên, chúng ta thấy sau khi tạo ra mỗi thứ, Thiên Chúa nhìn vào và nói: “Thật là tốt đẹp!” Rồi sau khi kết thúc công việc tạo dựng, Thiên Chúa nhìn vào mọi sự và mọi con người mà nói:

“Thật là quá tốt đẹp!” Đó là lời chúc lành đầu tiên, cái nhìn cảm mến và không bao giờ thay đổi cho dù có xấu xa và tội lỗi. Cái nhìn đầu tiên của Chúa trên chúng ta vẫn là cái nhìn cảm mến.

Chúng ta thấy được sự lặp lại này trong những trang đầu tiên của Phúc Âm, khi Đức Giêsu chịu phép rửa. Lúc nhận phép rửa, khi Chúa Giêsu nhô đầu ra khỏi nước sau khi được thánh Gioan Tẩy Giả dìm xuống nước, các tầng trời mở ra và một giọng nói từ trời vọng xuống, giọng nói của Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con.” Một lần nữa, như lúc tạo dựng ban đầu, Thiên Chúa nhìn xuống mặt địa cầu và thấy thế là tốt đẹp.

Ý thức về điều này, nụ cười của Thiên Chúa trên địa cầu là một phần rất quan trọng để hiểu biết Chúa Giêsu. Hiểu được thái độ và giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ hữu ích để chúng ta hình dung được điều này xuyên suốt cuộc đời của Ngài, Thiên Chúa, Cha của Ngài vẫn thì thầm vào tai Ngài lời chúc lành từ phép rửa đó: “Con là Con Ta, Người Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con.” Thực vậy, những lời này đã cấu tạo nên lương ong thức của Chúa Giêsu, đặc biệt theo Phúc âm thánh Lu-ca. Vì vậy, khi Chúa Giêsu nhìn vào những người nghèo khó, đói khát và khóc than, Ngài thấy họ được chúc phúc, vì trước hết Ngài đã nghe thấy tiếng Chúa Cha nói trong Ngài, rằng Thiên Chúa nhìn Ngài và nhìn thế giới theo cách đó.

Có một chuyện ngụ ngôn Phật giáo đương đại có thể giúp chúng ta hiểu những gì đang được nói ở đây:

Một ngày nọ, Đức Phật đang ngồi dưới một cái cây, ngài mập phì. Một người lính trẻ, cân đối, đẹp trai đến nhìn ngài và nói: “Vâng, nhìn ngài giống một con heo!” Đức Phật trả lời: “Vâng, nhìn con giống như Đức Chúa!” Người lính trẻ ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ngài lại nói vậy?” Đức Phật trả lời: “Đúng vậy, chúng ta thấy những gì bên trong chúng ta. Ta nghĩ về Chúa suốt ngày nên khi nhìn con, ta thấy Chúa. Còn con, chắc con suy nghĩ chuyện khác…”

Những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài, chúng được tô màu qua những gì chúng ta có trong lòng. Như vậy, Chúa Giêsu đã mang trong Ngài ý niệm về một Thiên Chúa thư thái mỉm cười hài lòng và chúc phúc cho địa cầu. Do đó, Chúa Giêsu cũng nhìn vào chúng chúng ta và thấy trong lòng chúng ta có những điều đáng để mỉm cười hài lòng và chúc phúc.

Mấy năm trước khi qua đời, Henri Nouwen, có lẽ là tác giả thiêng liêng lớn nhất thời đại chúng ta, đã viết một quyển sách mà nhiều người coi đó là kiệt tác thiêng liêng, tựa đề Người Con Hoang Đàng Trở Về, đây vừa là quyển sách chú giải bức tranh lừng danh cùng tên của họa sĩ Rembrandt, vừa là một suy niệm thiêng liêng về tình Phụ tử, Mẫu tử của Thiên Chúa.

Nouwen chỉ ra trong bức tranh của Rembrandt về Người Cha của Đứa Con Hoang Đàng, nhân vật tượng trưng cho hình tượng Thiên Chúa, có những điểm thú vị: Trước hết, ông được họa nên như một người mù. Đôi mắt của ông khép lại và ông nhìn thấy đứa con hoang đàng không phải bằng đôi mắt mà bằng quả tim của mình (quả tim mà ông dịu dàng ôm lấy người con dụi đầu vào lòng mình). Ý nghĩa của điều đó rất rõ ràng, Thiên Chúa nhìn bằng quả tim. Hơn nữa, nhân vật hình tượng thay Thiên Chúa này có một bàn tay đàn ông (đang kéo đứa con ương ngạnh về phía mình) và một bàn tay phụ nữ (đang vuốt ve lưng con mình). Do đó, Thiên Chúa được biểu lộ ở đây vừa là người mẹ vừa là người cha, yêu thương như một người phụ nữ và cũng như một người đàn ông.

Hơn nữa, cảnh được Rembrandt họa lên nêu bật ba nhân vật: người con hoang đàng, người anh, và nhân vật người cha/người mẹ đầy thương xót đang trao ban vòng tay yêu thương và tha thứ. Những gì mà bức tranh mời gọi chúng ta làm là nhìn chính mình trong những đặc tính đó, trong yếu đuối của đứa con ương ngạnh, trong chua cay của người anh cả, và trong tình thương xót của người cha/ người mẹ, là chính Thiên Chúa.

Hai đặc tính đầu tiên rõ ràng hướng về chúng ta hơn. Chúng ta biết rằng, giống như người con thứ, chúng ta thường bỏ nhà Chúa mà đi do lòng yếu đuối của chúng ta, và chúng ta cũng biết, như người anh, vì lòng chua cay và giận dỗi, chúng ta không thấy được tình thương và lời chúc lành của người cha. Khi lớn tuổi hơn, chúng ta mới nhận ra, thực sự chúng ta chính là cả hai người con đó, người con thứ, yếu đuối và tội lỗi, người con cả, chua cay và giận dữ.

Tuy nhiên, những gì Chúa Giêsu mặc khải trong dụ ngôn là mời gọi chúng ta (hiển nhiên rất thuyết phục trong bức tranh của Rembrandt) là nên giống như Người Cha, với tất cả vòng ôm, lòng tha thứ, lòng thương xót. Cuối cùng, đó chính là những gì chúng ta được mời gọi vào đời sống thiêng liêng. Rốt cùng, chúng ta được gọi để tỏa chiếu một Thiên Chúa nam tính, với vòng tay phụ tử cho đứa con ương ngạnh, và một Thiên Chúa nữ tính, với tình mẫu tử xoa dịu tấm lòng chua cay.

Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, trước hết, chúng ta phải tự trải nghiệm điều đó, và trải nghiệm một phần việc đón nhận vòng tay tha thứ của Thiên Chúa, để hiểu được Ngài cách đúng đắn. Can đảm đặt mình trong vòng ôm lúc chúng ta vẫn còn tội lỗi và chua cay, trước hết, đó là nhận biết Chúa – như Chúa Giêsu, như Julian thành Norwich, Rembrandt và Henri Nouwen đã đoan chắc với chúng ta – vừa là Người Cha chúc phúc vừa là Người Mẹ âu yếm, Đấng nhìn bằng con mắt của trái tim, và là Đấng bất chấp các yếu đuối và giận dữ của chúng ta, vẫn thanh thản ngồi đó, mỉm cười hài lòng với dung mạo của một bản hoà tấu tuyệt diệu.

Hòa âm đó, luôn là dung nhan hiển hiện của Thiên Chúa, là chính tương lai mà tất cả chúng ta và cả địa cầu này hướng đến. Vì chúng ta đang sống trong lòng một Thiên Chúa toàn năng, mỉm cười hài lòng, thanh thản, tha thứ tất cả, thì chúng ta cũng thanh thản, mỉm cười ít nhất là trong một lúc, bởi vì, cho dù điều gì đã xảy ra hay sẽ xảy ra đi nữa, thì cuối cùng, “tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả phải tốt đẹp, và tất cả mỗi con người đều tốt đẹp.”

Nguyễn Kim Long dịch

Hết

.