Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (3/8)


 

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Hướng đến Linh đạo về Hội Thánh – Hình tượng thiêng liêng của Giáo hội

Giáo hội là những con người …. Cộng đoàn Tông đồ

Một mái nhà, một chủng tộc, một danh xưng, một sách luật hay một sách kinh chung

Cộng đoàn giáo hội cũng không phải đơn giản sống chung với nhau dưới một mái nhà, hiệp nhất bởi dòng máu chung, là một phần của một danh xưng tôn giáo đơn nhất, có một sách luật chung hay gắn kết với nhau qua sách kinh chung.

Tôi có thể sống cùng mái nhà với ai đó, là anh hay em cùng dòng máu, sống trong một quy tắc chung với ai đó, là thành viên cùng giáo phái, nhưng vẫn không hiệp thông với người đó. Nói ngược lại cũng đúng. Tôi có thể cách xa hàng châu lục, khác nhau về sắc tộc, về niềm tin, nhưng lại thông hiệp với người khác. Chung một mái nhà, chung giường, chung bàn, cùng dòng máu, cùng gia phả, cùng tôn giáo, tự nó không làm nên thông hiệp; cũng như xa cách vật lý, sống một mình, ngủ một mình, khác màu da, khác niềm tin không nhất thiết làm chúng ta xa nhau. Cộng đồng tông đồ, như chúng ta sẽ thấy, phụ thuộc vào cái gì đó khác.

Một nhiệm vụ chung, một sứ mệnh chung

Một trong những điều thường nhầm lẫn về cộng đoàn tông đồ, mà sự thực thì không phải vậy, đó là được liên kết với nhau bởi một sứ mệnh chung. Một ví dụ tôi còn nhớ là bài nói chuyện sôi nổi của một hiệu trưởng trường Công giáo với toàn thể nhân viên vào ngày khai giảng năm học: “Là ban điều hành, chúng ta cùng nhau tạo nên một cộng đoàn và chúng ta cần sự thống nhất để công việc có hiệu quả. Chúng ta không cần phải thích nhau, không cần phải có tình gia đình với nhau, cũng không cần nghĩ rằng chúng ta không có bất đồng và căng thẳng lớn giữa chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có một công việc để làm với nhau, một sứ mệnh chung. Cùng nhau chúng ta phải giáo dục học sinh tốt nhất có thể. Để làm điều này, chúng ta phải là một đội binh thực sự, chứ không chỉ là một liên minh của những cá nhân tự do.”

Ông đúng một điểm, một sứ mệnh chung thường đòi hỏi nỗ lực của một đội. Nhưng chính xác, sứ mệnh chung tạo ra một đội, để giành chức vô địch Superbowl, để sản xuất một sản phẩm, để kiểm soát thành phố, để vận hành một tổ chức, ngay cả để dạy giáo lý vỡ lòng cho con trẻ của chúng ta – nhưng tự thân nó, nó không làm nên cộng đòan tông đồ. Cộng đoàn tông đồ phải được thiết lập trên một điều gì khác.

Vậy là điều gì? Nếu cộng đoàn giáo hội  không đặt nền tảng trên sự đồng tư tưởng, chia sẻ nỗi sợ hãi, nhu cầu thân mật trong đời sống, một mái nhà chung, một tộc tính chung, một danh xưng chung, hay cùng chia sẻ một sứ mệnh, vậy thì cộng đoàn giáo hội thiết lập trên căn cứ nào?

Trên việc quy tụ những con người thuộc về Đức Kitôâ và cùng chia sẻ Thần Khí của Chúa.

Trên bề mặt thì điều này có vẻ như rất sùng đạo và rất nghiêm túc, nhưng không phải như vậy. Đây là nền tảng duy nhất cho cộng đoàn giáo hội thực sự và đây là một phát biểu nghiêm khắc chứ không mang tính sùng đạo. Vậy hội tụ quanh Đức Kitôâ và chia sẻ Thần Khí của Ngài có nghĩa là gì?

Giải thích qua một điều tương tự sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn: Thử tưởng tượng một nhân vật, tạm gọi là cô Betzy, cô có trái tim rộng lớn như biển Thái Bình. Cô tử tế, dễ thương, không thành kiến, thông hiểu và đồng cảm lớn lao đủ bảo bọc hết mọi người. Bởi vì quá dễ thương, nên cô có rất nhiều bạn bè đủ mọi thành phần. Một hôm, cô quyết định tổ chức một buổi tiệc và mời tất cả đến. Cô thuê đại sảnh để đủ chỗ cho mọi người. Khách mời lục tục đến. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em với đủ phong cách, tư tưởng, trình độ, tính khí, thị hiếu, địa vị xã hội, tôn giáo. Một hỗn hợp kỳ lạ đầy cả đại sảnh. Tự do và bảo thủ, chính thống và nữ quyền, nhóm Giữ lời hứa và nhóm Thời đại mới, các linh mục và những người chống giáo hội, chủ tịch công đoàn và chủ ngân hàng, người bảo vệ thú vật và người săn hải cẩu, người ăn mặn và ăn chay, tất cả hòa vào nhau. Cả chủ tịch của hội ủng hộ sự sống cũng như chủ tịch của hội ủng hộ phá thai cũng ở đó. Ian Paisley, chủ tịch đảng Dân chủ Ailen và cả lãnh đạo Quân đội Cộng hòa Ailen cũng có mặt.

Vì hỗn tạp nên dĩ nhiên có một số căng thẳng, nhưng vì Betzy ở đó, vì cô là trọng tâm của đại sảnh, vì họ tôn trọng con người cô và những gì cô biểu trưng, nên mọi người, ít nhất trong đêm đó tỏ ra lịch sự với người khác và trầm lắng vừa đủ trong tinh thần khoan dung, tôn trọng, lịch sự và thân ái để vượt lên những gì họ thường cảm nhận, suy nghĩ và hành động.

Như bạn có thể hình dung, việc tập họp được như thế chỉ có thể có được nhờ sự hiện diện của Betzy. Nếu cô xin kiếu và rời đi hay nếu khách bận tâm rối trí rồi quên mất lý do vì sao họ đến đây, bạn sẽ thấy ngay phản ứng vừa nóng nảy vừa phân tán sẽ làm cho chẳng còn ai ở lại trong phòng. Sự hòa hợp đặc biệt của những con người này chỉ có thể đem lại với nhau và giữ lại với nhau quanh một người duy nhất, Betzy. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào sự hiện diện của cô và phụ thuộc vào giờ phút họ có sự thấu cảm lớn từ cô ấy. Khi họ ở trong sự hiện diện đó là nhờ vào tinh thần của cô Betzy.

Đó là hình ảnh giáo hội Kitôâ chung quanh Chúa Giêsu Kitôâ. Vượt ngoài sự chú trọng đến con người Ngài và những gì chúng ta cố để sống hồn nhiên khi nhận thức được sự hiện diện của Ngài, chúng ta luôn có những nóng nảy tức giận và phân tán triền miên, như hoàn cảnh của gia đình, cộng đồng, quốc gia, thế giới, đó là các minh chứng thấy rõ. Cuối cùng, ngoài Đức Giêsu Kitôâ, không có cái gì khác giữ chúng ta lại với nhau.

Do đó nền tảng cho cộng đoàn Hội Thánh Kitôâ, giáo hội, chính là việc tập hợp xung quanh con người Chúa Giêsu Kitôâ và sống trong Thần Khí của Ngài. Và Thần Khí không phải là một người mơ hồ với giọng điệu khó hiểu. Thần Khí của Chúa Giêsu, Thánh Linh, được Kinh Thánh nói rõ: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín.  Sống với các nhân đức đó là những gì liên kết chúng ta vào cộng đồng theo cách chúng ta được gắn kết để các chia rẽ về biên giới, tính tình, chủng tộc, màu da, giới tính, tư tưởng, địa vị xã hội, lịch sử, đức tin, hay thậm chí cái chết cũng không thể làm gì được với chúng ta. Tất cả những ai sống với các nhân đức này là một thân thể với nhau và cấu thành nên giáo hội.

Với tiêu chí này của cộng đoàn tông đồ, chúng ta thấy Giáo Hội vừa là một điều gì đó trừu tượng và phần nào đó vừa ở ngoài lịch sử, đồng thời, là một điều rất cụ thể và đi vào trong lịch sử. Ở một tầm mức, nó bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt mức độ hiểu thấu của họ về tôn giáo, và ai đang sống trong bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, lòng tốt, nhịn nhục, trung tín, hòa nhã, và khiết tịnh. Ở mức độ khác, nó bao gồm lịch sử các giáo hội Kitôâ, những người rõ ràng được gọi để ở trong cộng đoàn qua

Lời Chúa Kitô và Thánh Thể mà Ngài để lại cho chúng ta.

Do đó, để được là một giáo hội nghĩa là cử hành Lời Chúa Kitôâ và phép Thánh Thể. Nhưng hiểu cách chính xác, thì điều đó bao hàm không chỉ đơn giản là việc đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật. Kinh Thánh Kitôâ nói về cộng đoàn giáo hội theo cách nào đó là một đời sống chung, nghĩa là “có mọi thứ chung.”

Điều đó nghĩa là gì? Cụ thể cái gì là yếu tố cấu tạo nên cộng đoàn Hội Thánh? Vượt trên mức độ linh hồn, nơi mà chúng ta có thể là một tâm hồn đơn lẻ sống với hoa quả của Thần Khí, và khác hơn việc đơn giản là đi nhà thờ, đâu là những gì cụ thể đòi hỏi để có một cuộc sống chung?

Một vài nhóm Kitôâ đã diễn giải điều này theo nghĩa đen và dạy rằng một cuộc sống chung chính xác có nghĩa là sống chung thể lý và chia sẻ tiền bạc của cải chung. Do đó, trong Kitô giáo, lúc nào cũng có những cộng đoàn tôn giáo, cả giáo sĩ và giáo dân, cố gắng sống theo cách này qua lời khấn tạo nên cách thể lý một ngôi nhà chung, của ăn chung và túi tiền chung. Tuy nhiên nó luôn được xem là lời kêu gọi cho một số người và chưa bao giờ được đề xuất như là một lý tưởng cho tất cả mọi người.

Trong nghĩa tốt nhất của khoa giáo hội học, thay cho giáo hội, cuộc sống chung được định nghĩa (có người gọi là “tình huynh đệ”) như một điều gì đó có thực nhưng không đòi hỏi và theo nghĩa đen, đó là một mái nhà, một túi tiền. Vậy nó đòi hỏi điều gì?

Đời sống chung đòi hỏi sự chia sẻ thực sự cuộc sống cùng nhau, cụ thể là chúng ta cùng cầu nguyện, cùng cử hành các nghi thức biểu tượng, cùng có những buổi tổ chức khi có các dịp vui mừng, sợ hãi, và vui thú; có trách nhiệm với nhau, mở lòng ra với nhau, cùng sửa lỗi và thách thức nhau, có trách nhiệm với nhau về mục vụ; và cùng chia sẻ tài chính (ngay cả khi nó chỉ có nghĩa chúng ta đóng góp tài chính để hỗ trợ cho giáo hội địa phương của mình và các dự án trong đó).

Gom những điều này lại với nhau, cốt lủy, theo hình thức này hay hình thức khác, có nghĩa là, chúng ta cùng có trách nhiệm với nhau về đời sống chúng ta. Chúng ta vẫn có thể sống trong nhà riêng và có tài khoản ngân hàng riêng, nhưng, một khi thuộc về một giáo hội, chúng ta không còn sở hữu riêng trọn vẹn đời sống của mình. Bây giờ chúng ta phải chịu trách nhiệm với nhau và không còn có thể đòi hỏi cuộc sống riêng như một đặc quyền của đời sống riêng tư. Như một phụ nữ trong nhóm cầu nguyện đã nói: “Tôi biết chúng tôi thật sự mang tính giáo hội, khi, sau nhiều năm cùng cầu nguyện với nhau, cùng cho phép người khác bước vào cuộc sống của nhau. Ý tôi là, nếu có ai bắt đầu làm những gì đi ngược lại đời sống cầu nguyện và thiên hướng của chúng tôi, nhóm sẽ đến với họ, chất vấn để họ tự uốn nắn… và đương sự không thể phản đối và nói: “Đây là cuộc sống của tôi, đi đi, không phải việc của mấy người!”

Cốt lủy, đó là cộng đoàn giáo hội. Giáo hội là những con người.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp