Từ xuống tinh thần đến yêu đời

 

 

 

 

Ronald Rolheiser,

Lớn lên, sống mà không bị xuống tinh thần một lúc nào đó thì không phải dễ. Xuống tinh thần là bệnh của một người bình thường.

Nhưng những gì tác hại đến đa số chúng ta không phải là một bệnh lý thật, bệnh cần bác sĩ chữa trị, nhưng là một loại không vui kinh niên. Chúng ta không còn ham thích gì trong cuộc sống.

Khi chúng ta không ở trong tình trạng tốt nhất, những lần như thế, tinh thần chúng ta gần như lúc nào cũng bức rức, hụt hẫng, ghen tương, giận dữ, nhỏ nhen, chua cay và một cảm nhận cuộc đời không công bình. Có nhiều ngày chúng ta còn không muốn sống.

Tuy nhiên, dù trong những ngày tốt nhất, chúng ta vẫn thường hay thấy cuộc sống như có cảm giác nặng nề, bị áp lực, buồn bã, làm vì nghĩa vụ, không còn ham thích. Có bao nhiêu lần trong ngày, chúng ta bỗng cảm thấy lòng tràn niềm vui trong cơ thể, trong cuộc sống chung quanh, trong tình bằng hữu, trong đức tin, trong niềm vui sống và bộc phát kêu lên: “Lạy Chúa, sống thật là vui!” Giây phút đó, chúng ta không bị suy thoái tinh thần.

Và chúng ta tiếp tục sống nhiều năm như vậy, làm việc cực khổ, chân thành, đi nhà thờ, làm tròn bổn phận mà không bao giờ bừng lên niềm vui. Chỉ cần nhìn trẻ con là hiểu niềm vui này, nhất là các em bé còn nhỏ, chỉ cần nhìn đứa bé vui thích sau khi ăn no hay khi chúng chơi ở vườn trẻ là nghe được niềm ham thích tự nhiên và nghe lời ai đó nói khi thấy cảnh này: “Đúng là thích sống!”

Làm sao chúng ta tìm lại được lòng ham thích này?

Là người lớn, thường thường chúng ta khổ công để tạo niềm vui, tạo thích thú, tạo ham thích trong cuộc sống. Chúng ta cố gắng kích lên để vui, để ham thích, đi vào  buổi họp với thái độ: “Dù phải trả giá gì đi nữa, tôi phải vui ở đây!” Nhưng những gì chúng ta làm thì rất hiếm khi vui. Vì vậy, sau buổi họp mặt, chúng ta thường về nhà với cảm giác trống rỗng hơn trước khi đi. Rất nhiều toan tính để yêu đời, để tạo niềm vui chỉ là những toan tính để giữ tình trạng suy thoái ở đường cùng. Đối với đa số người lớn, quá độ là một phẩm vật thay thế cho ham thích.

Nhưng ở đây có một bí mật: dù cố gắng đến mấy đi nữa để có được niềm vui và ham thích, chúng ta cũng sẽ không thể nào tìm thấy được. Chúng phải tìm thấy chúng ta, chộp lấy chúng ta bằng ngạc nhiên, bằng cái gì đó tiềm ẩn. Bất cứ nền tâm lý hay thiêng liêng đúng danh hiệu nào cũng đều nói cho chúng ta biết niềm vui và ham thích luôn luôn là sản phẩm phụ của một cái gì đó. Đó là cái gì?

Nó là sản phẩm phụ của hành động giống hành động của Chúa, nghe có vẻ kỳ lạ. Nói một cách khác, khi chúng ta hành động giống như Chúa, chúng ta có được cảm giác giống như Chúa; và khi chúng ta hành động nhỏ nhen, chúng ta cảm thấy mình nhỏ nhen! Khi chúng ta làm với quả tim rộng mở; chúng ta cảm thấy mình rộng tâm; khi chúng ta hành động với tấm lòng chật hẹp, chúng ta cảm thấy mình chật hẹp.

Mỗi lần, trong phương tiện nhỏ nhoi của mình, chúng ta bắt chước tính vị tha và nhân từ của Chúa thì chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy như Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể làm được?

Chúng ta làm giống như Chúa khi chúng ta quên mình mà không cảm thấy chua xót, khi cho mà không đếm, khi cho cái mình cần để sinh sống chứ không cho của cải dư thừa và khi cho cuộc sống chúng ta cho người khác, đặc biệt là cho người trẻ để họ sống.

Có một hình ảnh tuyệt vời trong vở nhạc kịch nổi tiếng Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, khi nhân vật Jean Val Jean lúc đã lớn tuổi, ông đến chúc lành cho Marius ở phòng tuyến. Chàng thanh niên này thật ra là một đe dọa cho ông vì anh sẽ lấy con gái nuôi của ông và đem cô đi. Nhưng ông, một gương mẫu của người gia trưởng, ông đến chúc lành cho Marius. Khi đến phòng tuyến, ông thấy Marius đang ngủ, ông thấy anh là con người lý tưởng và ngây thơ, có thể đưa anh đến chỗ chết. Vì thế, ông vừa chúc phúc cho Marius vừa cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa ở trên cao, xin Chúa nghe lời con… Xin Chúa nhìn chàng thanh niên này, anh còn trẻ, anh sợ… Xin Chúa lấy mạng sống của con, xin Chúa để anh sống! Để con chết, để anh sống!”

Đó là hành động giống như hành động của Chúa. Hy sinh mạng sống mình cho người khác, đặc biệt với một giá quá đắt, đặc biệt hơn nữa khi người khác không biết việc mình làm và cũng không biết để trả ơn.

Và dĩ nhiên không dễ để làm. Thật đau đớn, như thi sĩ T.S. Eliot có lần nói, không có cái gì mà không phải trả giá đắt. Nhưng tôi chắc chắn, sau khi Jean Val Jean chúc lành cho Marius, ông không xuống tinh thần. Bạn có thể tin chắc, sau khi làm như vậy, Jean Val Jean sẽ có cảm giác đã làm một điều đẹp, quý giá, tuyệt vời trong cuộc sống và ông sẽ bộc lên nói: “Đúng là thích sống!”

Không khí chúng ta thở ra trong vũ trụ là không khí chúng ta hít vào. Đó là luật luân hồi. Khi hành động giống Chúa, chúng ta sẽ có cảm nhận giống Chúa. Và Chúa thì không bao giờ xuống tinh thần.

J.B. Thái Hòa dịch

 

.