Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (7/8)


Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (7/8)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Giáo Hội là bàn tiệc – Phép Xức dầu.

Giáo hội cũng là nơi chúng ta đến để giúp xức dầu thánh hiến cho nhau vì cái chết đang lơ lửng trên đầu chúng ta. Điều đó nghĩa là gì?

Chúng ta có thể hiểu được bản chất của giáo hội qua điểm được nhấn mạnh trong tuần cuối cùng trước cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Mặc dù bốn sách Phúc âm điều có nói đến sự kiện này như một dấu hiệu chắc chắn, đó là điều quan trọng, chúng ta vẫn hiếm khi suy niệm hay giảng về việc này, hoặc là chúng ta quá dè dặt để chấp nhận sự thật khô khan của điều mặc khải hàm chứa trong đó. Điều muốn nói ở đây là việc bà Maria xức dầu cho chân Chúa Giêsu ở Bê-ta-ni-a.

Hiểu được điều mạc khải trong việc này sẽ giúp chúng ta thấy rõ hình tượng có vẻ phóng túng trong câu chuyện này. Vậy thì, nếu lấy bốn đoạn trong bốn Tin Mừng về việc này gom chung lại với nhau, chúng ta sẽ có được câu chuyện như sau:

Một buổi tối Chúa Giêsu đang dùng bữa. Dường như, việc dùng bữa tối đã là một điều  phóng túng rồi. Rồi, một phụ nữ ô danh trong thành đến, mang theo bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng. Cả chiếc bình lẫn dầu thơm đều rất đắt tiền. Bach ngọc là một tinh thạch quý, dầu cam tùng là loại dầu thơm đắt tiền vô cùng. Cô đập vỡ chiếc bình-một hành động lãng phí, nhưng cho thấy cô yêu mến Chúa Giêsu biết bao, và cô muốn làm việc này cách đặc biệt. Sau đó cô đổ dầu thơm vào Ngài và hương thơm lan tỏa khắp phòng. Cuối cùng, cô khóc, lấy nước mắt rửa chân và lấy tóc lau chân Chúa.

Thật khó để mô tả một cảnh rõ ràng là thô thiển của một xúc cảm còn non nớt. Sự non nớt này cũng biểu hiện nơi những người chứng kiến. Các tác giả Phúc âm nói mọi người trong căn phòng bắt đầu thấy khó chịu, có lẽ họ đã khó chịu như vậy và chúng ta cũng sẽ như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Một số bắt đầu lên tiếng phản đối sự việc. Một số không đồng ý với việc Chúa Giêsu, người được xem là thánh thiện lại để cho một phụ nữ ô danh chạm vào. Tuy nhiên, đó không phải là điều phản đối chính, cũng không phải là điều khó chịu. Điều làm những người hiện diện khó chịu cũng là điều làm chúng ta bực mình, đó là tặng vật bất chính; xa hoa, bày tỏ cảm tình vô lý. Những người hiện diện lên tiếng bày tỏ sự khó chịu của họ bằng cách nhắm đến sự lãng phí và xa hoa thừa mứa: “Thật lãng phí! Chiếc bình và dầu thơm có thể bán đi để cho người nghèo.”

Tuy nhiên Chúa Giêsu đáp lại các phản đối này bằng cách hoàn toàn chấp nhận những gì Maria làm và nói với người chủ nhà đang bực bội phản đối: “Để cô ấy yên! Cô ấy đã làm một điều tốt. Người nghèo, các con sẽ luôn có bên, nhưng Thầy thì các con không có mãi đâu. Cô ấy vừa mới xức dầu cho ngày chết của Thầy.” Đó là điều chính yếu. Chúa Giêsu nói với mọi người là cô đã giúp Ngài chuẩn bị cho cái chết sắp đến. Ngài nói vậy với ý gì?

 

Có nhiều mức độ ý nghĩa ở đây. Một trong những ý nghĩa này được trình bày rất rõ ràng trong quyển sách nhỏ của John Powell vài năm về trước. Với tựa đề Tình yêu vô điều kiện, tác giả kể câu chuyện của chàng trai trẻ Tommy, 24 tuổi, một trong những sinh viên của ông đang chết dần vì căn bệnh ung thư. Có một lần, trước lúc chết, Tommy đến thăm và chia sẻ với ông rằng anh cảm thấy trong cuộc đời có những thảm kịch tồi tệ hơn việc chết trẻ. Tôi xin trích dẫn một phần cuộc nói chuyện của họ.

“Cái gì giống như sự việc mới 24 tuổi và đang chết dần?”

Đúng, nó còn xấu hơn thế

“Giống như cái gì”

“Giống như đã năm mươi tuổi mà sống không ý nghĩa, không lý tưởng, giống như đã năm mươi tuổi mà nghĩ rằng say sưa, tán gái, kiếm tiền là những thứ quan trọng nhất trên cuộc đời…

“Buồn rầu nhất là sống trên đời mà không yêu thương. Nhưng cũng sẽ có nỗi buồn sầu tương đương như vậy nếu bạn đi hết cuộc đời mà chưa bao giờ nói với người mình yêu là bạn yêu họ.”

Từ miệng chàng trai chết trẻ, chúng ta nghe được một sự thật cao quý: Chỉ có hai bi kịch tiềm tàng trong cuộc sống nhưng chết trẻ không ở trong hai bi kịch này. Điều bi thảm là đi qua cuộc sống mà không yêu thương và không biểu lộ tình thương này cho người mình thương. Với sự thật trong tay, chúng ta hãy xem lại lời nói của Chúa Giêsu khi có người đến xức dầu cho cái chết sắp đến của Ngài:

Đúng vậy, câu nói của Chúa Giêsu có thể hiểu như sau: “Khi tôi sắp chết, tôi sẽ sẵn sàng chết hơn, vì đêm nay, đêm của tất cả mọi đêm đời tôi, tôi đang cảm nghiệm lý do tạo thành vũ trụ, cảm nghiệm quà tặng cho và nhận tình yêu và cảm xúc, một quà tặng thuần túy. Đây là giây phút để chết!”

Có một điều rất trớ trêu ở đây. Nếu phụ nữ này đem dầu thơm với tấm lòng xúc cảm dạt dào đến mộ Chúa Giêsu thì tâm tình này sẽ được chấp nhận, có khi còn được thán phục. Bạn được phép xức dầu cho xác chết, nhưng bày tỏ tình yêu và xúc cảm với người còn sống là điều không được chấp nhận. Hai ngàn năm qua, mọi sự vẫn không thay đổi. Chúng ta vẫn còn dành lời khen ngợi và bông hoa đẹp nhất cho tang lễ. Thách thức Chúa Giêsu đưa ra ở đây là chúng ta hãy xức dầu cho nhau khi còn sống: Biểu lộ xúc cảm và tặng hoa cho người bạn thương khi họ còn sống, chứ không phải lúc họ ra đi.

Điều này cho chúng ta nhiều bài học, ở một mức độ nào đó, thì đó cũng là bài học về giáo hội. Giáo hội là gì? Xét cho cùng, giáo hội là những con người đến với nhau không vì lý do gì khác hơn là để xức dầu, nghĩa là trao cho nhau tình yêu và xúc cảm, ủ ấm trong dầu thơm và mái tóc, cho dù chúng ta làm việc này ở nhà thờ hay bên bàn ăn trong nhà. Lý do đó đủ để biện minh cho giáo hội tính.

Chúng ta đến với giáo hội không phải để ở một mình, một mình với niềm vui, với sầu khổ của mình, một mình với cái buồn chán trong cuộc sống, một mình với những biến cố quan trọng trong đời, một mình trong ngày sinh nhật, ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Năm Mới, lễ Các Bà Mẹ. Chúng ta đến với giáo hội để được xức dầu. Đó không phải là một khái niệm trừu tượng. Tôi biết có một số người thích đi nhà thờ vì các lý do mà xét bề mặt thì thiếu chính chắn và không có gì thuộc về tâm linh. Đơn giản họ thích đi nhà thờ chỉ để có dịp giao tiếp, nhìn người khác, trò chuyện với mọi người, để ăn uống sau thánh lễ. Việc này không xấu. Song song với việc thờ lạy Chúa, đây là một trong nhiều lý do nổi bật để đi nhà thờ. Chúng ta đi nhà thờ để nói với mọi người chúng ta yêu mến họ, và hy vọng nghe người khác nói như vậy với chúng ta. Cuối cùng, chúng ta đến với giáo hội để giúp nhau sẵn sàng cho giờ chết.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)