Lời nói đầu sách Quả tim thao thức


 

Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Ngày 12 tháng 2 năm 1944, mười bốn tuổi, Anne Frank đã viết những dòng sau trong quyển nhật ký vẫn còn rất nổi tiếng của cô.

Hôm nay, mặt trời đang tỏa nắng, bầu trời xanh thăm thẳm, làn gió mơn man nhè nhẹ và lòng tôi khát khao –  khát khao mọi chuyện. Khát khao nói chuyện, khát khao tự do, bạn bè, khát khao được ở một mình.

Và rồi, tôi cầm lòng rất lâu để… bật khóc! Tôi cảm thấy như sắp nổ tung, và tôi biết khi khóc được sẽ dễ chịu hơn; nhưng tôi không thể, tôi bồn chồn, tôi đi từ phòng này qua phòng khác, thở hơi qua kẽ nứt cửa sổ đóng kín, cảm nhận nhịp đập của tim, giống như quả tim đang nói “cuối cùng bạn không thể nào thỏa hết các khát khao của tôi được sao?”

Tôi tin rằng, đó là mùa xuân trong tôi. Tôi cảm nhận mùa xuân đang bừng dậy. Tôi cảm nhận nó trọn cả tâm hồn lẫn thể xác. Cả một cố gắng để xem như bình thường. Tôi cảm thấy bối rối khủng khiếp. Tôi không biết phải đọc gì, viết gì, làm gì. Tôi chỉ biết rằng tôi đang khát khao.

Trong lòng mỗi chúng ta, ở trọng tâm đời sống chúng ta, có một áp lực, một cơn đau, một ngọn lửa ham muốn không thể ngủ yên. Chúng ta luôn luôn khao khát. Đôi khi nỗi khao khát này hướng về một người nào đó, đặc biệt khi yêu mà không được yêu; nhiều lúc, chúng ta cảm nghiệm nó như một khát khao muốn đạt đến một điều gì đó.

Mặc dù, bình thường thì đó là một khát khao không rõ trọng tâm và không gọi tên được, là cơn đau không thể định nghĩa hay mô tả. Cũng như Anne Frank, chúng ta chỉ biết chúng ta đang khao khát, thao thức và đầy băn khoăn.

Tại sao quá khó để chúng ta có được tâm trạng bình an và bằng lòng? Điều gì bên trong tâm trí con người làm cho chúng ta trở nên cuồng dục không cưỡng được, đầy tính du tưởng, và quá dễ dàng rơi vào trạng thái suy thoái tinh thần, hoài niệm nhung nhớ? Shakespeare nói về “khát khao triền miên”, Karl Rahner nói về “dằn vặt của việc không đạt được những gì có thể với tới.”

Quyển sách này xem xét những khát khao từ cả quan điểm thế tục và quan điểm tôn giáo, đồng thời cố gắng đưa ra một số hình tượng để chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn, từ đó chúng ta có thể thấy được, căn bệnh bên trong chúng ta có thể là một mãnh lực hướng đến sự cao cả hay sự hủy diệt. Thánh Âugutinô đã từng cầu nguyện: “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con sẽ không nghỉ yên, cho đến khi nào được an nghỉ trong Ngài”. Quyển sách này nỗ lực để diễn giải phần nào ý nghĩa của lời này.

Karl Rahner, người ở thế kỷ XX, rất ngưỡng mộ thánh Âugutinô, đã từng nói rằng “trong sự dằn vặt bởi việc không đạt được những gì có thể với tới, chúng ta đi đến nhận ra rằng, ở đời này tất cả các bản giao hưởng vẫn phải còn dang dở”. Quyển sách này được viết cho những ai đang vật lộn với vấn đề này.

Quyển sách này được xuất bản lần đầu vào hai mươi năm về trước. Thời đó tôi còn trẻ, cô đơn với chính mình, thao thức như tất cả mọi người trẻ tuổi, và vẫn còn đang tìm kiếm nhiều điều. Tôi viết quyển này phần nhiều từ trải nghiệm của chính tôi, khi chưa ba mươi tuổi, còn cực kỳ lý tưởng, và như Soren Kierkegaard lúc còn trẻ, tôi cố gắng đưa tâm trạng cô độc của tôi lên một tầm cao cả. Khi đọc lại những trang này, xem xét lại nhiều điểm để tái bản, tôi nhớ lại sự thật về một điều mà tôi đã từng nghe Raymond Brown, nhà chú giải kinh thánh lừng danh nói trong những ngày xế chiều của ông. Khi bàn về việc ngày càng già đi, Brown nói rằng đôi khi, ở phía bên kia sườn dốc cuộc đời, chúng ta nhìn lại đôi điều đã viết trong đam mê, trong háo hức, trong tâm tưởng, và non dại của tuổi trẻ, và rồi tự hỏi: “Làm sao thời đó, mình đã có dũng khí và non dại để nói như vậy?” Tuy nhiên, về sau nữa, khi càng nhận ra rằng sự trưởng thành đã làm chúng ta trở nên e sợ chừng nào, chúng ta trìu mến nhìn vào những gì đã viết và nói rằng: “Đó là điều tốt đẹp nhất tôi đã từng làm!” Tôi có cả hai cảm giác này, vừa hổ thẹn vừa tự hào, khi tôi đọc lại những trang sách tôi viết khi còn rất trẻ.

Và một cảm xúc cuối cùng: Khi đọc lại một trong những quyển sách bà đã viết cách đó hơn hai mươi năm, bà Jane Urquhart đã bình luận: “Thật hài lòng vô cùng khi tôi lại có thể nhập vai người phụ nữ trẻ ngày xưa đã viết những truyện như thế này, và biết rằng điều gì đã hấp dẫn trong tâm trí của cô ấy vẫn đang còn hấp dẫn trong lòng tôi.” Tôi có thể nói tương tự như vậy, đúng là tôi tái bản quyển sách này với những chữ mà tôi đã viết khi tôi còn là người trẻ cô độc và thao thức.

Ronald Rolheiser, Roma, nước Ý, 01-02-2004

J.B. Thái Hòa dịch

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Không có giải pháp trong chốc lát

Chúng ta biết cô đơn có nhiều dạng và là mãnh lực sáng tạo tiềm tàng trong đời sống chúng ta. Nhận thức được điều này, tự nó đã là một giá trị. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu đi đến nắm bắt được cô đơn cách sáng tạo. Muốn nắm vững được nó cần nhiều hơn thế. Chúng ta cần có một điều vượt trên nhận thức trí tuệ về tất cả ý nghĩa khác nhau, các hiểm nguy cũng như thuận lợi tiềm tàng của tâm trạng cô đơn. Để có thể nắm vững nỗi cô đơn một cách sáng tạo cần phải có lối sống cụ thể rõ ràng. Qua nỗ lực khắc nghiệt và đấu tranh đau đớn, trong cuộc sống chúng ta cần phải phát triển một vài mô thức sống cụ thể, giúp chúng ta đương đầu với nỗi đau cô đơn và chuyển tải tác động gây tê liệt tiềm tàng của nỗi cô đơn thành sức mạnh sáng tạo.

Điều chúng ta cần là một hình thức thiêng liêng về cô đơn: một linh đạo phân biệt những dạng khác nhau của cô đơn và cho chúng ta định hướng cụ thể để theo đó chúng ta có thể tuần tự biến cô đơn từ mãnh lực hủy hoại thành mãnh lực sáng tạo trong đời sống chúng ta.

Và tiếp theo đó chúng ta cần đến một nỗ lực, dù chưa thành hình và ít ỏi, để nhắm theo hướng đó, một định hướng có thể mang đến cho chúng ta một đường hướng thiêng liêng.

Nắm vững “Tha hóa”: Tìm kiếm Kết hợp

Ở nhiều mức độ khác nhau, tất cả chúng ta đều hụt hẫng vì chúng ta thiếu tính mật thiết với người khác. Không phải vấn đề “Chúng ta có bị tha hóa không?”, mà là mức độ. Không một ai có được hòa hợp trọn vẹn. Chúng ta nói nhiều về tình yêu và chia sẻ, có lẽ nói nhiều hơn bất cứ đề tài nào. Tuy thế, những lúc chúng ta thực sự cố gắng để trao nhau tình yêu, thì hiếm khi chúng ta có được nó, đôi lúc những gì có được chỉ là tuyệt vọng vô bờ bến. Chúng ta là một đám người cô đơn, cố gắng trong tuyệt vọng để yêu thương người khác, nhưng thường chẳng đạt được bao nhiêu.

Làm sao để chúng ta vượt lên được “tha hóa”? Để vượt lên, chúng ta cần một hội nhập hướng đến kết hợp trọn vẹn mình vào trong cuộc sống và vào trong thế giới của người khác. Tính mật thiết liên kết ở đây, vượt lên các ranh giới cuộc sống riêng của chúng ta. Nhưng làm sao có được? Biến chuyển từ “tha hóa” đến hội nhập không phải là điều chúng ta đạt được ngày một ngày hai và cũng không phải đạt được một lần là giữ được mãi mãi. Việc này đòi hỏi tùy theo mức độ, cụ thể là, tùy theo mức độ mà chúng ta có thể thực hiện sâu đậm hơn một số chiều hướng thâm nhập cụ thể: hướng đến hành động mạo hiểm hơn, yếu mềm hơn, cho người khác khoảng không gian tự do hơn, vui thú hơn, cống hiến cao cả hơn.

  1. Mạo hiểm

Một trong những mãnh lực lớn nhất giữ chúng ta cách ly với người khác chính là nỗi sợ. Tất cả chúng ta đang bị giam cầm, nhiều hay ít, vì chúng ta nghĩ mình xấu xí, mặc cảm hổ thẹn, chính điều này làm cho chúng ta sống trong nỗi sợ, sợ hãi về nhiều thứ. Nhưng nỗi sợ chính yếu là sợ mình không được yêu, sợ người khác ruồng bỏ mình, sợ không đủ tốt đẹp. Cũng vậy chúng ta mang tâm thức hổ thẹn: hổ thẹn về cơ thể mình, hổ thẹn về những góc tối trong tâm thức mình, và ở một mức độ nào đó, hổ thẹn về cả con người mình. Vì thế, trong mọi mối quan hệ, tất cả chúng ta, những con người cẩn trọng, luôn luôn cân nhắc cẩn thận tất cả mọi khía cạnh trước khi mạo hiểm mở lòng mình ra.

Chúng ta không đủ mạnh mẽ, hay đủ tự chủ, hay không chắc chắn về tính dễ thương của mình để có thể mạo hiểm đặt mình vào một tình trạng bấp bênh. Nỗi sợ bị loại bỏ trong chúng ta quá lớn đến nỗi chúng ta sớm làm cho chính mình không sẵn sàng với tình yêu trước khi chúng ta có thể bày tỏ chính mình cách chân thành và cởi mở, đồng thời mạo hiểm chấp nhận mình có thể bị chối từ. Chúng ta sớm để mình sống trong cô đơn trước khi mạo hiểm xem mình có bị người khác làm tổn thương hay không.

Và rồi chúng ta đi qua cuộc đời mà không bao giờ tỏ ra mình thực sự cảm nhận và quan tâm đến mức như thế nào. Vì nỗi sợ hãi và hổ thẹn, chúng ta đùa giỡn với việc này, đùa giỡn bằng sức mạnh, hờ hững và tự chủ. Chúng ta đùa giỡn khi không nói với người khác chúng ta cần họ biết bao. Biết bao lần trong cuộc đời, nỗi sợ, đủ mọi kiểu, đã ngăn không cho chúng ta nói với ai về những gì chúng ta thật sự cảm nhận về họ? Biết bao lần nỗi sợ bị chối từ đã ngăn không cho chúng ta hướng đến, cách cởi mở và tự do, một mối quan hệ mà chúng ta mến yêu và muốn có vô cùng? Biết bao lần chúng ta để mặc việc đi bước đầu hay đào sâu mối quan hệ mà chúng ta muốn có cách khủng khiếp, cho người khác hoặc cho hoàn cảnh.

Chúng ta tất cả đều rụt rè, thật sự là vậy! Chúng ta sống trong sợ hãi và hổ thẹn. Đôi khi chúng ta không nhận ra những cảm giác này, hoặc chúng mang vỏ ngoài như tự chủ, quay cuồng, hay hung hăng. Nhưng chúng, nỗi sợ hãi và hổ thẹn, luôn luôn có ở đó, ngăn không cho chúng ta vươn ra, và khép kín chúng ta trong xa lánh và cô đơn.

Theo đó, nếu chúng ta muốn có tình thân mật với người khác, một trong những việc đầu tiên phải làm là mạo hiểm nhiều hơn. Chỉ khi nào chúng ta dám mạo hiểm đủ để ai đó có thể làm tổn thương mình, lúc đó chúng ta mới mạo hiểm đủ để ai đó có thể yêu thương mình. Khi trang bị cho mình sẵn sàng chịu tổn thương, thì tận cùng đó chính là lúc chúng ta đủ sẵn sàng để được yêu thật sự. Thay vì sợ hãi và hổ thẹn, thay vì nhìn nhận mình có thể bị chối từ và tổn thương, chúng ta phải vươn mình ra. Chúng ta phải liên tục chân thành thúc đẩy mình hơn, cởi mở hơn trong các mối quan hệ, bớt phụ thuộc vào hoàn cảnh đưa đẩy, và đẩy mình đến nói với người khác, cho họ biết mình quan tâm đến họ và họ có ý nghĩa với chúng ta biết chừng nào.

Bất cứ lúc nào cảm nhận nỗi đau “xa lánh”, hụt hẫng vì thiếu tình mật thiết với người khác, điều đầu tiên chúng ta phải xem lại lòng mình là liệu chúng ta có biết mạo hiểm trong các mối quan hệ hay không. Liệu chúng ta có mạo hiểm đủ hay không? Liệu chúng ta có quá sợ hãi bị chối từ hay không? Liệu chúng ta có đùa giỡn với những mối quan hệ hay không? Liệu chúng ta có đề phòng quá đáng trong các mối quan hệ đến nỗi không đủ sẵn sàng để được yêu hay không?

Khi dám bày tỏ trọn con người mình trong tình bạn và tình yêu, thì đó là lúc chúng ta đang mạo hiểm. Có những lúc chúng ta sẽ biến mình thành kẻ ngốc, có lúc sẽ bị chối từ, và có lúc sẽ bị tổn thương. Tuy nhiên, hầu hết những lúc mạo hiểm như vậy, thì lòng chân thành và mềm yếu của chúng ta sẽ được chấp nhận, tri ân, và đón nhận vô điều kiện vì một tình thân sâu đậm và tình mật thiết sẽ làm cho chúng ta được thỏa lòng

Vui thú

Chuyển biến thoát khỏi tha hóa còn tùy thuộc vào vui thú và óc hài hước: Tự bản chất, chúng ta là những sinh thể vui thú. Chúng ta hồn nhiên hưởng thú vui, ngớ ngẩn, hài hước, trêu đùa, và ngạc nhiên (không nói đến tình trạng say rượu). Một nhận xét khá thú vị, chúng ta ngưỡng phục người thông minh, sợ người quyền lực, nhưng lại thích người vui vẻ.

Dù vây, thường thì chúng ta không gây đủ niềm vui thú và hài hước trong những mối quan hệ của mình. Và chúng ta phần nào tự hỏi tại sao mình lại hay chán người khác! Theo bình thường, định hình những mối quan hệ của chúng ta quá phụ thuộc vào sự nghiêm túc, và thiếu đi sự ngạc nhiên, thiếu đi sự vui thú và hài hước. Thường thường khi tiếp xúc với người nào đó lần đầu tiên, chúng ta thấy họ thú vị và hấp dẫn. Điều này do bởi ở giai đoạn đầu tiên, chúng ta vui thú và ngây ngô với người khác. Và một sự thật đáng buồn là, thường thường sau đó, khi đã gần gũi với họ rồi, chúng ta không còn vui thú và ngây ngô nữa, mà nhanh chóng sa vào vết mòn nghiêm nghị buồn chán! Tại sao người phối ngẫu hôn nhân, gia đình, bạn bè, và cộng đoàn của chúng ta thường ảm đạm và không thú vị? Thường là do chúng ta và họ đã lâu không còn biết vui thú và ngớ ngẩn với nhau nữa. Chúng ta không còn vui đùa với họ, chúng ta để dành niềm vui thú của mình cho những việc khác. Điều cần làm để có được một sự cách tân trở lại, tươi trẻ trở lại, hăng hái trở lại liên tục đối với những mối quan hệ của chúng ta là một ít đùa giỡn, vui thú, hài hước và chọc ghẹo vui vẻ.

Vở kịch Cô gái Từ giã (The Goodbye Girl) của Neil Simon nói nhiều về điểm này. Simon mô tả mối quan hệ vô cùng lãng mạn giữa hai người trẻ. Đặc nét của mối quan hệ là dám mạo hiểm, mềm yếu, có một khoảng không gian tự do, nhưng nó cũng được cấu thành bởi tính chất mà Hy Lạp cổ đại gọi là Mens, sự vui thú, và sau này, đó là phẩm chất đem lại cho mối tình này những gia vị tuyệt hảo nhất.

Ví dụ một đoạn trong vở kịch, chàng trai mời cô gái đi ăn tối. Sau giờ làm, cô sốt ruột mong sẽ thấy anh đang chờ mình để đưa mình đến  một nhà hàng lộng lẫy. Ngạc nhiên thay! Thay vì thấy anh, cô lại thấy một mảnh giấy nhắn cô lên mái nhà của cô. Bối rối, cô thận trọng đi lên mái, chăm chú nhìn bóng tối chung quanh, và ngạc nhiên bất ngờ thấy vị hôn phu ăn mặc như tài tử Humphrey Bogart, từ góc tối bước ra. Ba giờ ngồi bên nhau trên mái nhà là ba giờ hạnh phúc nhất của họ, cùng thưởng thức món ăn ngon dưới cơn mưa, bên ánh nến, trên mái nhà. Đó không phải là nhà hàng trong tâm tưởng bạn! Nhưng cũng không phải cặp đôi trong tâm tưởng bạn.

Tình yêu có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa của tình yêu không chỉ là ngủ chung giường hay sống chung nhà cho bằng bất ngờ đến với nhau qua mãnh lực của hoàn cảnh, qua gắn kết với nhau bởi hấp lực tình dục hay hấp lực xúc cảm. Tình yêu có nghĩa là chia sẻ mọi điều: sầu muộn và hoan lạc, thăng tiến và yếu nhược, sự sống và cái chết. Nếu tình yêu vẫn còn và vẫn thú vị, thì tình yêu đó có nghĩa là chia sẻ những ngớ ngẩn, chọc ghẹo nhau, và giữ tình yêu cho nhau trong nét hài hước và ngạc nhiên.

Bất cứ buổi gặp mặt nhau nào và có người chỉ trích về chuyện tha hóa, thì cứ để con người vui thú này chê trách đầu tiên.

Hy sinh

Khi xem xét biến chuyển từ tha hóa đến hội nhập, chúng ta thấy không dễ để tạo nên và gìn giữ một mối dây liên hệ có ý nghĩa với người khác. Thật vậy, có người tự hỏi xem điều này có còn có thể được. Liệu có bao giờ chúng ta thực sự đến với nhau, thực sự vươn đến người khác, yêu họ chân thành, một tình yêu không ích kỷ không? Liệu thông hiệp thực sự giữa con người với nhau có thể được hay không?

Vấn đề này không dễ giải đáp. Ngày nay nhiều người nghĩ rằng khả thể của tình yêu chân chính là một điều không thể với tới được. Càng ngày những người nhạy cảm càng tuyệt vọng trong việc giữ một tình yêu chân chính và họ tuyên bố, vượt trên các lời nói, các bản tình ca của chúng ta, thực sự chỉ có tư lợi, ích kỷ và vị kỷ mà thôi. Bất cứ ai nhạy cảm với nỗi đau của thế giới, nhạy cảm với nỗi đau và những biến chuyển trong tâm hồn mình, họ buộc phải đặt câu hỏi: Liệu thực sự chúng ta có thể đến với nhau trong một tình yêu và tình mật thiết chân thật, một điều vượt trên tư lợi và vị kỷ không?

Đức tin Kitô của chúng ta cho biết câu trả lời cho vấn đề này phải được khẳng định. Linh đạo Kitô tin tưởng vào khả thể của tình yêu nhân tính, vào gắn kết có ý nghĩa, sâu đậm, vững bền và vượt trên tư lợi. Tuy nhiên, linh đạo Kitô cũng khẳng định phải trả một giá nào đó để biến tình yêu này thành hiện thực. Giá đó là một điều tận căn: tự hiến, chịu đóng đinh chính mình. Ngoài giá đó ra, không còn giá nào khác để chúng ta có thể đến với tình yêu. Cho phép tôi đưa ra một ví dụ điển hình:

Tiểu thuyết nổi tiếng mới đây Người đàn ông và Cậu bé (Man and Boy) của tác giả Tony Parsons phản ánh về sự mạnh mẽ và yếu đuối ở thế hệ hôm nay. Nhân vật chính là người vừa mừng sinh nhật thứ ba mươi. Cũng như nhiều người khác trong thế hệ của anh, anh có nhiều đức tính đáng ngưỡng mộ: Chân tín, thành thật, đáng mến, khá khiêm nhường, nói chung là lương thiện và có đức hạnh căn bản. Anh mong muốn tất cả những điều công chính, nhưng dù có ý muốn tốt lành, cuộc đời của anh vẫn vấp phải một sự méo mó đau đớn.

Có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một đứa con trai anh yêu quý hết mình, nhưng anh lại quan hệ thiếu suy nghĩ với một đồng nghiệp trong đêm mừng sinh nhật của anh. Anh nghĩ rằng, tự thân hành động đó không có ý nghĩa gì hết. Đối với anh đó chỉ là một hành động chóng qua, đơn thuần và đơn giản chỉ là một đêm phi lý mà thôi. Nhưng vợ của anh lại nhìn theo một cách khác. Trước đây cô đã từng bị những người đóng một vai trò đáng kể trong đời cô phản bội – kể cả cha của cô, cô không muốn chấp nhận và tha thứ cho chồng. Cô bỏ đi và cuối cùng là ly dị, còn anh, anh tự hỏi vì sao một hành động gần như không đáng kể lại gây nên hậu quả nghiêm trọng đến như vậy. Dần dần, trong đau đớn, anh bắt đầu nhận ra hành động đó có một hậu quả sâu sắc, cho dù trong đầu chúng ta có nhìn nhận nó hay không.

Điều anh học qua bài học cay đắng này là tình yêu phải đòi hỏi một điều gì đó, đòi hỏi những chọn lựa khó khăn và đôi lúc còn đòi hỏi chúng ta phải đổ máu. Tình yêu không thể có được cách nhưng không. Có một giá thực sự chúng ta phải trả để có tình mật thiết. Thánh giá của Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta như vậy.

Ngôn ngữ chúng ta dùng để nói về thập giá có lẽ đôi khi không cho chúng ta đủ ấn tượng đó. Chúng ta nói về cuộc khổ nạn trên thập giá của Chúa Giêsu là “chuộc lại món nợ”, là “tẩy rửa chúng ta bằng chính máu của Ngài”, là “đền bù tội lỗi”, là “phá tan sức mạnh của Satan.” Những từ ngữ này căn bản mang tính ẩn dụ, có lẽ đã cho chúng ta ấn tượng việc Chúa Giêsu chịu nạn trên thập giá là một phần của kế hoạch thần thiêng và cuộc khổ nạn đó là để trả món nợ thiêng liêng. Như thế, sự hiến mình của Chúa Giêsu đơn giản là một điều gì đó mà chúng ta ngưỡng mộ và giữ lấy trong ân sủng, nhưng lại không biết noi theo gương đó. Và đó chính là sai lầm của chúng ta.

Những gì Chúa Giêsu đã chịu trên thập giá, và những gì Ngài đã chịu trước đó trong vườn Cây Dầu cho chúng ta thấy một bí mật thâm sâu, bất biến về tình yêu nhân loại, và đòi hỏi chúng ta phải noi theo. Cuộc khổ nạn trên thập tự của Chúa Giêsu, giữa các điều khác, mặc khải tình yêu đích thật có một giá và giá đó đắt. Nếu chúng ta muốn trong cuộc đời mình, có được một tình yêu kiên vững, thành tín, và trao hiến trọn đời sống, thì đau khổ như Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá chính là cái giá phải trả để có được.

Fyodor Dostoevsky đã từng nói “Tình yêu là một điều khắc nghiệt,” và T. S. Eliot  thêm rằng, giá cả thì “không rẻ hơn các thứ khác”. Vì thế con đường thoát khỏi cô đơn và tha hóa đòi hỏi một cái gì trong chúng ta, một điều gì cao hơn ước muốn thoát khỏi cô đơn của chúng ta: Nếu chúng ta muốn một tình yêu thật sự vượt trên những mơ mộng hão huyền, nếu chúng ta muốn giữ bất cứ một cam kết nào đã hứa trong hôn phối, trong tình cha mẹ, bằng hữu, hay trong ơn gọi, chúng ta chỉ có thể giữ được bằng ý muốn sẵn sàng đổ máu và chết đi chính mình. Không có con đường nào khác. Tình yêu có một giá. Chịu đau khổ khi cam kết và bị đau thương trên đường đi của tình mật thiết chính là giá phải trả của tình yêu, một giá sẽ cho chúng ta thoát khỏi tha hóa.

Đây không phải là điều chúng ta muốn nghe say sưa. Chúng ta có nhiều đức tính tốt, nhưng đổ máu và chết đi chính mình để thành tín với các cam kết của mình không phải là điều chúng ta thường thực hiện tốt đẹp. Cũng như nhân vật chính trong truyện của Parsons, chúng ta thành tín, đáng mến, và có đạo đức. Chúng ta muốn những điều ngay chính, nhưng tất cả chọn lựa của chúng ta là một sự từ bỏ, và chúng ta sẽ thích nếu có thêm một điều gì đó mà không phải hy sinh bỏ bất kỳ cái gì khác. Chúng ta muốn là thánh, nhưng lại muốn nếm cảm giác của tội nhân xem nó như thế nào; chúng ta muốn sống chung thủy, nhưng cũng muốn ve vãn bất kỳ ai hấp dẫn đến với  mình; chúng ta muốn làm người tốt, nhưng lại không muốn hy sinh; muốn sống chuẩn mực sâu sắc nhưng không muốn từ bỏ lạc thú với tác dụng kích thích của nó. Tóm lại, chúng ta muốn yêu, nhưng không muốn trả giá “vâng lời đến chết.”

Nhưng đòi hỏi này là bẩm tính nội tại của tình yêu. Yêu là phải trả giá, và trả bằng tất cả mọi thứ. Một tình yêu vượt trên những ảo mộng chính là tình yêu “đổ máu” và “vâng lời cho đến chết.” Tình yêu mời gọi chúng ta nhìn vào nỗi đau gắn kết chặt chẽ với cam kết chung thủy, và nói với chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói: “Không theo ý con, nhưng trọn theo ý Cha.”

Con đường từ xa lánh đến tình mật thiết đòi hỏi chúng ta phải tập nói những câu này.

Nắm vững “Tâm trạng thao thức”: Tìm kiếm Cô tịch

Thậm chí sau khi đã vượt qua được “tha hóa” của mình, chúng ta vẫn phải chịu đựng các dạng cô đơn khác, đặc biệt là “thao thức”. Thao thức có lẽ là dạng cô đơn chúng ta ít nhận ra và ít hiểu biết nhất về nó. Như đã thấy, cô đơn lộ ra trong chúng ta, chính xác là bởi chúng ta, những con người, được dựng nên cho một tình yêu vô tận và một hiệp nhất vô hạn, do đó số phận của chúng ta là phải đi trên cuộc đời hữu hạn này với tâm tư lúc nào cũng bất mãn, đấu tranh và dằn vặt. Đó cũng là dạng đặc biệt nguy hiểm của cô đơn, thường làm tê liệt sinh lực sáng tạo hoặc đẩy chúng ta đi đến những hành động rồ dại.

Vậy làm sao để nắm vững được tâm trạng thao thức một cách sáng tạo? Cũng như trường hợp của tất cả các dạng cô đơn khác, chúng ta không có một giải pháp tức thời nào. Giải pháp sáng tạo cho việc này tùy thuộc vào sự phát triển các kiểu thức sống cụ thể có thể kìm hãm mãnh lực hung hãn tiềm tàng của cô đơn và biến chúng thành sinh lực sáng tạo. Làm sao để thực hiện được điều này? Bằng chính việc đưa “thao thức” của chúng ta vào chiều hướng của cô tịch sáng tạo.

Để làm được điều này, trước hết đòi hỏi chúng ta phải nhận biết, ở đời này, chúng ta không thể nào không thao thức. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc chấp nhận chúng ta là người lữ hành đi trên mặt đất này, số phận chúng ta là phần nào thao thức và bất toàn, sống trong một thế giới mà nơi đó tất cả mọi bản giao hưởng đều còn dang dở. Điểm khởi đầu này đóng vai trò then chốt vì chỉ khi chúng ta chấp nhận sự thật hiện sinh này, chúng ta mới có thể dừng lại để không bị quyến dụ qua các giải pháp giả tạo. Bao lâu chúng ta vẫn không chấp nhận thao thức là một phần không thay đổi của kiếp hiện sinh, thì chúng ta vẫn còn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp nào đó qua việc mải miết điên cuồng tìm các loại kinh nghiệm khác nhau. Chúng ta sẽ chè chén, tiệc tùng, gặp gỡ mọi người cho đến khi kiệt sức, mà sẽ chẳng bao giờ làm dịu đi ngọn lửa trong tâm hồn chúng ta. Thật vậy, khi mải mê tìm kiếm một trải nghiệm nào đó, phần lớn kết quả lại phản tác dụng, không xoa dịu được nỗi thao thức mà ngược lại, còn làm ngọn lửa thổi bùng và thiêu rụi chúng ta mạnh mẽ hơn. Cố để xoa dịu thao thức bằng việc tăng thêm cường độ và mức độ các giao tiếp cũng chính là hành động thêm dầu vào lửa.

Tuy nhiên, ý thức chúng ta có thể không bao giờ thắng vượt được thao thức trong đời này không có nghĩa là từ bỏ mình để sống theo phái khắc kỷ hay sống trong tuyệt vọng. ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể thắng vượt được tâm trạng thao thức, thậm chí ngay cả trong tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, không như giải pháp cho sự tha hóa, những giải pháp cho thao thức không mang tính hướng ngoại.

Chính xác thì nó là một định hướng ngược lại, định hướng của sự cô tịch. Để đi đến nắm giữ sự thao thức cách sáng tạo, mỗi người chúng ta phải thực hiện một cuộc lữ hành nội tại, để gặp gỡ chính mình và để gặp gỡ tình yêu và sự phong phú vô tận của Thiên Chúa ở trong chính hiện hữu của chúng ta.

Chúng ta thực hiện việc đi vào nội tâm này như thế nào? Nó phụ thuộc vào bốn điều: từ bỏ những kỳ vọng cứu rỗi sai lầm, đi vào nội tâm, đấu tranh lâu dài, và có một tâm tình cầu nguyện.

Từ bỏ những kỳ vọng cứu rỗi sai lầm

Một nhà hiền triết đã nói: “Cuộc lữ hành dài nhất bắt đầu với chỉ một bước chân.” Cuộc lữ hành nội tâm đến với cô tịch bắt đầu với chỉ một nhận thức, cụ thể là, nhận ra rằng không có giải pháp trọn vẹn và cuối cùng cho tâm trạng cô đơn trong cuộc đời này. Chúng ta được định là sẽ được cứu rỗi trọn vẹn, và không phải cô đơn, chỉ khi vương quốc mà Chúa Giêsu rao giảng đến trong viên mãn. Trong lúc chờ đợi, chúng ta  phải bỏ hết các nỗ lực tìm kiếm viên mãn cầu toàn dựa vào những giải pháp giả tạo và cục bộ. Chúng ta phải đối diện với chính nỗi cô đơn của mình, chấp nhận nó, không chạy trốn nó, không tiếp tục để cho nó thúc đẩy làm đủ thứ việc hao mòn sức lực, và phải biết dừng lại, không xem những giải pháp cho nỗi cô đơn chỉ nằm bên ngoài. Chúng ta phải cố gắng hết sức để không còn hành động điên cuồng và biết nhìn vào nội tâm để tìm câu trả lời. Cuộc lữ hành nội tâm hướng đến cô tịch bắt đầu với bước đầu tiên này.

Bước đầu tiên này không dễ dàng. Nội tâm chúng ta, theo nhiều kiểu khác nhau giống như mảnh đất hoang khô cằn không giọt nước. Tâm hồn và trí tuệ chúng ta như cơn gió sa mạc, nóng rát và cuồn cuộn thổi không ngừng nghỉ, không thương xót, thúc đẩy chúng ta làm một việc gì đó. Như chúng ta đã thấy, nỗi đau của việc ngưng hành động, đi vào trong đơn độc và thinh lặng tựa như cảm nghiệm sống trong luyện ngục.

Đi vào nội tâm

Một khi đã ngưng chạy trốn cô đơn, chúng ta phải thực hiện bước tiếp theo. Một mình, trong thinh lặng, với tất cả đau đớn đi kèm, chúng ta phải bắt đầu bước sâu vào nội tâm bỏng rát, khô cằn, không giọt nước trong hiện hữu của chính mình. Nếu thực hiện cách đúng đắn thì cuộc lữ hành đến tận cùng này sẽ làm cho chúng ta nối kết được với nước hằng sống mà Đức Kitô đã hứa ban. Nó sẽ làm cho chúng ta liên hệ với sự phong phú vô hạn của tình yêu vô tận. Hơn tất cả mọi thứ, điều này sẽ giúp xoa dịu ngọn lửa cô đơn trong lòng chúng ta. Không có một hành động hướng ngoại nào có thể cho chúng ta được điều đó, vì điều cần thiết để xoa dịu ngọn lửa thao thức đối với sự vô tận chính là mạch nguồn nội tại của chúng ta, nơi nhận lãnh nguồn nước vô tận.

Cụ thể là chúng ta phải làm gì? Ngắn gọn là, mỗi người chúng ta phải đi vào nội tâm sâu thẳm của mình. Đặc biệt những lúc cảm thấy thao thức hằn sâu nhất, phải dừng lại những hành động hướng ngoại và đi vào thinh lặng, thinh lặng đủ lâu cho đến khi cảm nhận thanh thản trong chính thinh lặng và tĩnh mịch. Một khi cảm thấy thanh thản trong thinh lặng tĩnh mịch, chúng ta sẽ bắt đầu lữ hành đến với cô tịch, đến gặp gỡ với vô tận trong tâm hồn sâu thẳm của mình. Tuy vậy, ngay khi chúng ta có hành vi hướng ngoại lại, chắc chắn (và hầu như lúc nào cũng rất nhanh chóng) chúng ta sẽ đánh mất một phần nào hoặc tất cả bình yên mà chúng ta đã cảm nghiệm được trong tĩnh mịch. Lúc đó chúng ta cần trở lại với thinh lặng. Chúng ta sẽ còn phải bắt đầu đi bắt đầu lại việc này rất nhiều lần! Nhưng nếu bền chí đến cùng, thao luyện này sẽ cho chúng ta một mức độ cô tịch đủ để truyền dẫn cách sáng tạo các sức mạnh thao thức trong mình, để rồi chúng ta có thể bình yên chung sống với thao thức đó.

Tuy nhiên phải phân biệt rõ ràng việc tìm kiếm cô tịch này với những kiểu trốn tránh không lành mạnh. Một tiêu chuẩn nhận thức có thể dùng để phân biệt tâm trạng cô tịch lành mạnh với một sự trốn tránh không lành mạnh, đó là tâm trạng cô tịch lành mạnh hướng đương sự đến một tình thấu cảm cao cả, biết quan tâm đến người khác, biết gắn kết mình với thế giới, trong khi sự trốn tránh không lành mạnh dẫn chúng ta tới việc xem mình là trung tâm, lãnh đạm và huyễn hoặc nhiều hơn.

Cũng vậy biến chuyển đi vào cô tịch được hoàn thành tốt nhất khi nó cũng là bước chuyển đi vào cầu nguyện trong sáng. Tuy nhiên nếu chưa được lý tưởng, thì nếu chúng ta thường xuyên làm cho các hành động hướng ngoại có một không gian nghỉ ngơi và chính mình cũng có tâm trạng bình an và tĩnh mịch, ở lại trong thinh lặng cho đến khi cảm thấy thoải mái, thì chỉ việc đó thôi cũng đã giúp chúng ta đương đầu với tâm trạng thao thức rất nhiều. Không kể đến những phương cách tôn giáo, thì một trong những cách tốt nhất để đương đầu với mệt mỏi căng thẳng tinh thần trong thời đại tốc độ này chính là việc dành một ít thì giờ mỗi ngày để ở trong thinh lặng hoàn toàn.

Tuy nhiên, chúng ta không thể thực hiện cuộc lữ hành này cách nhanh chóng. Để bước vào cô tịch đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và chú tâm. Tâm hồn chúng ta, thật sự là tất cả tâm hồn nhân loại, là mầu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể thâm nhập vào đó với lòng tôn kính. Chúng ta biết khi có tương quan với ai đó, chúng ta phải cẩn thận để không bao giờ xâm phạm tự do của họ. Phải luôn đứng trước họ với lòng kiên nhẫn, tôn trọng tự do nội tâm và thiên hướng của họ. Khi liên hệ với người khác, chúng ta nên khuyến khích, thách thức, và thậm chí nên nhẹ nhàng kích động họ đôi chút, nhưng không bao giờ đẩy họ quá mạnh. Chúng ta phải tôn trọng tâm hồn con người như một mầu nhiệm. Triết gia Pascal đã nói rất đúng, tâm hồn có những lý lẽ mà lý trí không thể biết được. Vì thế, khi liên hệ đến tâm hồn con người, chúng ta không được dùng những cách thức nặng nề, những từ nặng lời, và những kết luận định kiến. Phải để cho những nút rối nút vò, những căng thẳng và bứt rứt tự nó thoát ra từ từ. Chúng ta luôn luôn cần phải kiên nhẫn và tôn trọng thật nhiều.

Và đây chính là điểm then chốt cần nhớ khi cố gắng đi trên con đường lữ hành nội tâm hướng đến nơi chốn thâm sâu là tâm hồn chúng ta. Cũng như khi chúng ta thô bạo với người khác, công kích tâm hồn họ cách thiếu trách nhiệm, không tôn trọng và tôn kính đúng mực, thì chúng ta cũng có thể thô bạo và làm hại chính mình khi đi vào nội tâm mà thiếu lòng tôn trọng và kiên nhẫn cho đủ. Tâm hồn chúng ta, cũng như của người khác, là những gì mềm yếu và mỏng manh, là mầu nhiệm cần giữ trong tinh thần tôn kính. Nó cũng có những nút rối vò, những lý lẽ mà trí tuệ không phải lúc nào cũng hiểu được. Do đó, phải có đủ kiên nhẫn và tôn trọng để có lúc phải dừng lại cho những nút rối vò tự tháo ra theo thiên hướng nội tại của chính nó. Không dễ để làm được vậy, vì trong cuộc lữ hành nội tâm cũng như trong các chuyện khác, chúng ta lúc nào cũng muốn có kết quả thật nhanh. Chúng ta khó chờ thời điểm đúng lúc. Tuy vậy, cũng như đối với mọi trưởng thành nhân tính, không thể cưỡng bách kết quả. Chúng ta phải có đủ kiên nhẫn để tôn trọng nhịp hoạt động tự nhiên. Không có đường tắt để đi đến cô tịch.

Đấu tranh lâu dài

Biến chuyển từ thao thức đến cô tịch, hay cuộc lữ hành nội tâm, không bao giờ đạt được hoàn toàn, không bao giờ đạt được một lần là đủ cho mãi mãi. Cô tịch là một điều mà chúng ta sống để hướng tới nhưng không bao giờ nắm bắt trọn vẹn. Như Henri Nouwen đã nói, “Thế giới không chia thành hai loại người, cô đơn và cô tịch”.2 Đúng hơn, trong cuộc đời, chúng ta dao động giữa hai thái cực, dao động từng giờ, từng tuần, từng năm. Đôi khi chúng ta bình yên hơn trong cô tịch, đôi khi chúng ta thao thức hơn. Nhưng trong bản thân, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự khác nhau rõ rệt giữa cô đơn và cô tịch. Sự khác biệt đó là gì? Đó là khác biệt giữa việc sống trong tự do hơn là dưới tác động của xúc năng; thanh thản hơn là bồn chồn; kiên nhẫn hơn là nóng vội; hướng nội hơn là hướng ngoại mê cuồng; vị tha hơn là tham lam; tình bằng hữu chân thật hơn là bám víu chiếm hữu; và thấu cảm hơn là lãnh đạm.3

Chúng ta biết chúng ta đang đi vào sự cô tịch khi cảm nhận được mình ít bị tác động của xúc năng và ít bị điều khiển, ít thao thức và mê cuồng, ít tham lam và chiếm hữu hơn. Và có lẽ lần đầu tiên trong đời, chúng ta sẽ thật sự cảm thấy tự do.

Cầu nguyện tâm tình

Để vỗ về thao thức của mình, chúng ta còn phải dựa vào cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện tâm tình.

Một định nghĩa cổ điển nói rằng cầu nguyện là “nâng tâm trí và tâm hồn lên với Chúa.” Định nghĩa đó thật tuyệt, nhưng thường thường vấn đề là ở chỗ chúng ta không làm được như vậy. Chúng ta nâng tâm trí lên với Chúa, còn tâm hồn thì không. Chúng ta cầu nguyện vì bổn phận hay để có một nhận thức thấu suốt hoặc tìm tĩnh lặng, nhưng không cầu nguyện để cảm nghiệm được thân tình, để quả tim được chạm đến, được xoa dịu.

Nhưng đó lại là chức năng chính của cầu nguyện, đưa chúng ta vào trong tình mật thiết có thể xoa dịu và làm an bình nội tâm, cũng như một cuộc làm tình chân thực, nó cũng có tác dụng an ủi tâm hồn. Nhưng để được như vậy, chúng ta cần một dạng cầu nguyện đặc biệt.

Trong Phúc âm thánh Gioan, lời đầu tiên Chúa Giêsu nói là một câu hỏi: “Các anh tìm gì?” Ngay từ đầu Phúc âm, Chúa Giêsu đưa ra câu hỏi, và cây trả lời chỉ xuất hiện ở cuối. Câu trả lời là gì? Điều tận cùng chúng ta tìm kiếm là gì?

Câu trả lời là câu nói duy nhất Chúa Giêsu đã nói với bà Maria Madalena vào rạng ngày Phục Sinh, khi bà đi tìm để xức dầu cho xác của Ngài. Vào buổi sáng ngày Chúa sống lại, Maria đến và tìm xem xác Người ở đâu. Bà đã gặp Ngài, nhưng lại không nhận ra mà nghĩ Ngài là người làm vườn. Chúa Giêsu chào bà và lặp lại câu hỏi mà Ngài đã nói lúc khởi đầu Tin mừng: “Bà tìm gì?” Rồi sau đó Ngài cho bà câu trả lời: “Maria!” Ngài yêu dấu gọi tên bà.

Cho tới cùng, đó là điều chúng ta đang tìm kiếm và cần nhất. Chúng ta cần được nghe tiếng Chúa, một tiếng tâm tình, nói với từng người, gọi tên từng người: “Tâm!” “Thảo!” “Lan!” “Dũng!”… Không có gì chữa lành nỗi thao thức chúng ta bằng tiếng nói của Thiên Chúa, vang lên trong sâu thẳm tâm hồn, gọi tên từng người, rồi nói: “Ta yêu mến con!”

Hai năm trước, tôi có đi dự một cuộc tĩnh tâm. Vị hướng dẫn là một người rất có kinh nghiệm, ông bắt đầu bài hướng dẫn đơn giản như sau: “Trong suốt tuần này, tất cả những gì tôi dự định làm là dạy cách bạn cầu nguyện sao cho các bạn có thể mở lòng mình ra theo cách để một lúc nào đó – có lẽ không phải hôm nay, nhưng một lúc nào đó – bạn sẽ nghe thấy Thiên Chúa nói với bạn, “Ta yêu mến con!” Vì trước khi điều này xảy ra, chẳng có gì là hoàn toàn đúng với bạn, nhưng sau khi có được điều này, tất cả mọi sự sẽ đúng với bạn.”

Căn bản những lời này là đơn giản, nhưng ý nghĩa lại không đơn giản. Chúng nói lên một sự thật sâu sắc và không bóp méo được. Cho đến khi chúng ta nghe được bằng cách nào đó, từ thâm sâu cốt lõi hiện hữu của mình, tiếng Thiên Chúa gọi tên chúng ta trong yêu dấu, thì lúc đó, chúng ta mới hết thao thức triền miên, hết chạy theo bất kỳ dạng cảm nghiệm nào với hy vọng nó mang đến bình an trọn vẹn cho mình. Đến tận cùng, chỉ có một điều có thể mang đến bình an toàn vẹn, chỉ có một điều có thể xoa dịu nỗi đau bất trị của thao thức: đó là tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa. Vòng tay yêu dấu của Thiên Chúa còn sâu đậm hơn cái ôm tính dục. Chỉ có độc nhất điều đó mới có thể xoa dịu nỗi thao thức của chúng ta

Nắm vững “Huyễn hoặc”: Tìm kiếm Sự thật

Chúng ta sẽ bớt cô đơn hơn khi chúng ta làm giảm cách biệt giữa những huyễn hoặc chúng ta có về thực tế và thế giới thật. Làm sao để giảm bớt sự bất tương đồng này? Bằng cầu nguyện. Chúng ta sẽ sống cuộc sống thực tại tốt hơn khi để cho cầu nguyện có tiếng nói cho những huyễn hoặc của chúng ta.

Đơn giản, tiến trình đó như thế này: Cầu nguyện làm cho chúng ta liên hệ sâu sắc hơn với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa là Đấng định hình hiện thực sâu đậm nhất, nên càng hòa hợp với tư tưởng của Thiên Chúa, chúng ta càng hòa hợp với thực tại. Cầu nguyện phá tan huyễn hoặc. Để hiểu rõ điều này tôi dùng một ví dụ tương tự. Một bức tượng được định hình chính xác là do người sáng tạo ra nó. Theo đó, nếu muốn hiểu cho trọn bức tượng, chúng ta phải biết đôi điều về ý định của nghệ nhân. Càng hiểu ý định, chúng ta càng hiểu chính xác bức tượng. Giống như vậy, nếu muốn hiểu được hiện thực, chúng ta phải hiểu ý định của Thiên Chúa, nghệ nhân tạo thành hình tượng đặc biệt này. Càng biết về tư tưởng của Thiên Chúa, chúng ta càng hiểu chính xác hơn về thực tại. Qua việc cầu nguyện, chúng ta nhận thức được tư tưởng và ý định của Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện sẽ dẫn chúng ta vào mối dây liên kết với nhận thức sâu sắc nhất về hiện thực. Chính việc cầu nguyện trao cho chúng ta cơ hội thắng vượt huyễn hoặc để đạt tới sự thật. Sống trong sự thật sẽ làm cho chúng ta vơi bớt cô đơn.

Bởi vậy, một mặt, Chúa Giêsu là người kiên vững nhất trên thế gian này. Tình mật thiết của Ngài với Chúa Cha đã không cho bất kỳ huyễn hoặc không lành mạnh nào lớn lên trong Ngài. Những năm tháng dài cầu nguyện không đơn thuần để Ngài chìm trong cô tịch sáng tạo; mà xua tan tất cả mọi huyễn hoặc và bất thực khỏi sự tự nhận thức và khỏi nhận thức của Ngài về thế giới này. Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu không chỉ biết Thiên Chúa, mà còn biết chính Ngài và thế giới. Và đương nhiên Ngài biết chân lý. Nhưng thật oái oăm, Ngài giữ thinh lặng khi Philato hỏi Ngài về ý nghĩa của chân lý.

Cầu nguyện là con đường để thoát khỏi huyễn hoặc tha hóa của chúng ta. Tuy nhiên, kiểu cầu nguyện đưa chúng ta đến với chân lý sâu đậm không ở dạng cầu nguyện hình thức, các lời cầu nguyện dài mạch lạc, suy niệm, chiêm niệm, Kinh Lạy Cha, lần hạt, và những dạng cầu nguyện phụng vụ khác. Các lời cầu nguyện này rõ ràng có một vai trò quan trọng giúp chúng ta đến với sự thật. Nhưng ý nghĩa của việc cầu nguyện còn rộng lớn hơn thế. Thiên Chúa nói với chúng ta ở mọi nơi. Chúng ta cũng vậy, cầu nguyện ở mọi nơi, khi đọc và học hỏi kinh thánh, khi học giáo lý Kitô căn bản, khi học về quan điểm của những người thông thái trong lịch sử, khi lắng nghe ý kiến của người thân cận, khi đọc ra lời Thiên Chúa trong các sự kiện thế tục, và khi lắng nghe sự khôn ngoan chân thực trong khoa học và nghệ thuật. Khi Ngài nói với chúng ta qua tất cả những điều này, chúng ta phải để Thiên Chúa đưa chúng ta ra khỏi huyễn hoặc và ảo tưởng. Khi lắng nghe Thiên Chúa qua cầu nguyện, chúng ta sẽ tháo bỏ được nhiều nỗi cô đơn gây nên bởi huyễn hoặc của chính mình.

Cũng như tất cả những biến chuyển khác để thoát nỗi cô đơn, biến chuyển từ huyễn hoặc để có một đời sống thực tế hơn là việc làm lâu dài. Không có cách thức nào có được kết quả đầu hôm sớm mai, nó chỉ có được sau nhiều giờ, nhiều tháng nhiều năm kiên nhẫn và đấu tranh. Hy vọng khi lớn hơn, chúng ta sẽ khôn ngoan hơn và bớt cô đơn hơn, khi chúng ta biết để cho cầu nguyện dần dần làm xóa tan huyễn hoặc để có thể sống với hiện thực

Nắm vững “Khủng hoảng tâm lý”: Kiếm tìm một Giải pháp riêng biệt tùy tình thế

Trong những dạng khác nhau của tâm trạng cô đơn, chúng ta thấy có tình trạng suy thoái tâm sinh lý. Như chúng ta biết, tình trạng suy thoái thay đổi theo cường độ và mức độ nặng nhẹ, từ khủng hoảng lâm sàng hoàn toàn, cần đến sự can thiệp chuyên ngành đến những nỗi buồn chớm nở mà chúng ta gọi là buồn chán, có thể tác hại lên chúng ta vì bất cứ nguyên do gì, ngay cả chẳng có nguyên do nào.

Nói chung tình trạng suy thoái thường chóng qua, và thường gây ra do một vài nguyên do rất đặc biệt; người thân yêu chết, mỏi mệt thể lý và tâm lý quá mức, thời kỳ mãn kinh, bệnh tật thể lý, hay một ngày mưa tầm tã. Dạng cô đơn này ít có chiều kích thần học hơn những dạng khác. Nhưng nó vẫn là một dạng cô đơn quan trọng, gây nhiều đau đớn, và không thể bỏ qua, một vài gợi ý sáng tạo để giải quyết khủng hoảng nên lấy từ phạm vi tâm thần học, tâm lý học, y học và quan niệm chung hơn là từ bất kỳ môn thần học riêng biệt nào. Vì thế, ở đây, tôi chỉ nói một vài điều nhỏ nhặt về sự khủng hoảng.

Không giống như các dạng cô đơn khác, những dạng mà chúng ta có thể nắm vững cách sáng tạo bằng một định hướng rõ ràng cụ thể, dạng suy thoái tâm lý cần nhờ đến một liệu pháp chuyên ngành cho tình trạng này. Chúng ta không thể lên công thức một linh đạo về sự khủng hoảng vì lý do của chúng quá đa dạng. Để có được giải pháp sáng tạo cho cơn khủng hoảng, chúng ta phải dựa trên rất nhiều thứ khác nhau, tất nhiên, là dựa trên những nguyên do gây nên các loại buồn chán đặc biệt này. Đôi khi, điều cần làm đơn giản chỉ là lòng kiên nhẫn, với thời gian nỗi đau sẽ qua đi. Hoặc có thể chúng ta cần một thời gian nghỉ ngơi, một trợ giúp y khoa, trợ giúp về tâm thần hay tư vấn tâm lý. Cũng có thể chúng ta cần đọc một quyển sách cho chúng ta tự nhận thức sâu sắc hơn, hay cũng có thể chúng ta chỉ cần một buổi tắm hơi, một đêm vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Có rất nhiều nguyên do gây khủng hoảng. Vì thế có nhiều cách tiếp cận khác nhau để nắm vững nó cách sáng tạo

Hướng đến một giải pháp cuối cùng: Tìm một cộng đoàn sự sống

Khi phân tích về tâm trạng cô đơn của con người, chúng ta thấy được rằng theo nhận thức Kitô giáo, cô đơn có thể được giải quyết phần nào khi chúng ta còn ở dương thế. Phía bên này của thiên đàng, chúng ta chỉ là người lữ hành, thực hiện cuộc hành hương đến điều có thể lấp đầy hố thẳm vô tận trong tâm hồn và tâm trí chúng ta, cụ thể là thông hiệp tất cả nên một thân thể với Thiên Chúa và với tha nhân. Chỉ khi chúng ta trọn vẹn trở nên một phần của thông hiệp sự sống này, thì lúc đó chúng mới hoàn hoàn toàn hết cô đơn.

Tuy nhiên cảm giác thống nhất trong thông hiệp đời sống này phần nào đã là hiện thực. Là thành phần của nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta đã ở trong thông hiệp đó rồi. Qua đức tin và hy vọng, chúng ta đã ở trong thông hiệp sự sống với Thiên Chúa, và qua đức ái, chúng ta đã ở trong thông hiệp sự sống với tha nhân. Đến lúc chúng ta đã được dự phần vào thông hiệp sự sống này, thì chúng ta đã đi đến và đạt được giải pháp cuối cùng cho tâm trạng cô đơn của mình.

Chính Chúa Giêsu cũng có nỗi cô đơn như chúng ta vào đêm cuối trước khi tử nạn, Ngài gọi các môn đệ lại quanh bàn. Chính ở đây, Ngài cho chúng ta khả thể về một giải pháp tối hậu cho tâm trạng cô đơn của mình.

Đó là một đêm thứ năm đen tối lạnh lẽo

Một con người đang ngã lòng

Ngã lòng vô cùng kinh khiếp

Người nhìn lại những lao công, những thành tín

Và thấy chăng chỉ còn thất bại cùng tàn dương.

Vào đêm thứ năm đen tối đó

Một con người ngồi đó

Trong đơn độc, trong cô độc, và sợ hãi.

Giữa đêm đen, Người đổ máu đào

Máu của cô đơn,

Cô đơn của toàn nhân loại

Vào đêm thứ năm đen tối đó

Một con người nhìn vào nỗi cô đơn và

Người mong ước chữa lành

Người mong mỏi dẫn đưa tất cả về hiệp nhất

Về Thông hiệp,

Và thoát khỏi đơn độc khốn cùng

Đơn độc làm con người xa hơi ấm và sự sống.

Vào đêm thứ năm đen tối đó

Một con người đổ máu,

Máu đổ trên thân xác và trong tâm hồn

Người đổ máu trong bóng tối

Người đổ máu trong cô đơn

Và rồi..

Vào đêm thứ năm đen tối đó

Một con người cầm lấy bánh và rượu, và nói:

“Này là mình Ta, này là máu Ta

Hãy gặp nhau thường xuyên

Hãy ăn bánh này, uống chén này,

Và khi làm như thế, có Ta ở đó, và …”

Cũng trong đêm thứ năm đen tối đó,

Ta sẽ dẫn các ngươi ra khỏi sợ hãi và cô đơn

Ra khỏi phân ly và tăm tối

Vào trong Sự thông hiệp

Vào trong cộng đoàn nồng hậu và sự sống

Với Thiên Chúa và với tha nhân”

Trong đêm thứ năm đen tối đó,

Khi mặt trời đã lặn khuất xa

Và hy vọng và hơi ấm đã tàn dần đi mất

Khi bóng tối của cô đơn dường như áp chế mặt đất

Chúng ta được ban tặng, tặng vật từ Thiên Chúa,

Được ban tặng, khả thể của một Thông hiệp.

J.B. Thái Hòa dịch

Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (1/8)