Lời mời gọi đến với cái cao đẹp hơn

 

 

 

 

 

Ronald Rolheiser, 2021-03-01

Năm 1986, tiểu thuyết gia người Czech, Ivan Klima, đã xuất bản một loạt bài tự thuật với tựa đề, Những mối tình đầu của tôi (My First Loves). Những bài này mô tả một số đấu tranh đạo đức khi ông còn là thanh niên theo thuyết bất khả tri đang tìm kiếm câu trả lời mà không có một khung luân lý rõ ràng để tạo khuôn khổ cho những đấu tranh đó. Thời đó, ông là một thanh niên đầy đam mê tình dục nhưng ngập ngừng không dám hăng hái về tình dục, mà thời đó, những người đồng lứa với ông dường như chẳng dè dặt đến thế. Đến giờ ông vẫn sống độc thân, nhưng không rõ vì sao, chắc chắn không phải vì lý do tôn giáo rồi, vì ông là người theo thuyết bất khả tri. Tại sao ông lại sống như vậy? Ông đang sống có trách nhiệm hay đơn giản chỉ là ông quá căng thẳng và thiếu táo bạo?

Ông cũng không chắc và đã tự hỏi mình: nếu tôi chết và có Thiên Chúa rồi tôi gặp Thiên Chúa, thì Ngài sẽ nói gì với tôi? Thiên Chúa có trừng phạt tôi vì đã căng thẳng hay Ngài sẽ khen ngợi tôi vì đã đưa sự cô tịch của mình lên một tầm cao hơn? Thiên Chúa sẽ thất vọng về tôi hay sẽ chúc mừng tôi vì đã đi hành trình cuộc đời mà không cần sự khuây khỏa?

Khi viết quyển sách này, Klima chẳng biết câu trả lời cho câu hỏi đó. Ông không chắc Thiên Chúa sẽ nói gì với ông và liệu có lúc nào Thiên Chúa mỉm cười hoặc cau mày về ông không. Dù câu trả lời có thế nào, tôi nghĩ rằng ở đây có một bài học học sâu sắc, là cách Klima tạo khuôn khổ cho lựa chọn luân lý của mình. Với ông, đây không phải là vấn đề phạm tội hay không, nhưng là vấn đề xử lý sự cô tịch và căng thẳng sao cho tạo nên sự cao đẹp của linh hồn. Mới nhìn qua, dĩ nhiên, nó có vẻ là một việc vị kỷ, bởi vì cố gắng trở nên đặc biệt cũng có thể tạo nên một sự kiêu ngạo đầy tính phán xét. Tuy nhiên, sự cao đẹp thật sự của linh hồn không phải là thứ nỗ lực vì bản thân nó, nhưng là một thứ nỗ lực vì sự tốt đẹp của tha nhân. Một người cao đẹp không cố trở nên tốt đẹp để tách tầm bản thân so với người khác. Một người cao đẹp thì cố gắng sống tốt để tạo nên một ngọn hải đăng dẫn đường cho sự ổn định, tôn trọng, nhân hậu và khiết tịnh cho những người khác.

Tôi tin rằng, đây có thể là xuất phát điểm thứ hai cho thần học luân lý và linh đạo luân lý. Xuất phát điểm đầu tiên dĩ nhiên là căn bản hơn. Nó tập trung vào việc giữ Mười Điều răn, và hầu hết bắt đầu với một lời cảnh báo tiêu cực “ngươi chớ…” Ở mức độ căn bản, thần học luân lý và linh đạo luân lý rất đồng nhất với đạo đức học, là xác định đúng sai, có tội hay không có tội. Tuy nhiên, giữ Mười Điều răn và xác định cái gì có tội hoặc không, dù là một nỗ lực quan trọng tiên quyết và không thể du di, nhưng chỉ là căn cứ thiết yếu cho thần học và linh đạo luân lý mà thôi, hệt như số học căn bản là căn cứ thiết yếu cho toán học cao cấp vậy. Khi đã đạt được căn cứ thiết yếu đó, thì nhiệm vụ thật sự mới bắt đầu, là đấu tranh để nhân hậu hơn, là mặc lấy trái tim của Chúa Kitô, là trở thành một thánh nhân để tạo một thế giới tốt đẹp hơn cho tha nhân.

Cho tôi mạo muội đưa ra một ví dụ trần tục để minh họa điều này. Lúc tôi là chủng sinh học về thần học luân lý, một hôm nọ chúng tôi được kiểm tra với những câu hỏi khác nhau về luân lý tình dục. Có câu hỏi rằng thủ dâm có tội hay không có tội. Nó có phải là rối loạn cố hữu hay không? Nó là tội trọng hay chỉ là tội rất nhẹ? Chúng ta có thể nói gì về vấn đề này về mặt đạo đức?

Sau khi cân nhắc các ý kiến khác nhau của các học viên, giáo sư đã trả lời rằng: “Tôi không nghĩ vấn đề quan trọng là liệu hành động này có phải là tội hay không. Có một cách tốt hơn để tạo khuôn khổ cho nó. Ý kiến của tôi về vấn đề này như sau: Tôi không đồng ý với ai nói đây là tội nặng, nhưng cũng không đồng ý với ai nói rằng chuyện này chẳng có vấn đề gì về đạo đức. Vấn đề ở đây không hẳn là chuyện nó có phải là tội hay không, mà là vấn đề, chúng ta muốn xử lý sự căng thẳng này ở mức độ nào, theo kiểu thỏa hiệp hay theo kiểu anh hùng. Trước vấn đề này, tôi cần tự vấn rằng, tôi muốn thực hiện sự cô tịch ở mức độ nào? Linh hồn tôi có thể cao đẹp đến mức nào? Tôi có thể chấp nhận xử lý sự căng thẳng này để tạo nên một cộng đoàn trong sạch hơn trong thân thể Chúa Kitô hay không?”

Ở mức độ thứ hai này, thần học và linh đạo luân lý không còn là mệnh lệnh mà là một lời mời, mời gọi chúng ta đến với sự cao đẹp hơn nữa của linh hồn vì thế giới này. Tôi có thể nhân hậu hơn không? Tôi có thể bớt nhỏ nhen không? Tôi có thể chịu đựng sự căng thẳng mà không xoa dịu nó? Tôi có thể tha thứ nhiều hơn không? Tôi có thể yêu thương một người khác biệt với tôi về tính khí và hệ tư tưởng không? Tôi có thể làm thánh không?  Các thánh không nghĩ nhiều về chuyện việc gì là tội và việc gì không. Đúng hơn, các ngài nghĩ: việc gì yêu thương hơn? Việc gì cao thượng hơn và việc gì nhỏ nhen hơn?  Việc gì phục vụ thế giới tốt hơn?

Trong Tin mừng nhất lãm, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng bằng từ “Metanoia”, một từ ngụ ý rộng hơn nhiều so với bản dịch “sám hối”. Metanoia là một lời mời gọi chúng ta hãy có một ý thức cao hơn, một tấm lòng cao thượng hơn, bỏ đi những hoang tưởng, nhỏ nhen và tự đại.

J.B. Thái Hòa dịch

 

.