Trò chuyện với Linh mục Ron Rolheiser


 

Trò chuyện với Linh mục Ron Rolheiser

kolbetimes.com, Laura Locke, 2019-12-07

Nổi tiếng với tính hài hước, thẳng thắn và minh triết của mình, Linh mục Rolheiser là diễn giả được nhiều nơi mời nói chuyện trong lãnh vực linh đạo đương đại. Ngài lớn lên trong một gia đình yêu thương, đông con ở một nông trại ở Saskatchewan, thụ phong linh mục năm 1972. Hiện nay Linh mục Rolheiser là Viện trưởng Trường Thần học Hiến sĩ ở San Antonio, Texas. Ngài là tác giả của 15 quyển sách thiêng liêng, trong đó có quyển sách bán chạy Khát khao nên thánh (The Holy Longing). Các sách gần đây của ngài là Chiến đấu với Chúa (Wrestling with God), Tu viện tại gia (Domestic Monastery), Bầm dập và Tổn thương: Đấu tranh để hiểu Tự tử (Bruised & Wounded: Struggling to Understanding Suicide). Linh mục có bài suy niệm hàng tuần trên trang mạng của ngài và được nhiều báo công giáo trên toàn cầu đăng lại.

Gần đây ngài triển khai, viết và diễn thuyết các cạm bẫy mà chúng ta phải đối diện khi lão hóa. Chúng tôi rất hân hạnh được nói chuyện với thần học gia được kính trọng và là người kể chuyện duyên dáng để bàn thảo với ngài về nửa phần đời sau cuộc đời.

Đây là một vài điểm nổi bật trong cuộc nói chuyện với Linh mục Ron Rolheiser, xin cám ơn Gillicuddy đã chia sẻ phần âm nhạc.

 

Phỏng vấn của bà Laura Locke

Kolbe Times: Chúng tôi xin cám ơn cha rất nhiều đã nói chuyện với chúng tôi hôm nay. Gần đây cha viết và diễn thuyết về các khó khăn chúng ta phải đối diện với nửa phần đời sau của cuộc đời. Tôi vừa đọc xong quyển sách mới nhất của cha Chiến đấu với Chúa, và năm 2014 tôi đã đọc quyển sách Lửa thiêng. Tôi có thể nói tôi rất thích, cả hai quyển sách đều có giá trị và rất quý. Tháng 8 vừa qua, tôi cũng có dịp nghe cha nói chuyện ở Cochrane, Alberta, khi cha đến đây. Có nhiều điều trong bài nói chuyện của cha rất hữu ích, nhất là khi cha nói về bảy “chuyển động” trong nửa phần đời sau cuộc đời, các chuyển động của trái tim và tâm trí trước cách sống mới. Xin cha nói một vài lời về bảy “chuyển động” này để chúng tôi được hiểu.

Trước hết cha có muốn nói một vài lời để giới thiệu?

Ron Rolheiser: Đúng rồi. Trong nửa phần đời sau cuộc đời, chúng ta chiến đấu khác với nửa phần đầu cuộc đời. Và chúng ta thấy điều này trong Thánh Kinh qua dụ ngôn người con hoang đàng và người anh cả. Cả hai anh em đều có đấu tranh riêng của họ. Người em thì đấu tranh với tất cả mọi chuyện trên cuộc đời – tham vọng, đi đây đi đó, nhục dục… bất hoặc chuyện gì – trong khi người anh thì đấu tranh với tức giận, làm sao để có bình an với chính mình. Nửa phần sau cuộc đời anh có nhiều thứ làm với tức giận, căng thẳng chưa giải quyết, thất vọng, cay đắng..v.v. Đây là một cuộc đấu tranh rất lớn.

Có người nói, chúng ta dành thì giờ nửa phần đầu cuộc đời của mình để đấu tranh với điều răn thứ sáu, “Chớ làm sự dâm dục” và nửa phần đời sau cuộc đời để đấu tranh với điều răn thứ năm “Chớ giết người.” Đó là lời nói đùa xưa cổ, nhưng cũng có phần đúng.

Kolbe Times: “Chuyển động” đầu tiên mà cha nhắc đến là từ cay đắng đến biết ơn.

Ron Rolheiser: Khi chúng ta ở nửa phần đời sau cuộc đời thì chúng ta biết các tổn thương của mình. Chúng ta biết lỗi lầm của mình. Chúng ta biết mình đang ở đâu trong cuộc sống, chúng ta thất vọng và thường chúng ta cảm nhận có một cay đắng thật sự. Không có hạnh phúc trong cay đắng. Hạnh phúc là ở lòng biết ơn. Tôi thích dùng câu của tác giả Morris West, ông viết đến tuổi 70, bạn chỉ còn ba chữ trong từ vựng của bạn: “Cám ơn, Cám ơn, Cám ơn.” Nếu từ vựng của bạn chưa có các chữ này, thì bạn còn rất nhiều việc nội tâm phải làm. Tôi tin vậy. Chúng ta tất cả đều có các thất vọng, các tổn thương trong cuộc sống mà chúng ta cảm thấy phẫn nộ, nhưng chúng ta không muốn thái độ này chi phối chúng ta.

Kolbe Times: “Chuyển động” thứ thì là từ cay đắng đến tha thứ.

Ron Rolheiser: Đúng – nó gắn liền với chuyển động thứ nhất với một chút uyển chuyển: cách chúng ta từ bỏ oán giận để đến với lòng biết ơn qua con đường tha thứ. Tôi thích dùng ví dụ trong sách Tro cốt của Angela (Angela’s Ashes) của tác giả Frankie McCourt, ông kể những năm đầu đời cực kỳ nghèo đói của ông ở Ai Len. Đây là quyển sách rất hay kể các khó khăn mà ông và gia đình đã trải qua trong đó có nhiều tức giận và tội nghiệp mình. Có điều, đến một lúc nào đó, mình phải buông tay và tha thứ tất cả. Chúng ta không những phải tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình; chúng ta còn phải tha thứ cho chính mình, vì đa số chúng ta làm khổ mình khi có những quyết định sai. Chúng ta cũng phải tha thứ cho chính cuộc sống, vì cuối cùng thì chúng ta cũng phải tha thứ cho Chúa. Chúng ta tất cả đều có các vết bầm tím, và cuộc đời thường bất công. Trong bài phê bình quyển sách của ông McCourt, tác giả Andrew Greeley đã viết, mệnh lệnh đạo đức tối thượng đối với tất cả chúng ta là không được chết trong giận dữ và cay đắng. Ông đã ca ngợi tác giả McCourt về quyển sách, nhưng ông cũng thách thức tác giả về việc tha thứ. Nói cách khác, hai “chuyển động” đầu tiên kết hợp với nhau theo cách này: khi già, chúng ta có thể đơn giản hóa vốn từ vựng của mình qua vài chữ: “Hãy biết ơn và tha thứ”.

Kolbe Times: Tôi thực sự thích điều này. Không phải lúc nào cũng dễ, nhưng đó là một thách thức lành mạnh cho chúng ta. “Chuyển động” thứ ba thì khó hiểu – từ trí tưởng tượng đến đức tin.

Ron Rolheiser: Đúng, và đây là điểm chính: khi chúng ta còn trẻ, ở nhiều khía cạnh, chúng ta tưởng tượng đức tin của mình. Chúng ta hình dung Chúa có thể tồn tại – chúng ta có thể tưởng tượng, chúng ta có cảm nhận, chúng ta có các khái niệm chung quanh chuyện này và cứ như thế mà tiếp tục. Nhưng đó không phải là Chúa. Đó là các hình ảnh về Chúa. Trong nửa phần đầu cuộc đời, các hình ảnh giúp chúng ta tin. Chúng ta nghĩ các hình ảnh này là thật. Nhưng thường thường khi đã có tuổi, chúng ta bỗng nghĩ ra: “Ôi Chúa ôi, con nghĩ con là người vô thần mất!” Chúng ta không còn nghĩ Chúa qua hình ảnh nữa. Nhưng hãy nhớ, đó là hình ảnh. Và Chúa không thể có trong tưởng tượng. Đời sống về sau không thể nào là đời sống tưởng tượng. Chúng ta cố gắng làm và một cách nào đó nó chạy trong một thời gian, nhưng đến một lúc, các hình ảnh này không thể đủ. Và đó là điều mà các nhà thần nghiệm lớn gọi là Đêm tối… Đêm tối của đức tin. Không phải là Chúa ra đi, nhưng hình ảnh của mình có về Chúa ra đi.

Tôi thường làm phép loại suy, mấy con cá dưới đáy đại dương hỏi mẹ nó: “Nước là gì hả mẹ?” Bà mẹ không giải thích được, bà làm PowerPoint và chiếu hình ảnh thác nước Niagara. Chúng có hình ảnh của nước và như vậy là chúng bằng lòng, nhưng đó chỉ là hình ảnh. Đến một lúc, cá mẹ tắt máy chiếu và nói: “Các con đang ở trong  nước. Các con hít vào.”

Tôi cũng có thể dùng một ví dụ khác, bạn hình dung bạn có một hình ảnh rất đẹp về mẹ mình. Một nhiếp ảnh gia đã chụp được và bạn để hình này trên tủ. Đã từ lâu bạn chưa gặp lại mẹ và tấm hình này trở thành hình ảnh của mẹ bạn. Và nếu bây giờ bốn mươi năm sau, mẹ vào nhà bạn và bạn nhận không ra. Thì cũng vậy đối với Chúa. Chúng ta có hình ảnh của Chúa, và đến một lúc chúng ta không nhận ra Chúa vì các hình ảnh này! Lẽ tự nhiên trong nửa phần đời sau cuộc đời, các hình ảnh này bắt đầu khô dần. Chúng bắt đầu không đầy đủ cho chúng ta. Và chúng ta khép mình trong đức tin đen tối và không cảm thấy cùng một chuyện. Một khi chúng ta không còn hình ảnh, chúng ta không còn hình dung ra được.

Kolbe Times: Thật là hữu ích khi được nói chuyện với cha về điều này, bởi vì tôi nghĩ đây là một kinh nghiệm chung.

Ron Rolheiser: Và thường thì nó giống như khi mình bị suy giảm đức tin. Nhiều người sợ họ không còn tin Chúa nữa.

Kolbe Times: Nhưng thật ra đây không phải là giảm đức tin mà đúng hơn là đào sâu… đến một đức tin chín chắn và đích thực hơn; đức tin không dựa trên hình ảnh mà chúng ta hình dung ra. 

Ron Rolheiser: Đúng vậy. Tôi xin đơn cử một ví dụ. Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ nói “không” với tôn giáo. Và khi chúng ta hỏi vì sao thì các bạn trẻ trả lời: “Con không còn tin nữa: “Điều này không có nghĩa các em không tin ở Chúa. Các em không tin về hình ảnh tôn giáo của Chúa đã đưa ra cho các em – các em không chấp nhận hình ảnh này. Đúng, có lẽ các em cũng không nên chấp nhận. Đó không phải là Giáo hội. Đó là một hình ảnh.

Kolbe Times: Tôi đồng ý và điều này làm cho tôi nghĩ đến các kinh nghiệm thiêng liêng của tôi. Và tôi cũng thấy “chuyển động” thứ tư này thích ứng với cá nhân tôi, từ thành tâm ước mong và lạc quan tự nhiên đến hy vọng. Chắc chắn tôi ở trong số những người lạc quan tự nhiên! Tôi nghĩ tôi thừa hưởng điều này ở mẹ tôi.

Ron Rolheiser: Điều này cũng khó giải thích. Chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ hời hợt, rằng hy vọng là thành tâm ước mong hay lạc quan. Thành tâm ước mong là khi bạn nói: “Tôi mong trúng số”. Nhưng bạn chỉ ưóc mong điều này. Bạn không thể hy vọng trúng số. Còn người lạc quan là người bẩm sinh lạc quan, luôn thấy khía cạnh tốt của mọi sự. Đó là điều tuyệt vời, nhưng đó không phải hy vọng. Nhà văn G.K. Chesterton đã viết rất nhiều về hy vọng, ông đã nói theo nghĩa này: “Bạn chỉ có hy vọng khi tình huống gần như tuyệt vọng.” Ví dụ tôi muốn đưa ra là trường hợp của nhà thần nghiệm và khoa học gia, Linh mục Pierre Teilhard de Chardin, có người đã hỏi ông: “Nếu bây giờ có ai làm nổ tung thế giới bằng bom nguyên tử thì chuyện gì sẽ xảy ra?” Linh mục trả lời: “Vậy thì sẽ trở lại hai triệu năm trước.”

Linh mục Chardin cũng đã nói: “Tôi tin ở Phúc âm, không phải vì tôi ước mong nhưng vì Chúa Kitô đã hứa – và trong sự Phục Sinh, Chúa chứng tỏ cho thấy Chúa có quyền năng để thực hiện lời hứa.” Hy vọng này không dựa trên các ước mong thành tâm hay cố gắng thấy các khía cạnh tốt của mọi sự. Hy vọng dựa trên lời hứa của Chúa mà như Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy, hy vọng cắm neo trong sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Khi Chúa đi ra khỏi ngôi mộ, Ngài cho thấy Ngài sẽ giữ lời hứa.

Ảnh của Aaron Burden

Kolbe Times: Như tôi đã nghe cha nói, cuối đời của chúng ta đã được viết… và đó là hồi kết hạnh phúc.

Ron Rolheiser: Đúng vậy. Nữ chân phước Julian thành Norwich đã nói, cuối cùng “thì tất cả sẽ ổn, mọi sự sẽ ổn và tất cả mọi cách cũng sẽ ổn”. Điều này không dựa trên “tôi mong sẽ xảy ra như vậy” hay “tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra”.

Nhưng hy vọng đòi hỏi lòng kiên nhẫn. Đó là lý do vì sao tôi thích câu của Linh mục Teilhard de Chardin khi ngài nói sẽ đi lui 2 triệu năm. Đó là hy vọng.

Kolbe Times: “Chuyển động” thứ năm là đi từ cầu kỳ tinh tế đến tính trẻ con. Thật tuyệt diệu, đó là điều tôi thực sự muốn khám phá ở tôi.

Ron Rolheiser: Cho phép tôi bắt đầu bằng một câu chuyện nhỏ, đây cũng có thể gọi là dụ ngôn. Nếu chúng ta hỏi một em bé có tin vào Ông già Noel hay con thỏ Phục Sinh không, nó sẽ trả lời có. Nếu hỏi đứa trẻ thông minh cũng câu này, nó sẽ trả lời không. Nhưng nếu hỏi một đứa bé rất, rất xuất sắc thì nó sẽ nháy mắt với bạn và trả lời có. Khi chúng ta mới sinh ra, chúng ta ngây thơ. Trẻ em rất dễ thương và chúng có nét ngây thơ này. Nhưng chúng ta không thể ngừng ở sự ngây thơ này. Chúa Giêsu đã không nói mình phải là trẻ con, nhưng trở nên trẻ con. Vì thế đứa bé phải lớn lên, và phải trải qua tất cả các thất vọng, các tổn thương, các cầu kỳ phức tạp của cuộc sống. Nhưng đó cũng không phải là nơi chúng ta dừng lại, chúng ta phải trở lại như trẻ con. Chúng ta tin vào Ông già Noel, vào con thỏ Phục Sinh; rồi chúng ta không tin; rồi chúng ta tin, nhưng một cách sâu đậm hơn, bà hiểu chứ? Một minh họa tôi thích trích dẫn là khi một đứa bé hai tuổi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, ban đêm mặt trời đi đâu?” Bạn không thể giải thích hệ thống mặt trời cho một em bé hai tuổi, vì thế bà mẹ trả lời, ban đêm mặt trời đi ngủ như con, như mọi người. Khi em bé lớn lên sáu, bảy tuổi, câu trả lời như thế không được nữa. Đó là lúc bà mẹ đem quả địa cầu ra và nói về hệ mặt trời, các hành tinh quay chung quanh mặt trời..v.v. Sau đó thì khi lên trung học, đại học, câu giải thích rắc rối hơn có khi phải viện dẫn đến nhà bác học Einstein, vào vật lý thiên văn, vào bản chất hành tinh và các vật thể trong không gian. Nhưng sau đó khi bạn 75 tuổi, ai hỏi bạn ban đêm mặt trời ở đâu, bạn đơn giản nói nó đi ngủ.

Tôi thích dùng thành ngữ “hậu-cầu kỳ phức tạp”. Câu kỳ phức tạp là cái gì chúng ta phải vượt lên, nhưng chính nó không phải là cùng đích. Tôi nhận ra, cả hai phía, tự do và bảo thủ có khuynh hướng không hiểu điều này. Người bảo thủ có khuynh hướng sợ cầu kỳ khi họ thấy những điều này. Điều này làm tôi nhớ lại một cái gì đó mà nhà văn J. D. Salinger đã viết trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng Bắt trẻ đồng xanh (Catcher in the Rye). Nhân vật chính muốn giữ trẻ em trong đồng lúa mạch và chụp lại chúng khi chúng trượt chân. Ông muốn là người “canh đồng lúa mạch”. Ông muốn giữ các em bé này trên cánh đồng để chúng không lớn lên, không bị hư hỏng khi đến tuổi trưởng thành. Nhưng tất cả chúng ta đều phải trải qua tiến trình cầu kỳ phức tạp này. Các người theo phái tự do có khuynh hướng mắc sai lầm khi nghĩ rằng, một khi mình đã trở thành tinh tế cầu kỳ thì mình phải ngừng ở đây. Như thế cũng không tốt! Cầu kỳ tinh tế là một cái gì mình phải vượt lên. Bạn bắt đầu như một đứa trẻ và bạn kết thúc như một đứa trẻ – chúng ta có thể nói đó là hậu-người lớn hay hậu-cầu kỳ tinh tế.

Kolbe Times: Tôi cũng thích chữ “hiếu kỳ”. Tôi nghĩ mình cũng phải đi tìm lại ý nghĩa của tính hiếu kỳ tự nhiên này.

Ron Rolheiser: Đúng, đó là một phần lớn, chúng ta có thể tìm lại cảm giác kinh ngạc. Các em bé có một khả năng kinh ngạc lạ lùng, và những người 75 tuổi có sức khỏe cũng có khả năng này.

Cũng tựa như khi chúng ta có con cái, đó là chuyện tuyệt vời. Nhưng các ông bà nội ngoại khi họ nói, cuộc đời của họ đã sống là chuyện tuyệt vời nhất thế giới. Họ hoàn toàn ngạc nhiên vì họ thấy cháu của mình với cặp mắt mới, một cách mà họ chưa bao giờ thấy nơi con mình trước đây. Họ thấy nét đẹp kỳ diệu này ở các cháu, mà khi là cha mẹ họ không thấy. Có một cảm giác tuyệt vời và kinh ngạc quay trở về.

Ảnh của Emma Miel

Kolbe Times: Thật dễ chịu khi nghĩ như vậy. Bây giờ chúng ta qua chuyển động thứ sáu, từ kiểm soát đến đầu hàng, đến từ bỏ. Thật là một điều ‘vĩ đại’ cho nhiều người trong chúng tôi.

Ron Rolheiser: Hoàn toàn đúng. Cho phép tôi kể một câu chuyện. Cách đây vài năm, tôi đến dự tang lễ của thân phụ một trong các linh mục của chúng tôi. Ông qua đời năm 90 tuổi và là một nhân vật rất uy thế. Ông có tài lãnh đạo bẩm sinh và rất thành công, gia đình thành công, công ty thành công. Ông luôn đứng đầu mọi sự. Đứng đầu Hội đồng nhà trường, đứng đầu hội Hiệp sĩ Colombus, gần như đứng đầu trong mọi thứ. Trong tang lễ, linh mục giảng lễ là con trai ông. Và đây là một phần nội dung bài giảng: Thánh vịnh nói, tổng số năm của một đời người là 70; 80 là dành cho những người mạnh. Còn cha tôi 90. Vì sao vậy? Đây không phải là một bí ẩn. Ông quá mạnh và quá gay gắt để chết ở tuổi 80!. Phải cần 10 năm để Chúa làm cho ông dịu bớt. Và Chúa đã làm. Mười năm cuối là những năm ông suy yếu. Mẹ tôi qua đời và ông không bao giờ hồi phục được. Ông bị đột quỵ và ông cũng không bao giờ hồi phục được. Ông luôn phải có người bên cạnh săn sóc và ông cũng không bao giờ hồi phục được. Trong những ngày gần qua đời, ai đến thăm, ông sẽ cầm tay họ và nói: “Xin giúp tôi”. Câu ông không thể nào nói từ khi ông sáu tuổi! Cuối cùng ông từ bỏ kiểm soát và sẵn sàng lên thiên đàng.

Bạn thấy đó, chúng ta được sinh ra trong tình trạng bất lực, khi chúng ta lên sáu, lên bảy, chúng ta có thể tự cột dây giày và bắt đầu tiến tới đàng trước. Chúng ta muốn kiểm soát, đó là chuyện lành mạnh. Kiểm soát là chuyện cuối cùng bạn muốn buông bỏ. Bạn không muốn bỏ bằng lái xe; không muốn bỏ sự nghiệp; không muốn bỏ nhà cửa để vào nhà già..v.v.

Nhưng chuyện cuối cùng bạn phải làm trước khi chết là buông bỏ.

Ảnh của Sabine van Erp

Để tóm gọn đời sống kitô trong vài chữ, tôi đã nói ở trên là biết ơn và tha thứ, và bây giờ tôi phải thêm vào một chữ, từ bỏ. Trên thực tế, tiến trình lão hóa đã được Chúa và tự nhiên định liệu. Đời sống đưa chúng ta đến một điểm nhất định – dù là bệnh ở giai đoạn cuối hay suy yếu sức khỏe, suy yếu chịu đựng – khi đó tất cả những gì chúng ta làm là từ bỏ.

Có một biểu hiện đẹp trong Thánh Kinh khi Chúa Giêsu sắp chết, Ngài chiến đấu, Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí. Có phải đó là một biểu hiện đẹp? Ngài trao Thần Khí.

Kolbe Times: Và thật kỳ lạ, khi dường như chúng ta nghĩ, bắng cách kiểm soát thì chúng ta có tự do, tự do muốn làm gì mình muốn. Chúng ta tự lấy quyết định, chúng ta làm chủ vận mệnh mình. Nhưng đây là một ý tưởng sai lầm và một cảm giác tự do giả tạo. Tôi càng ngày càng ý thức, chính khi mình bị cầm giữ là mình có tự do thực sự.

Ron Rolheiser: Chính xác vậy.

Kolbe Times: “Chuyển động” cuối cùng là từ thành tựu đến sinh ích. Chồng tôi và tôi suy nghĩ và nói với nhau nhiều về chuyện này.

Ron Rolheiser: Đó là chuyện quan trọng. Nửa phần đầu cuộc đời là các thành tựu… từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học, đại học, đến bằng cấp, việc làm, mua xe, mua nhà, có sự nghiệp, có con cái..v.v.  Các thành tựu của chúng ta sẽ dừng lại ở một lúc nào đó – và chắc chắn nó sẽ ngừng khi chúng ta chết. Nhưng sinh ích của chúng ta lại là một chuyện khác. Sinh ích là những gì chúng ta để lại đàng sau mình. Nó còn ở lâu dài sau khi mình không còn ở đây. Chúng ta đã trồng gì ở nơi những người quen biết mình? Đã trồng gì cho con cái, cho gia đình? Chúng ta để lại gì cho cộng đồng?

Thật thú vị khi thấy chúng ta “không có được” Chúa Giêsu qua các thực hiện của Ngài. Chúng ta có được ơn ích của Ngài. Chỉ sau cái chết và sau khi Ngài ra đi, mọi người mới hiểu Ngài đã làm gì. Và đôi khi cũng đúng như thế với cha mẹ và các bạn cũ của mình? Sau khi mất họ, chúng ta mới nhận thấy họ để lại gì. Trên thực tế, chúng ta thường thấy một cái gì sâu đậm hơn khi họ ra đi hơn là khi họ còn ở với chúng ta.

Các thành tựu ngừng khi chúng ta ngưng làm. Sinh ích thì tiếp tục. Và nó nằm trong kết quả các thành tựu của mình, nhưng nhất là trong trong con người của mình, trong lòng quảng đại, tình thương và sự tử tế của mình với người khác.

Kolbe Times: Khi nghĩ đến các “chuyển động” này trong nửa phần đời sau cuộc đời, tôi xem chúng như các mệnh lệnh đạo đức tối thượng, và để nói lại câu của tác giả Andrew Greeley mà cha đã nhắc trong phần đầu buổi nói chuyện, mệnh lệnh đạo đức tối thượng của chúng ta là không được chết trong giận dữ và cay đắng, tôi xem những lời này như món quà cho mỗi người chúng tôi – để thực sự chiêm ngưỡng và nắm lấy. Chúng có thể đưa chúng ta đến một nơi khác; một nơi đứng bên cạnh lòng trắc ẩn, lòng tốt – không chỉ trong thế giới mà trong đời sống của những người ở với chúng ta. Và nó giúp chúng ta hướng tới một cảm giác thiêng liêng lành mạnh hơn mà sau đó chúng ta có thể chia sẻ với người khác.

Ron Rolheiser: Đúng vậy; tôi cũng nghĩ như vậy.

Kolbe Times: Có một chuyện cha đã nói trong bài trình bày của cha mà tôi rất thích – một câu của Linh mục Henri Nouwen đã dùng để làm tiêu đề một trong các quyển sách của cha: Tiếng nói bên trong của tình yêu (The Inner Voice of Love). Tôi nghĩ tìm và khám phá tiếng nói bên trong của tình yêu này cũng là điều mà tiến trình lão hóa hướng đến.

Ron Rolheiser: Cha Nouwen đã viết quyển Tiếng nói bên trong của tình yêu trong thời gian cha bị trầm cảm lâm sàng nặng. Ngài đã thực sự đau khổ khi viết quyển này. Đây là một quyển sách rất sâu đậm.

Kolbe Times: Cha cũng đã viết trong phần cuối quyển sách Chiến đấu với Chúa, khi mình lớn tuổi, khi đời sống tâm linh chín chắn thì mình nhận ra, mình sống ít sợ hơn. Với tôi, khi tôi già đi, tôi thấy mình có ý thức về sự hiện diện của Chúa trong tôi, với tôi, nơi những người khác và trong thiên nhiên chung quanh tôi. Điều này giúp tôi bớt sợ hơn, bớt lo lắng về tương lai.

Ron Rolheiser: Như chúng ta đã nói ở trên, có một tự do tuyệt vời có thể đến với tuổi – và với đức tin.

Kolbe Times: Xin cám ơn cha Ron. Thật thú vị khi nói chuyện với cha về chủ đề quan trọng này, ở đoạn đường nửa phần đời sau cuộc đời. Bao nhiêu chuyện phải suy nghĩ về nó!

Ron Rolheiser: Cám ơn rất nhiều và đó cũng là niềm vui của tôi.

Marta An Nguyễn dịch