Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (8/8)


Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (8/8)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Vậy vì sao đến với Giáo hội?

Trong bầu khí phản giáo hội hiện nay, không có linh đạo nào của giáo hội được gọi là hoàn hảo mà không đặt câu hỏi cho vấn đề: “Tại sao đến với giáo hội?”

Thật vậy, tại sao đi nhà thờ? Cái gì biện hộ cho lẽ sống của bạn khi bạn đến với giáo hội? Bạn sẽ nói gì với bạn bè, ngay cả với con cái bạn, những người không còn đến nhà thờ nhưng thắc mắc vì sao bạn vẫn còn đi? Nếu bạn không đi nhà thờ vì sao bạn nghĩ bạn phải nên đi?

Các lý do đưa ra ở đây vừa có tính cách đức tin và cá nhân, vừa có tính cách thần học và khách quan. Hơn nữa, chúng duy lý hơn là xúc cảm, hy vọng có được sự tôn trọng về trí thức hơn là thông cảm về mặt cảm xúc. Những gì đang nói ra không phải là các lý do tại sao bạn muốn đi nhà thờ nhưng tại sao bạn nên đi; nhưng không nhất thiết đó là điều xấu. Một châm ngôn triết học xưa nói rằng tình yêu theo sau kiến thức, có nghĩa là con tim cần có trí khôn, có nghĩa là chúng ta có thể từ mình suy nghĩ để đi vào một con đường cảm xúc khác. Kinh Thánh khẳng định điều tương tự khi nói rằng nếu không có trí khôn thì con người sẽ diệt vong.

Đây chỉ là một cách nhìn, lý do đi nhà thờ và tự cam kết đặt mình vào một giao ước không thối lui với một nhóm những con người còn thiếu sót, đồng ý cùng đi với họ suốt đời? Đâu là lý do nên đến với giáo hội?

Hầu hết các lý do đã được chỉ ra, cho thấy cách này cách khác trong những trang trước. Như vậy, chúng ta sẽ định danh hơn là giải thích các nỗ lực. Do đó, bất kể bầu khí phản giáo hội (và phản lại những gì nên làm) hiện nay, tôi phải đến với giáo hội vì những lý do:

  1. Vì ở một mình thì không tốt

Theo tự nhiên, bản chất con người mang tính xã hội. Là người nghĩa là cùng với người khác. Chúng ta mở mắt ra để nhận thức mình không phải là một cái tôi cô độc mà là một người giữa nhiều người. Khi Kinh Thánh nói, “ở một mình không tốt,” là muốn nói đến tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ con ở mọi thời. Triết gia Sartre đã từng nói, địa ngục không phải là tha nhân, nhưng ngược lại. Cuộc đi tìm Chúa của chúng ta phải tương hợp với bản chất chúng ta. Do đó, việc đi tìm này, phải có một phần không khoan nhượng, một chiều kích xã hội chung. Hội thánh, giáo hội, theo định nghĩa chính xác, là đến với Chúa qua cộng đoàn. Cố gắng để biến linh đạo thành một nỗ lực riêng tư là chối bỏ một phần bản chất tự nhiên tối cùng của chúng ta và bước vào con đường cô độc mà chính Thiên Chúa đã lên án.

  1. Đứng đúng chỗ khiêm hạ của tôi trong gia đình nhân loại

Có ba giai đoạn chính trong đời sống. Mỗi lứa tuổi khác nhau có những con đường giáo dục khác nhau. Tâm lý học hiện đại nói về quá trình của việc cá tính hóa và những gì tồn tại trước và sau nó. Ông Gióp, hiền nhân khôn ngoan sách Cựu ước nói về hai loại trần truồng (“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.”21 và những gì giữa hai điều này. Về cơ bản cả hai, hiện đại và lâu đời đều dạy:

Giai đoạn đầu của đời sống là sinh ra. Chúng ta được sinh ra từ lòng mẹ, tự nhiên, trần truồng và bất lực, giống hạt mầm đúng hơn là giống cây, bản thân chưa làm gì được và không khác biệt với người khác. Ở giai đoạn này, còn ngữi mùi vị của lòng đất và lòng mẹ, chúng ta còn nối kết cách ban sơ với gia đình nhân loại. Chúng ta khiêm hạ.

Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn thứ hai – tự tẩy sạch hương vị lòng đất, mặc áo quần, tích lũy, phân biệt, chia rẽ, hành động theo thực tế. Chúng ta dùng những năm đầu đời, và nếu như không thực sự trưởng thành thì sẽ dùng nhiều năm sau nữa, để nhận định chính mình, để đặt mình tách khỏi người khác, để tích lũy, thành công, tạo nên một sự yên ổn riêng tư cho bản thân. Đặc nét của giai đoạn này là việc tách rời và mặc áo cho chúng ta (theo như lời của Gióp). Đối với phần đầu của đời sống, thì đây là một điều lành mạnh.

Nhưng đến khi trưởng thành, chúng ta còn một đòi hỏi khác, không chỉ bởi Thiên Chúa mà còn bởi tự nhiên. Trách vụ của chúng ta không còn là cố gắng để nổi bật lên mà là để hòa nhập vào – để trở lại cộng đồng, để bỏ đi sự riêng biệt của chúng ta, để không đứng ngòai rìa, để trở nên trần trụi lần nữa. Đây là ý nghĩa thực sự của khiêm ha, đã mô tả một cách hoàn hảo, điều chứa đựng trong đòi hỏi tối hậu là chúng ta nhận lấy chỗ đứng của mình trong gia đình nhân loại. Là người, rốt cùng là làm một phần của nhóm, trần trụi và không đặc nét.

Nhưng làm sao để đạt được điều này? Cộng đồng cụ thể nào có thể cho chúng ta một chỗ để chúng ta hòa nhập vào đó? Gia đình huyết tộc có thể cho, nhưng nó quá hẹp và riêng biệt để có thể đồng nhất trọn vẹn chúng ta với nhân loại. Nhân loại như một gia đình thì có thể bao trọn nhưng lại quá trừu tượng. Giáo hội – nhiều quyền hạn hơn gia đình huyết tộc, ít trừu tượng hơn nhân loại – cho chúng ta nơi đó. Giáo hội là nơi chọn lọc để chúng ta chết.

Gia nhập giáo hội là lớn lên trong chọn lọc. Đó vừa là trở ngại lớn nhất cũng như lợi ích lớn nhất cho việc tham dự vào giáo hội.

  1. Vì Thiên Chúa gọi tôi đến đó

Thần Khí không phải là một mẫu sở hữu riêng tư, cũng không phải là tiếng gọi của Chúa. Thiên Chúa trong đạo Kitôâ và Do Thái rất rõ ràng. Linh đạo không phải là một thăm dò riêng tư cho những gì cao nhất trong chính mình, nhưng là cùng nhau đi tìm khuôn mặt của Chúa. Thiên Chúa gọi mời hai điều: Thờ phượng Ngài và kết nối với nhân loại. Có hai điều răn lớn và quan trọng ngang nhau:  Kính Chúa và yêu người. Không có linh đạo Kitô đích thực nào có thể tách rời khỏi tính giáo hội. Liên hệ với Đức Kitôâ là liên hệ với giáo hội.

  1. Để xua tan đi ảo tưởng về bản thân.

Rời cộng đoàn giáo hội, thực tế và lịch sử, dù giáo hội có sai lầm, chúng ta sẽ dễ hướng đến một cuộc sống lánh mặt, biến tôn giáo thành ảo tưởng chúng ta có thể chọn lựa để chia sẻ với ai có cùng suy nghĩ, với người chẳng bao giờ đối đầu với chúng ta trong những điều chúng ta cần thách thức nhất. Các giáo hội thường thỏa hiệp, nhơ uế tội lỗi, nhưng, cũng như gia đình huyết tộc chúng ta, giáo hội có thực. Với sự hiện diện của những người thường xuyên chia sẻ cuộc sống với chúng ta, chúng ta không thể lừa dối, đặc biệt lừa dối chính mình, lừa dối bản thân trong suy nghĩ chúng ta rộng lượng và cao quý. Trong cộng đồng, sự thật nổi bật lên, còn ảo tưởng thì bị xua tan đi. Không can hệ đến giáo hội vì các sai lầm tội lỗi của giáo hội là một điều duy lý rất lớn. Điều đau khổ không phải là giáo hội bất toàn, nhưng là ảo tưởng tự cho mình tốt, một điều mà chúng ta sẽ hiển nhiên thấy một cách đau đớn khi va chạm thật sự với cộng đoàn. Không ai làm cho chúng ta nhẹ lòng hơn là gia đình. Giáo hội cũng vậy. Không phải tất cả đều xấu.

  1. Bởi vì các thánh đã nói cho tôi nghe như vậy

Tôi đến với giáo hội rõ ràng là vì ở đó, đa số những người có đức tin và tốt mà tôi quen đều đến đó. Hơn nữa, không những họ đi nhà thờ mà họ còn nói với tôi, tất cả những điều tốt lành và đức tin họ có, rốt cùng là nhờ giáo hội nuôi dưỡng. Các thánh ngày nay cũng như ngày xưa đều cùng đồng ý về tầm quan trọng của giáo hội. Thật khó để tưởng tượng mẹ Tê-rê-xa hay thánh Phanxicô thành Axi lại không nối kết với giáo hội.

Tuy nhiên, tôi cũng biết một số cá nhân tốt lành và có niềm tin lại không đến với giáo hội. Tuy vậy, trong liên kết với gia đình và cộng đồng của họ, tôi thấy có các động năng thuộc về giáo hội. Trong mỗi trường hợp, họ sống trong một cam kết như sống trong một cộng đồng, họ khiêm hạ, gạt bỏ mọi ảo tưởng, và họ biết, trong bất kỳ dạng thức nào, điều này gieo trong lòng họ, rằng Thiên Chúa muốn họ không đi một mình trên con đường tâm linh nhưng với người khác.

Để giúp người khác gánh vác các yếu đuối của họ và nhờ người khác gánh vác các yếu đuối của mình.

Các nhà nhân chủng học cho biết một trong các chức năng chính của gia đình là gánh vác những yếu đuối của các thành viên trong đó. Trong quá khứ, khi giá trị gia đình còn mạnh mẽ, thì nhu cầu trị liệu cho từng cá nhân không cần thiết lắm. Ngày nay, từng cá nhân phải đi tìm trị liệu của đời sống xã hội ở những nơi khác. Đến với giáo hội là tìm kiếm trị liệu cho đời sống xã hội và làm một phần trong việc chữa lành cho người khác. Đơn giản, tôi đến với giáo hội để tha nhân giúp tôi gánh lấy những điều không lành mạnh trong tôi và để tôi có thể giúp người khác gánh lấy những điều không lành mạnh trong họ.

Nếu điều này là đúng, và nó là như vậy thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi loại bệnh hoạn trong lòng giáo hội. Nhưng sự hiện diện của những bệnh hoạn đó không đẩy chúng ta đi khỏi giáo hội, nhưng, thay vào đó, vẫy gọi mạnh mẽ chúng ta đi đến.

  1. Để cùng mơ ước với người khác

Edward Schillebeeckx từng nói: Những gì chúng ta mơ ước một mình vẫn là một giấc mơ, nhưng những gì chúng ta mơ ước cùng người khác có thể trở thành hiện thực.

Tôi đến với giáo hội vì tôi nhận ra sự bất lực của cá nhân tôi, các giới hạn của bản thân tôi. Sống một mình, ở ngoài cộng đồng, tôi không có uy thế gì hơn là nhân cách và đặc sủng của riêng tôi, một điều chẳng có ý nghĩa gì trong thế giới sáu tỷ người này.

Khi ngồi xem tin tức buổi tối, tôi thấy tất cả những điều còn thiếu sót trong thế giới này, tôi đi ngủ mà lòng buồn nản, đau đớn cảm thấy mình bất lực không làm gì được để thay đổi nhân loại. Sự buồn nản này có căn cứ. Một mình, tôi khá bất lực, tôi có thể làm được cái gì đó thoáng qua, nhưng không tạo nên được một khác biệt. Một nhóm người rất lớn cùng xem tin tức có thể thay đổi thế giới. Giáo hội là nhóm người đó. Như một tổ chức toàn cầu với một trái tim cho hòa bình, công lý, người nghèo, dù còn bất toàn, nhưng vẫn là tốt nhất trong vô số những điều xấu và giáo hội mang hy vọng tích cực đến cho chúng ta. Nếu tôi hy vọng mang lại công lý và hòa bình trên địa cầu này, việc tôi nên làm đầu tiên là bắt đầu cùng mơ với tha nhân trong một thế giới rộng lớn những con người cùng cam kết có một ước mơ chung. Nếu tôi hy vọng sẽ làm điều đó tôi nên đến với giáo hội.

  1. Để luyện tập cho Thiên Đàng

Như Kinh Thánh nói, thiên đàng sẽ là nơi hoan lạc với những vòng tay ôm rộng mở của hàng tỷ con người với nhiều tính cách, chủng tộc, học vấn và tư tưởng. Sống ở đó cần có một quả tim đại đồng. Như vậy, sẽ là tốt nếu trong đời sống này chúng ta luyện tập điều này, luôn mở rộng tấm lòng dù quả tim phải chịu đau. Có một ít chuyện  – mà chắc chắn tất cả chúng ta đều chấp nhận – làm thắt đau quả tim với những gì cộng đoàn giáo hội làm. Ngược lại, khi chúng ta tránh đau, tránh va chạm trong giáo hội để sống con đường riêng ít đau hơn, hoặc chỉ gặp những con người giống mình, thì quả tim không cần mở rộng ra với tha nhân. Đến với giáo hội là một trong những cách có thể tập cho cho quả tim thiêng liêng của chúng ta giàu sức sống hơn.

  1. Để có một niềm vui thuần khiết… Vì đó là thiên đàng!

Carol Shields kết thúc cuốn tiểu thuyết mới đây của cô, Buổi tiệc của Larry, với cảnh một buổi tiệc tối. Larry, nhân vât chính trong truyện, một con người vụng về, đã mời một nhóm đủ mọi kiểu người đến dự buổi tiệc tối thứ bảy do anh tổ chức. Khách mời là hai người vợ cũ và người yêu hiện tại của anh, cộng thêm rất nhiều người tính tình khác nhau, từng người tham dự có thể làm nổi bật tất cả đức hạnh và tội lỗi trên thế gian này. Buổi tiệc diễn ra như mọi buổi tiệc khác, có nói đùa, ghen tỵ, và tranh luận về chính trị, tôn giáo, và đời sống.

Những xúc phạm cũ làm lộ ra cái đầu khó chịu, buổi tiệc càng tiếp tục thì những xúc phạm mới càng làm thêm. Một cách tế nhị, khách mời nhớ lại quá khứ ngu ngốc và không chung thủy của mình, cũng như họ được tẩy sạch chuyện đó nhờ buổi tiệc. Thức ăn và đồ uống chuyền cho nhau, ngầm trong đó, cho dù mọi thứ đã không ổn và vẫn cứ không ổn nhưng bây giờ đang có một niềm vui sâu sắc ở đây. Một bữa tiệc cứu vớt nho nhỏ thay cho Sự Cứu rỗi đang diễn ra.

Hầu hết các gia đình hay giáo hội của chúng ta đều quy tụ lại với nhau giống như cảnh này. Gia đình là mái ấm của ngày Giáng sinh, nhưng vợ hay chồng của bạn đang giận, bạn đang chống chỏi với mệt mỏi và bực tức, đứa con mười bảy tuổi của bạn hiếu động quá đáng, nó không muốn về nhà, người mẹ già của bạn không được khỏe, bạn đang lo cho bà, ông chú Charlie cau có như con cú (bạn đang lo ông là người đồi trụy), đứa con ba mươi tuổi thất nghiệp của bạn cứ ngồi trong phòng tắm cả ngày, và tất cả mọi người quá lười biếng hoặc quá ích kỷ, họ không chịu giúp bạn chuẩn bị bữa ăn. Bạn sẵn sàng cho buổi lễ, nhưng mọi thứ không lý tưởng như bạn nghĩ. Gia đình của bạn không phải là gia đình thánh, không phải là gia đình trong mơ. Những vết đau, bệnh hoạn, những điểm yếu của nó đang mở ra và nằm trên bề mặt… nhưng bạn đang mừng lễ Giáng sinh và, trong đó, có niềm vui hiện diện. Một phiên bản nhân loại về bàn tiệc cứu rỗi đang diễn ra và gia đình nhân loại đang gặp gỡ nhau quanh Chúa Giáng Sinh.

Trong thế giới này, đó là hình tượng mãi mãi của giáo hội. Gần như lúc nào chúng ta cũng không thấy niềm vui trong giáo hội, nó làm chúng ta bực mình. Xét cho cùng, lý do chúng ta đến với giáo hội cũng giống như lý do khi chúng ta tiếp tục ăn tối với gia đình trong dịp lễ Giáng Sinh – cho một niềm vui thuần khiết.

Nguyễn Kim Long dịch

)