Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (6/8)


Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (6/8)

 

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Giáo Hội là ngôi nhà có nhiều căn phòng – Tính Công giáo phổ quát

Một trong đặc tính của giáo hội là Công giáo phổ quát. Tất cả các giáo hội Kitô, không chỉ riêng Công giáo La Mã, đều dạy điều đó. Vậy điều này có nghĩa gì?

Công giáo không đối lập với Kháng cách. Tin lành cũng đòi danh xưng Công giáo và “kháng cách” của những người lãnh đạo phong trào Kháng cách nguyên thủy, về bản chất không phải là kháng cách chống lại Giáo hoàng và Công giáo La Mã cho bằng là một kháng nghị, một chứng tá về Thiên Chúa, về sự linh thánh của Thiên Chúa và chống lại tất cả những gì giam cầm hạn chế tính phổ quát của quả tim Thiên Chúa.

Là Công giáo nghĩa là gì? Chúa Giêsu định nghĩa rõ nhất điều này khi Ngài nói: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở.” Đây không phải là một mô tả địa lý cụ thể về thiên đàng, nhưng một mặc khải về tầm mức quả tim Thiên Chúa. Tấm lòng Thiên Chúa không phải là chung cư khép kín. Thiên Chúa có một trái tim phổ quát trong đó phổ quát có nghĩa là bao la rộng lớn như vũ trụ và bao gồm tất cả. Đối lập với Công giáo phổ quát là tính duy chính thống, một con người với trái tim chỉ có một chỗ ở.

Vì vậy, bất kỳ linh đạo giáo hội nào cũng cần phải nhấn mạnh làm rõ tính trung kiên và tính toàn bộ.

Thuộc về giáo hội là trung tín với nhiều điều chứ không chỉ một điều. Một thành viên lành mạnh của một cộng đoàn giáo hội không chọn, kiểu này kiểu kia, giữa việc có biên giới hay không biên giới, giữa giáo điều hay nhận thức lương tâm riêng mỗi người, giữa một thể chế với uy quyền hợp pháp thiên bẩm hay tầm quan trọng của ảnh hưởng cá nhân, giữa chức thánh thừa tác vụ và chức tư tế trong mỗi người, giữa các nhu cầu của giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ rộng lớn, giữa những gì mà một nghệ sĩ thiên khiếu và một người nghèo nhất trong những người nghèo mang lại, giữa tự do và bảo thủ, giữa cũ và mới, hoặc thậm chí giữa những phát ngôn của những người đang sống và những người đã mất nhưng chúng ta vẫn còn hiệp thông. Là một người con của giáo hội không phải là chọn lựa điều gì trong những điều này. Mà là chọn hết tất cả.

Cũng như Chúa trên trời, chúng ta cũng cần tâm hồn với nhiều chỗ ở. Dấu ấn thực sự của giáo hội là lòng thành tín rộng mở.

Về toàn bộ tính cũng như vậy. Khi Kinh Thánh cho chúng ta thấy, trong Chúa Kitôâ, không có nam hay nữ, nô lệ hay tự do, Do Thái hay dân ngoại, thì Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy không có tự do hay bảo thủ, da trắng hay da màu, hiện đại hay truyền thống, nữ quyền hay chống nữ quyền, ủng hộ sự sống hay ủng hộ chọn lựa phá thai, đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đảng Bảo thủ hay Lao động, hoặc bất kỳ dân tộc tính hoặc ý thức hệ nào khác có ý nghĩa áp đặt với giáo hội. John Shea đã từng nói rằng bàn tiệc thiên quốc rộng mở cho những ai sẵn sàng ngồi với tất cả mọi người. Đó chính là tính toàn bộ đòi hỏi cho bất cứ thành viên chân chính nào trong giáo hội. Trách vụ của giáo hội là đứng đầu chốt, nơi thân thể chạm nhau, vai kề vai, đồng tâm với những người hầu như hoàn toàn khác mình, nhưng, cùng chia sẻ với mình một đức tin, một Đức Chúa, một phép rửa và một Thiên Chúa là Cha và là Mẹ chung cho tất cả. Sống và thờ phượng vượt trên dị biệt chính là có một tâm hồn không khép kín.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp