Tâm sự của Đức Phanxicô

 

 

 

 

 

 

 

fr.style.yahoo.com, Caroline Pigozzi, 2022-08-07

Nhà báo Caroline Pigozzi tháp tùng Đức Phanxicô trong chuyến tông du Canada từ ngày 24 đến 29 tháng 7-2022

Trong chuyến tông du kéo dài sáu ngày đến Canada, Đức Phanxicô gặp người dân bản địa và gởi gắm một số tâm sự.

Nhờ Đức Phanxicô nên cuối cùng tôi đã thực hiện được giấc mơ thời thơ ấu: đến gần các chúa tể Bắc Cực, những người Inuit của thần thoại, một dân tộc huyền thoại với khoảng 30.000 sinh linh, định cư trên chỏm băng vùng Bắc Cực sau nhiều thế kỷ du mục, và những câu chuyện bí ẩn truyền miệng của họ. Một chuyến đi sáu ngày đến Canada và mười hai điểm dừng đưa chúng tôi đến một đất nước rộng lớn hơn toàn châu Âu. Đầu tiên ở Edmonton, thủ phủ tỉnh bang Alberta, sau đó ở Québec và vùng phụ cận và kết thúc ở Iqaluit, trung tâm lãnh thổ Nunavut của người Inuit, không xa Greenland. Theo cách nói của giáo hoàng, đây là chuyến “hành hương sám hối” để xin các cộng đồng bản địa tha thứ vì tội ác diệt chủng về văn hóa mà họ gánh chịu khi 150.000 trẻ em bản địa thuộc các Quốc gia Thứ nhất, Métis và Inuit bị tách khỏi gia đình để vào học trong các trường nội trú do Giáo hội công giáo điều hành. Từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1960, họ bị “thực dân hóa ý thức hệ” với sự hỗ trợ chính trị và tài chính của chính phủ liên bang.

Một chủ đề không tránh khỏi được bàn thì thầm ở Vatican: các nhà lãnh đạo Canada muốn đưa các đồ vật bản địa ở bảo tàng dân tộc học Anima Mundi Vatican về lại Canada, những đồ vật này trưng bày nhưng không được phép. Trong số những đồ vật quan trọng và quý hiếm có chiếc vòng đeo cổ bằng răng beluga, một chiếc tẩu bình an thiêng liêng Haudenosaunee, một chiếc thắt lưng wampum, một chiếc thuyền kayak của người Inuit… Đủ để kích thích phản xạ chống thực dân. Đồng nghiệp của chúng tôi, ông Jean-Luc Mootoosamy, chuyên gia về Châu Phi giải thích: “Dù Giáo hoàng bày tỏ sự ăn năn sâu đậm với tấm lòng khiêm tốn lớn lao, thì trong tương lai hậu quả lây lan dường như khó tránh khỏi, nhất là ở các vùng thuộc địa cũ Châu Phi, nơi Giáo hội công giáo và các Giáo hội kitô giáo khác đã tự cho phép làm mọi thứ, từ cướp bóc hôi của đến miệt thị các nền văn hóa. Như thế cánh cửa mở cho các yêu cầu bồi thường, để trả lại của cải đã lấy, đất đai hoặc các vật dụng chiếm không hợp pháp trên lý thuyết nhân danh Chúa.”

Tại nghĩa trang gần Edmonton, Đức Phanxicô ngồi thinh lặng cầu nguyện dưới cơn mưa

Từ đâu có ý tưởng cho chuyến tông du thứ 37 này của Đức Phanxicô? Tháng 5 năm 2017, thủ tướng công giáo Canada Justin Trudeau – quốc gia có 39% người Công giáo – có chuyến đi chính thức tới Vatican, để thảo luận về những tác hại người bản địa Canada đã phải gánh chịu. Bao gồm việc giáo hoàng thay mặt cho Giáo hội công giáo xin lỗi. Hơn nữa, là người Argentina, Đức Jorge Mario Bergoglio không thể vô cảm trước các nguyên nhân này. Làm sao ngài có thể quên được thảm kịch đã xảy ra với các dân tộc ở cực nam quê hương ngài như người Mapuche của Patagonia, bị trục xuất từ năm 1879 đến năm 1881, và bị tàn sát trong cuộc chinh phục tàn nhẫn của sa mạc.

Người đó là hồng y Michael Czerny, sinh ở Tiệp Khắc, di cư đến Canada, tu sĩ Dòng Tên – các tu sĩ Dòng Tên không bao giờ ở xa Đức Phanxicô… – hồng y ảnh hưởng rất nhiều đến Đức Phanxicô trong lãnh vực này. Ngài rất gần gũi với giáo hoàng, ngài được phong tổng giám mục ngày 4 tháng 10 năm 2019 và ngày hôm sau được phong hồng y, một khác thường. Ngày 1 tháng 1 năm 2022, hồng y Czerny được bổ nhiệm làm bộ trưởng lâm thời bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện; ba tháng sau, ngài là bộ trưởng chính thức, đủ để thấy sự tin tưởng của giáo hoàng! Một mối quan hệ bền chặt giữa hai người. Khi đến Rôma, mới đầu hồng y là thư ký dưới quyền phân bộ di cư và tị nạn ở Vatican, ngài lo các vấn đề xã hội. Vì thế ngài tiếp xúc trực tiếp với “chủ” mà những vấn đề này rất quan trọng với “ông chủ”.

Được Rôma xem là người có tham vọng và có khả năng, vị giám chức cao cấp này đã chọn, trong số những thứ khác, huy chương đồng tặng cho các nhà cầm quyền địa phương: khắc hình lá phong,  biểu tượng Canada từ thế kỷ 19, và hình Thánh Anà, mà đền thờ quốc gia hùng vĩ mang tên Thánh Anà, người Québec dành riêng để tôn kính ngài. Tại đây Đức Phanxicô giảng trong thánh lễ do hồng y Lacroix Canada cử hành. Một giáo hoàng có khuôn mặt nghiêm trang, đau buồn, ngồi ở chiếc ghế bành trắng đặt xa sau bàn thờ.

Trong buổi lễ trang nghiêm này, người ngồi bên cạnh tôi là vợ của một cựu tù trưởng sioux Dakpta. Bà hãnh diện nắm chặt chiếc lông vũ đại bàng trên tay, bà thì thầm với tôi: “Khi tôi bước vào, tôi thấy hai con đại bàng tuyệt đẹp đang bay trên vương cung thánh đường. Một biểu tượng mạnh mẽ của may mắn. Chuyến thăm này là tiếng kêu từ thiên đàng.” Bà tiếp tục: “Năm 1984, tôi đến đây để đón Đức Gioan-Phaolô II, năm đó Celine Dion mới 16 tuổi hát chào đón ngài. Đã có một con chim săn mồi hùng vĩ bay trên cao. Những dấu hiệu này vượt khỏi bạn, đó là chuyện tự nhiên. Trong Thế chiến thứ hai, tình báo Mỹ đã dùng ngôn ngữ sioux để làm mật mã liên lạc, người Nhật không bao giờ hiểu được.”

Tại Maskwacis, trên vùng đất dành riêng cho các nghi lễ thiêng liêng, Đức Phanxicô gặp người bản địa của các Quốc gia Thứ nhất, người Métis và người Inuit và ngài đọc bài diễn văn đầu tiên tại đây. Ngày 25 tháng 7. © Zuma Press / Bestimage

Sáng hôm đó, trong số những người thân cận với giáo hoàng có hồng y Gérald Cyprien Lacroix Canada mà tình cờ hôm đó là sinh nhật 65 tuổi của ngài, ngày 27 tháng 7, hồng y là người đại diện Rôma cho Giáo hội công giáo Canada.

Một hình ảnh xúc động khác là hình ảnh Đức Phanxicô ngồi xe lăn  cầu nguyện ở Hồ Thánh Anà, nơi cách Edmonton khoảng 100 cây số. Đây là nơi hành hương thiêng liêng của người bản địa công giáo, Đức Phanxicô đã làm phép cho vùng nước và sau đó ngài đọc bài giảng trước hàng ngàn tín hữu. Tham dự có thủ tướng Justin Trudeau và bà Mary Simon, Toàn quyền, đại diện cho nữ hoàng Anh.

Trong suốt chuyến đi, Đức Phanxicô nói lên sự thất bại và hy vọng, sự mơ hồ về trọng lực, sức nặng của mặc cảm tội lỗi và tội lỗi, cầu thang thánh, hành trình thiêng liêng… Dĩ nhiên những ngày này là những ngày canh chừng cao độ, của cảnh sát, cơ quan y tế, của ngành ngoại giao cũng như của báo chí. “Đoàn lữ hành” của chúng tôi trên chuyến bay ITA AZ 4000 có nhiều nhà báo và nhiếp ảnh gia hơn bao giờ hết. Đến phút chót, đầu tháng 7, Đức Phanxicô đã hủy chuyến đi dự kiến tới Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo do ngài bị đau đầu gối phải và đau khớp nặng. Chúng tôi biết một ngã rẽ đã xảy ra, chúng tôi sẽ không còn đi như trước nữa, khi các sự kiện đều đặn nối tiếp nhau. Bây giờ chỉ còn hai sự kiện mỗi ngày. Nhưng tính quyết đoán và cương quyết của ngài, muốn thuyết phục và lôi cuốn dân Chúa mà chúng tôi là một trong những người tiếp tay đầu tiên. Như chúng ta vẫn còn thấy qua cuộc họp báo thường lệ của ngài trên chuyến bay từ Iqaluit về Rôma, đặc biệt với bốn bài phát biểu và bốn bài giảng của ngài.

Chúng tôi biết một ngã rẽ đã xảy ra, chúng tôi sẽ không còn đi như trước nữa

Tất cả chúng tôi đều nhìn ngài với tâm hồn nặng trĩu, bao nỗi đau thấy rõ trên khuôn mặt của người 85 tuổi, nửa tươi cười, nửa căng thẳng. Tháp tùng ngài là đoàn tùy tùng thông thường gồm các giám chức cao cấp, hiến binh, cận vệ Thụy Sĩ, các nhân viên hậu cần, cũng như kín đáo hơn với bác sĩ hồi sức Paolo Maurizio Soave của bệnh viện đa khoa Gemelli, người mang hai túi xách đen nặng, và của y tá Massimiliano Strappetti. Vì thế phải đi “theo một cách khác”. Trong khiêm tốn, không có dự án dài hạn… Đó không phải là một bí ẩn. Kể từ đầu tháng 5, gần như liên tục ngài phải ngồi xe lăn. Một cuộc sống hàng ngày khó nhọc. Khi ngài luôn được ông Sandro Mariotti giúp đỡ, ông đã thành người quản gia nổi tiếng nhất thế giới, đôi khi ông cũng không giấu được đau buồn của mình.

Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, ông Sandro Mariotti người đẩy xe lăn trên đường phố Québec 

Trong chuyến bay về Rôma, Đức Phanxicô đã thú nhận với chúng tôi: “Ở tuổi tôi, tôi phải nghĩ đến khả năng bỏ mình qua một bên… Thật ra đó không phải là thảm họa: chúng ta có thể thay đổi giáo hoàng, thay đổi không phải là vấn đề. Tôi phải tiết kiệm sức một chút. Để có thể phục vụ Giáo hội, tôi phải hạn chế mọi cố gắng, vì trong trường hợp của tôi, tôi không muốn mổ đầu gối vì tôi vẫn còn hệ quả của thuốc mê hơn sáu giờ, sau lần mổ ruột kết năm ngoái. Tôi không dám thử thêm một lần. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục đi, nhưng tôi không biết sẽ nói như thế nào với các bạn. Chúng ta sẽ xem!” Các chuyến đi được kiểm soát như của tổng thống Hoa Kỳ; hai người duy nhất mà một số ít các nhà báo được công nhận “tháp tùng” trên cùng chuyến bay với “ông chủ”. Đức Phanxicô phải dùng sàn nâng để lên xuống máy bay, ngài nói ngài muốn đi Kazakhstan, “một chuyến đi yên tĩnh đã lên lịch vào tháng 9” và đi Ukraine. Sau đó, ngài sẽ đi Congo. “Tôi rất muốn đi nhưng phải xem cái chân của tôi quyết định như thế nào”.

Mỗi thời, mỗi phong cách giáo hoàng khác. Thời đó, giáo hoàng Gioan-Phaolô II trả lời cách hài hước câu hỏi về sức khỏe của ngài: “Tôi nghe tin… trên báo.” Đức Phanxicô không giấu gì về những đau đớn thể xác hàng ngày của ngài. Ngài được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và bằng cây gậy được Chúa Kitô trên thập giá nâng đỡ.

Đức Phanxicô: “Khi Chúa bảo bạn bước sang một bên, bạn bước sang một bên”

Trên máy bay, bà Caroline Pigozzi tặng Đức Phanxicô bức tranh vẽ trên gỗ Thánh Têrêxa Lisiơ mà ngài yêu kính và gọi là Teresita. © Divisione Produzione Fotografica

Trọng kính Đức Thánh Cha, khi cha gặp các tu sĩ Dòng Tên ở Athens tháng 12 năm 2021, cha nói cần phải biết một ngày nào đó mình sẽ rút lui…

Đức Phanxicô: Các tu sĩ Dòng Tên tìm cách hoàn thành ý Chúa tốt nhất có thể. Vì thế giáo hoàng Dòng Tên cũng phải làm như vậy. Và khi Chúa nói: “Hãy tiếp tục” thì bạn tiếp tục. Nhưng ngày Chúa nói bạn bước sang một bên, thì bạn bước sang một bên, vì đó là ý Chúa.

Điều đó có nghĩa là chờ cái chết?

Tất cả mọi người đều đang chờ chết. Chính Chúa là người cho bạn biết liệu bạn có nên buông bỏ hay không. Chính Ngài là người ra lệnh. Khi có người mệt mỏi, đau bệnh không cầu nguyện được, Thánh I-Nhã miễn cho người đó. Nhưng ngài không bao giờ miễn cho họ xét mình, hai lần một ngày. Đó không phải là vấn đề tội lỗi. Ơn gọi của chúng ta dẫn chúng ta phải phân định mỗi ngày những gì chúng ta phải làm. Sự việc là như vậy, và tôi nghĩ Chúa giao cho tôi một nhiệm vụ, tôi phải có khả năng hiểu những gì Ngài đang yêu cầu ở tôi. Tôi tin đây là lối sống đạo của tu sĩ Dòng Tên: tuân theo phân định thiêng liêng để có thể đưa ra quyết định, lựa chọn công việc hoặc tìm một thỏa hiệp. Phân định là chìa khóa cho ơn gọi Dòng Tên. Thánh I-Nhã tin chắc điều này: kinh nghiệm phân định thiêng liêng của ngài đã làm cho ngài trở lại. Các bài tập linh thao là trường học phân định, có nghĩa là đón nhận tất cả những gì Chúa yêu cầu. Đó là cách chúng ta nói lên con đường tâm linh của chúng ta.

Cha cảm thấy cha là giáo hoàng nhiều hơn hay tu sĩ Dòng Tên nhiều hơn?

Tôi chưa bao giờ cân nhắc chuyện này; tôi xem mình là người phục vụ Chúa với những suy nghĩ của tu sĩ Dòng Tên. Mỗi giáo hoàng đều có linh đạo riêng của mình. Đức Gioan-Phaolô II với linh đạo Đức Mẹ của ngài. Ngài đã có từ trước và khi là giáo hoàng, ngài tiếp tục giữ. Chức giáo hoàng không phải là linh đạo. Đó là sứ mệnh, là chức năng. Tôi thực hiện sứ mệnh này theo linh đạo của tôi, ơn riêng của tôi, sự trung tín của tôi và cả tội lỗi của tôi. Bà đã hiểu? Cám ơn Carolina.

Marta An Nguyễn dịch

ch

 

.