Tiến trình thượng hội đồng 2021-2023, Đức Phanxicô đưa ra dự án công giáo toàn cầu quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II

 

 

 

 

By
phanxicovn
 -
29/05/2021

Tiến trình thượng hội đồng 2021-2023, Đức Phanxicô đưa ra dự án công giáo toàn cầu quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II

international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2021-05-25

Vào năm thứ chín triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô phát động một “tiến trình thượng hội đồng” đầy tham vọng kéo dài 3 năm trên toàn thế giới, và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023 tại Rôma với buổi họp thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục.

Vào thời điểm đó, ngài sẽ gần 87 tuổi, tuổi của gần như tất cả tiền nhiệm của ngài đã qua đời, trừ Đức Lêô XIII, hoặc đã từ chức như Đức Bênêđictô XVI và Đức Celestine V.

Và nếu Chúa muốn, năm 2023 ngài không dự được thì “tiến trình thượng hội đồng” cũng đã bắt đầu rồi. Đó là chính sách đảm bảo để chống lại khả năng triều giáo hoàng của ngài sẽ nhanh chóng được xem như thời gian nghỉ ngơi ngắn trước khi có một giáo hoàng khác đích thực trở lại.

Ngay cả khi từ đây đến năm 2023 có mật nghị, thì khóa họp thượng hội đồng năm 2023, quy trình của thượng hội đồng sẽ là một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự tiếp theo của mật nghị, một cách hoàn toàn không khác với cuộc bầu giáo hoàng tháng 6 năm 1963.

Đức Gioan XXIII bắt đầu phiên họp đầu tiên của Công đồng Vatican II vào mùa thu năm 1962. Đức Phaolô VI, kế vị ngài tiếp tục Công đồng và đưa con tàu vào cảng tháng 12 năm 1965.

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phanxicô và tổng thư ký Thượng Hội Đồng, hồng y Mario Grech, 64 tuổi thuộc giáo phận Malta, người được Đức Phanxicô đánh giá cao, đã công bố tiến trình thượng hội đồng ngay trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đấng thể hiện qua nhiều ngôn ngữ và bày tỏ sự hiệp nhất trong đa dạng.

Một dự án đầy tham vọng với nhiều rủi ro khác nhau

Nhưng tiến trình thượng hội đồng toàn cầu này không chỉ đầy tham vọng, mà còn rủi ro vì các giai đoạn khác nhau của nó – địa phương, quốc gia / lục địa và trung tâm – sẽ làm nổi bật những khác biệt căn bản trong các điều kiện giáo hội và hiện sinh của các Giáo hội địa phương.

Chẳng hạn, sẽ như thế nào ở cấp giáo phận của thượng hội đồng ở những nơi như Hồng Kông, Trung Quốc hay Belarus.

Tính đồng nghị đòi hỏi một quyền tự do tôn giáo tối thiểu (tự do hội họp hoặc công bố tài liệu), điều này thực sự là tối thiểu hoặc hoàn toàn không có với một số người công giáo ở nhiều quốc gia.

Hơn nữa, hiện nay đại dịch coronavirus đã trở nên vấn đề chính cho các nước nghèo và có thu nhập trung bình. Nó cũng sẽ có tác động đến cách một số giáo hội địa phương để thực hiện chương trình thượng hội đồng ở cấp giáo phận và quốc gia.

Tiến trình thượng hội đồng toàn thế giới này phải tích hợp với các con đường thượng hội đồng quốc gia đang diễn ra (Đức và Úc) hoặc trong giai đoạn lập kế hoạch (Ai-len và Ý).

Hiện nay trong Giáo hội công giáo có nhiều ý tưởng rất khác nhau về tính đồng nghị, ngay cả giữa những người ủng hộ.

Mục đích là để tạo ra một Giáo hội có tính mục vụ hơn và ít giáo sĩ hơn hay là để thúc đẩy sự phát triển giáo điều trên một số vấn đề quan trọng (chẳng hạn như vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, giảng dạy về tình dục, v.v.)?

Các giám mục sẽ làm gì?

Trong một cuộc phỏng vấn quan trọng với các phương tiện truyền thông chính thức của Vatican, hồng y Grech nhấn mạnh, các giám mục và các hội đồng giám mục quốc gia sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Từ đây đến tháng 10 năm 2021, các giám mục sẽ phải chỉ định người hoặc nhóm giám sát tiến trình (đặc biệt là hỏi ý kiến Dân Chúa) ở cấp giáo phận và cấp quốc gia.

Chúng ta đã biết, ai là các giám mục và các Hội đồng Giám mục quốc gia hoạt động như thế nào. Nhưng chúng ta không biết họ sẽ chọn những ai là cộng tác viên và cố vấn chuyên nghiệp, hoặc họ định chọn như thế nào.

Những bổ nhiệm này sẽ cho thấy các dấu chỉ quan trọng về loại quy trình thượng hội đồng mà các giám mục có trong đầu.

Hồng y Grech nhấn mạnh, nỗ lực mới này nhằm thực hiện tính đồng nghị thực sự cho thấy đã có thay đổi so với thời của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, dù hồng y không đề cập đến tên hai giáo hoàng.

Hồng y tuyên bố: “Có lẽ trong quá khứ đã có quá nhiều sự khăng khăng với hiệp thông thứ bậc, communio hierarchica, đến nổi có ý tưởng, sự thống nhất trong Giáo hội chỉ có thể đạt được bằng cách tăng thêm quyền cho các mục tử.”

Ngài nói thêm: “Về một số mặt, con đường này là cần thiết, khi, sau Hội đồng, nhiều hình thức bất đồng chính kiến đã xuất hiện.”

Sự bất đồng chính kiến không thể hiện ra trong các tổ chức và phong trào ngày nay, mà chủ yếu ở những cá nhân đã rời Giáo hội  – một cách lặng lẽ, mặc dù thường là cay đắng.

Là một phần của đối thoại trong giáo hội

Tiến trình thượng hội đồng này là lời mời gọi. Sự phân định của các giám mục sẽ là tâm điểm, nhưng tiến trình này cũng sẽ là một tiến trình suy lý – một quá trình ngôn ngữ để diễn giải những gì sử gia Dòng Tên John O’Malley đã viết về Công đồng Vatican II như một “sự kiện ngôn ngữ”.

Giáo hội không phải là nghị viện, và Đức Phanxicô thường cảnh báo không nên giải thích tính đồng nghị là chủ nghĩa nghị viện.

Nhưng trong cuộc đối thoại mang tính giáo hội này, sự thuyết phục sẽ đóng một vai trò. Và điều này sẽ tạo ra một vấn đề lớn ở một số Giáo hội, chẳng hạn như Giáo hội Hoa Kỳ, nơi “tiền có tiếng nói” như một ngạn ngữ nói.

Các giám mục sẽ phải bảo vệ tiến trình thượng hội đồng khỏi vai trò không bao giờ trung lập của các phương tiện truyền thông tân-công giáo “độc lập” và chiến đấu, các siêu-mạng,  – theo một cách ngụy trang, nhưng không kém phần nguy hiểm – các nhà tài trợ và các nhóm gây áp lực hiện đang kiểm soát phần lớn đối thoại trong không gian giáo hội.

Đạo công giáo chỉ đơn giản là không có kinh nghiệm điều hành các sự kiện thượng hội đồng ở cấp quốc gia và toàn cầu trong môi trường thông tin phần lớn được định hình bởi phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số. Các phương tiện truyền thông này nằm ngoài kiểm soát của các kênh thể chế do cấp bậc Giáo hội điều hành.

Tiến trình đồng nghị này cũng là sự tái tạo cuộc đối thoại của Giáo hội với toàn thể Dân Chúa. Cho đến nay, các chương trình nghị sự cụ thể và các phong trào mang phong cách riêng đã độc chiếm đối thoại.

Tiến trình mới này, theo một nghĩa nào đó, là một hành động tái cân bằng chính sách sẽ phải có trong những lựa chọn ưu tiên trong Giáo hội.

Phụ nữ và người trẻ

Nếu không có “tiếng nói của phụ nữ”  chính thức (trích lời của tu sĩ Dòng Tên người Pháp Michel de Certeau) thì nỗ lực hướng tới tính đồng nghị này sẽ là vô nghĩa.

Tiến trình thượng hội đồng này sẽ sống hay sẽ chết là qua sự thừa nhận mà thượng hội đồng dành cho tiếng nói của phụ nữ, những người từ lâu bị đối xử như khách trong chính ngôi nhà của mình. Điều này đặc biệt đúng với Giáo hội công giáo ở Tây bán cầu, nhưng không phải chỉ có ở đó.

Tiến trình đồng nghị này cũng sẽ phải tạo một không gian thích hợp, vừa trong phụng vụ và trong đối thoại với người trẻ – và không chỉ với kiểu “nhà thờ” được chọn lọc kỹ.

Như Đức Phanxicô đã lưu ý trong thư ngài gởi cho các bạn trẻ cách đây bốn năm: “Trước bất kỳ quyết định quan trọng nào, Thánh Biển Đức đã xin các tu viện trưởng tham khảo ý kiến, ngay cả với những người trẻ, vì Chúa thường mạc khải điều tốt lành cho những người trẻ tuổi nhất.” (Điều lệ Thánh Biển Đức , III, 3)

Vatican và các giám mục trên thế giới sẽ phải đáp ứng nhiều mong chờ đủ loại. Một số người mong chờ quy trình thượng hội đồng này như một cuộc tụ họp tốt đẹp để có một buổi thảo luận nhỏ trong Giáo hội, một số người khác xem đây là dịp để nêu ra những vấn đề mang tính thời đại – một cái gì đó giống như Vatican III.

Quá trình thượng hội đồng này có thể sẽ không là cái này, hoặc cái kia.

Một lời mời chưa từng có, một sự kiện quan trọng của giáo hội

Tuy nhiên, đồng thời, các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng không được làm thất vọng ngay lập tức các mong chờ. Tiến trình thượng hội đồng này sẽ phải thắng hoài nghi và cay đắng vốn đã làm xấu một số đối thoại trong Giáo hội của chúng ta ngày nay.

Khái niệm về tính đồng nghị như “mọi người cùng đi” về cơ bản đối lập với cơn thịnh nộ của “giáo hội”, khi Giáo hội công giáo dường như bị đổ lỗi cho mọi thứ và cho bất cứ điều gì.

Nhưng tiến trình thượng hội đồng này có thể đi trệch bên lề, và trong một số Giáo hội địa phương, trở thành phương tiện để một phe sử dụng quyền lực phản động.

Lịch sử Giáo hội gần đây đầy rẫy những “sự kiện giáo hội” thất bại đã củng cố cho các cơ chế loại trừ.

Người ta sẽ hoài công tìm kiếm từ “tính đồng nghị” (chưa nói đến khái niệm) trong những giáo huấn của các giáo hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô.

Những gì sắp bắt đầu có nguồn gốc từ Công đồng Vatican II và có thể trở thành sự kiện giáo hội quan trọng nhất trong đạo công giáo toàn cầu kể từ Công đồng Vatican II.

Rủi ro lớn nhất của tiến trình thượng hội đồng này là nó có thể củng cố sự bất bình của nhiều người công giáo, chống lại một Giáo hội thể chế liên tục mời gọi mọi người, nhưng không bao giờ thực sự cho phép họ tham dự.

Tuy nhiên, đây là một lời mời chưa từng có đến từ giáo hoàng, và nó nên được đón nhận với hy vọng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

.