Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (5/8)


Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (5/8)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Giáo Hội là Xác thể –  Thể xác Khiếm khuyết của Chúa Kitô

“Nếu không ăn thịt Ta, ngươi sẽ không có sự sống.” Khi Chúa Giêsu nói điều này, như chúng ta đã thấy, Ngài đề cập đến nhục thể của mình, thể xác rạn vỡ và khiếm khuyết, như chúng ta thấy trong cộng đồng tín hữu và Ngài truyền cho chúng ta phải gắn kết với nhiệm thể nếu chúng ta muốn được gắn kết với Thiên Chúa.

Về bản chất, nó có hai ý nghĩa: Thứ nhất, cộng đoàn là một yếu tố cấu thành trong tiến trình đi tìm của người Kitô hữu. Trách vụ của tôi không phải là một mình tôi đến với Chúa mà là đến cùng với cộng đoàn. Thứ hai, điểm này được dạy cho biết, trong cuộc sống này, bất cứ khi nào tôi đứng trước sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn, tôi không thuần túy chỉ gặp Ngài. Tất cả các cộng đoàn đức tin suy niệm ân sủng của Chúa theo nhiều cách pha lẫn. Tội lỗi, đê hèn, và phản bội luôn luôn đi cùng với ân sủng, thánh thiện và trung tín.

Hình ảnh đóng đinh là một hình ảnh tốt về giáo hội. Chúa Giêsu chết giữa hai tội phạm. Bất cứ ai lúc nào nhìn cảnh đó, cũng sẽ thấy ở đây không có phân biệt kẻ có tội, người vô tội. Không chỉ là cảnh -Thiên Chúa trên thập giá giữa hai tên trộm. Đó là hình ảnh vĩnh viễn của giáo hội. Ân sủng và tội lỗi, thánh thiện và đê hèn, trung tín và phản bội, mọi mặt của một nhận thức đơn nhất.

Và không có cộng đồng hay gia đình nào, mang tính giáo hội hay thuộc tính khác, mà không hàm chứa điều này. Ngày nay chúng ta có một gia tài phong phú phân tích về các gia đình bị lỗi chức năng và giáo hội thường được cho là loại gia đình theo kiểu này. Trên phần lớn khía cạnh, phân tích này khá chính xác. Sai lầm của nó, không nằm ở những gì nó nói ra, nhưng nằm ở những ẩn khuất, cụ thể là nơi những gia đình và những tổ chức làm đúng chức năng, thì có ân sủng và không có tội lỗi trong đó. Không có một gia đình nào được như vậy. Tất cả các gia đình và các tổ chức của loài người đều bị lỗi chức năng, chỉ đơn thuần khác nhau về mức độ. Một câu châm ngôn xưa của Tin lành có nói: “Vấn đề không phải là bạn có tội hay không, mà bạn mắc tội nào?” Và điều này đúng với tất cả gia đình, tổ chức và giáo hội. Không bao giờ đặt câu hỏi là liệu gia đình bạn có lỗi chức năng hay không, nhưng là bệnh cụ thể nào và nó đau như thế nào?

Đây là một nhận thức quan trọng đối lại với cách hiểu về khía cạnh tiêu cực của giáo hội. Ngày nay, khi giáo hữu thấy một vài khía cạnh nào đó trong lịch sử giáo hội và những chuyện nói lên sự bất tín của giáo hội, họ không thể hiểu làm sao giáo hội lại có thể được xem như khí cụ đặc quyền của ân sủng.

Một tổ chức giết chết quá nhiều người vô tội trong những cuộc Thập tự chinh, dùng Tòa thẩm giáo như một khí cụ thiêng liêng, chuẩn y cho chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, và thành kiến với phụ nữ trong nhiều thế kỷ, trong lịch sử của mình có quá nhiều điều dính dáng đến chiến tranh tôn giáo, sự im lặng tội lỗi, và chủ nghĩa đế quốc mù quáng, liệu có tìm thấy Chúa trong đó không? Trong một cơ quan mà một số chức sắc lại là những người ấu dâm, liệu có tìm thấy Chúa trong đó không? Biết bao nhiêu triệu người đã bị tổn thương bởi giáo hội? Làm sao có thể tha thứ cho giáo hội với lịch sử và một vài chuyện đã làm này?

Đây không phải là một chất vấn bất kính, mặc dù, xét tận cùng, cũng không phải là việc bài giáo. Giáo hội luôn là hình ảnh Thiên Chúa treo giữa hai tên trộm. Vì vậy, không ai nên ngạc nhiên hay bị sốc với việc làm sao mà giáo hội đã phản bội lại Tin mừng đến như vậy, và làm sao vẫn tiếp tục như vậy ngày hôm nay. Giáo hội chưa bao giờ thực sự tốt. Tuy nhiên, ngược lại, cũng không ai phủ nhận được những điều tốt giáo hội đã làm. Giáo hội mang đến ân sủng, tạo nên những bậc thánh, thay đổi luân lý địa cầu, và xây một ngôi nhà dù chưa hoàn hảo để Thiên Chúa cư ngụ giữa thế gian này.

Nối kết với giáo hội là liên hệ với những kẻ vô lại, hiếu chiến, lừa đảo, gạ gẫm trẻ em, sát nhân, ngoại tình, và giả hình trong mọi dung mạo. Đồng thời, giáo hội cũng cho ta nhận diện những vị thánh, những con người tốt nhất về tinh thần anh hùng trong mọi thời, mọi quốc gia, chủng tộc và giới tính. Là thành viên của giáo hội là khoác lấy chiếc áo của cả tội lỗi xấu nhất và anh hùng tính tốt đẹp nhất của tâm hồn… bởi vì giáo hội được nhìn nhận đích thực khi nhìn vào cuộc đóng đinh nguyên thủy, một Thiên Chúa treo giữa những kẻ trộm.

Carlo Carretto, ngòi bút thiêng liêng lớn người Ý, đã từng viết một tác phẩm nhỏ cho giáo hội ghi lại cả những chuyện tai tiếng và cả ân sủng trong đó. Trong phần cuối của tác phẩm có lẽ chín muồi nhất của ông, Tôi tìm và tôi tìm thấy, Carretto nhắm đến giáo hội trong những lời thơ sau:

Tôi phải phê phán người nhiều biết bao, giáo hội của tôi, ấy vậy mà tôi yêu người nhiều biết bao!

Người đã làm cho tôi khổ đau nhiều hơn ai hết, ấy vậy mà tôi cũng hàm ơn người nhiều hơn ai hết.

Tôi những muốn thấy người bị hủy diệt, ấy vậy mà tôi cần sự có mặt của người.

Người đã tạo ra quá nhiều tai tiếng cho tôi, ấy vậy mà chỉ duy nhất người mới làm cho tôi hiểu thế nào là thánh thiện.

Không ở đâu trên thế gian này tôi thấy nhiều chuyện trái khuấy, sai trái hơn ở người, ấy vậy mà, tôi cũng chưa bao giờ trực nhận điều gì thuần khiết hơn, quảng đại hơn và đẹp đẽ hơn người.

Vô số lần tôi đã muốn đóng sập cửa tâm hồn tôi vào mặt người, ấy vậy mà, hằng đêm, tôi cầu nguyện để tôi có thể chết trong vòng tay vững chãi của người!

Không, tôi không thể nào không có người, bởi tôi là một với người, cho dù không phải là người trọn vẹn.

Vậy thì – tôi sẽ đi đâu?

Đi xây một giáo hội khác?

Nhưng tôi không thể xây một giáo hội nào khác không có cùng khiếm khuyết, vì chúng chính là những khiếm khuyết của tôi. Hơn nữa, nếu tôi xây một giáo hội khác, nó là giáo hội của tôi, không phải là giáo hội của Chúa.

Không, tôi đã già dặn. Tôi đã hiểu hơn!

Ai đi tìm Chúa và kiên trì trong cuộc đi tìm này, đến một lúc nào đó sẽ nhìn vào vai trò của cộng đồng nhân loại trong việc đi tìm này và sẽ đồng ý với những gì Carretto đã viết.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)