Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng  (1/8)


 

Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng  (1/8)

 

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Điều chúng ta chọn để chiến đấu thật nhỏ bé!

Điều chúng ta chiến đấu thật quá lớn lao

Giá chúng ta chịu khuất phục cơn vũ bão như vạn vật

Chúng ta cũng sẽ nên mạnh mẽ, và chẳng cần tên tuổi.

Khi chúng ta vượt thắng qua những chuyện nhỏ,

và chính vinh quang làm chúng ta bé nhỏ.

Điều kì vĩ và vĩnh cửu không muốn chúng ta được quyền nắm giữ nó…

Đây là cách con người lớn lên: bằng việc chịu khuất phục, dứt khoát

bằng những tồn tại lớn lên không ngừng. Rainer Maria Rilke

 

Câu chuyện thân mật nhất mọi người nói là nói về Chúa. Etty Hillesum

Đức Kitô là một thực thể siêu việt, lời sấm chớp và hành động kiên quyết đã lật nhào bàn ghế, xua đuổi quỷ dữ, băng qua như cơn gió thần bí từ đỉnh núi cô tịch đến một dạng ngu dân kinh khiếp. K. Chesterton

Hạnh phúc không phải là điều làm cho chúng ta tri ân. Chính lòng tri ân làm cho chúng ta hạnh phúc. David Steindl Rast

Thiên Chúa đương nhiên tự hữu, nhưng điều được xem là Thiên Chúa thì không đương nhiên tự hữu đối với chúng ta. Thomas Aquinas

Mất mát cũng là một trách nhiệm. Christina Crawford

 

Linh đạo về tính Hội Thánh

Trong nước rửa tội chúng ta được nhắc nhớ rằng chúng ta không sinh ra trong hư không, và không dấn bước hoàn toàn cô đơn (dù cô đơn thường là một phần của gánh nặng đời sống). Được tái sinh, được làm cho sống, gồm cả việc được sinh vào một cộng đoàn. Vì thế có nhiều ràng buộc gắn liền với cuộc lữ hành này. Nên cuộc hành trình tâm linh đơn độc tìm Chúa kéo con người, giáo hội, quốc gia, nhân loại theo nó.

Tôi muốn Nước Trời nhưng không muốn Giáo Hội

Thế kỷ trước, một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra trong thần học Kitôâ giáo liên quan đến sự cần thiết hoặc không cần thiết của một thể chế giáo hội. Một số nhà thần học đã đặt ra một chất vấn hóc búa: “Chúa Giêsu rao giảng một vương quốc, vậy tại sao chúng ta lại có một giáo hội?”

 

Dù số phận của họ trong lịch sử ra sao, thì những người thời nay có rất nhiều đồng cảm với các nhà thần học này. Chắc chắn trong thế giới phương Tây, ngày càng có nhiều người đặt chất vấn về giá trị của Giáo hội và họ đi tìm Chúa, dưới đường hướng của đức hạnh luân lý, và biểu tỏ bản thân mình theo cách thức tôn giáo nhưng ở ngoài bức tường của nhà thờ Kitôâ giáo. Phê phán của họ về giáo hội vừa có tính lý thuyết vừa có tính thực hành.

Về mặt lý thuyết, ngày càng nhiều người tách rời việc đi tìm Thiên Chúa của mình ra khỏi sự liên hệ đến cộng đồng giáo hội. Và họ làm với những lý do khác nhau. Đối với một số người, như Sam Keen, người đã có những chỉ trích liên hệ đến giáo hội mà chúng ta thấy trước đó, sự liên hệ đến giáo hội đặt ra các chất vấn tâm linh để rồi đưa đến một kết thúc vội vàng non nớt và có thành kiến tiêu cực với linh đạo. Quan điểm của ông là giáo hội đòi hỏi một sự vâng phục, làm cho những người tin theo trở nên non nớt, thiếu trưởng thành. Nhiều người đồng ý với ông. Đối với một số người khác, sự khiên cưỡng bước vào giáo hội của họ phát xuất từ lịch sử giáo hội. Họ xem giáo hội như là một thể chế thỏa hiệp, với quá nhiều máu dính trên tay, trì độn về tâm linh, và cả núi xương khô chất trong tủ. Họ không còn tin giáo hội là một thể chế suy ngẫm về ơn phúc của Chúa nữa. Đi kèm với chỉ trích này về lỗi lầm của giáo hội là một quan niệm đơn giản rằng giáo hội Kitôâ đã cố bước đi trong hai ngàn năm, và không thực sự thay đổi được gì, cũng như một đội bóng chơi với những đặc quyền đặc lợi đã hai ngàn năm nay mà vẫn không bao giờ đạt vô địch. Đây là thời điểm để thay đổi!

Dù những phê phán đó là đúng và có giá trị thật hay dù họ duy lý và sự đơn giản hóa thái quá cách nguy hiểm thì những điểm này không phải là vấn đề ở đây. Vấn đề là tính phổ thông của nó, sự kiện là ngày nay có hàng triệu người đang gặp khó khăn về mặt lý thuyết với giáo hội của họ và ác cảm với ý niệm về tính giáo hội.

Nhưng thậm chí nghiêm trọng hơn sự phê phán lý thuyết thuần túy chính là sự phê phán thực tế về giáo hội ngày nay trong nền văn hóa Phương Tây. Người ta tuyên bố bằng bước chân của mình. Đơn giản càng ngày họ càng ít đi nhà thờ. Đi nhà thờ và gắn bó với nhà thờ đang giảm rất nhiều. Các con số thống kê có thể khác nhau từ quốc gia này đến quốc gia khác, nhưng mọi quốc gia trong thế giới Tây phương đều cho thấy một việc đi nhà thờ giảm rất trầm trọng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vấn đề này lưu ý chúng ta những điểm đáng ngạc nhiên: Thứ nhất, dù việc đi nhà thờ giảm trầm trọng, nhưng các giáo hội tự thân vẫn rất mạnh mẽ. Như vậy, dù không muốn gắn bó với nhà thờ và đi nhà thờ thường xuyên, người ta vẫn tiếp tục muốn nhận rằng mình có tôn giáo với một danh xưng rõ rang (“Tôi là người theo đạo Công giáo La Mã, Anh giáo, Ba-típ, Hiệp Nhất, vân vân…) cũng như muốn tiếp tục nhận các nghi thức đánh dấu (rửa tội, hôn phối, và mai táng) trong giáo hội của mình. Hơn nữa, họ muốn thấy giáo hội của họ tiếp tục duy trì, mặc dù họ không tham dự. Họ muốn có giáo hội để dùng lúc cần, dù những dịp cần này không bao nhiêu. Nhà xã hội học tôn giáo người Canada, Reginald Bibby, nói: “Người ta không rời bỏ giáo hội của họ, họ chỉ là đang không đi đến với giáo hội mà thôi.”

Đồng thời, qua sự nghiên cứu về việc giảm sút đi nhà thờ cho thấy đa số những người không đi nhà thờ thường xuyên lại không có những câu hỏi như Sam Keen có, và cũng không giận dữ về những điều đáng phê phán gay gắt của giáo hội. Sự giận dữ và chất vấn lý thuyết gay gắt không phải là vấn đề lớn nhất; chính thờ ơ lãnh đạm và nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa mới là vấn đề lớn. Hầu hết những người không đi nhà thờ ngày chủ nhật không ở nhà nghiền ngẫm về sai lỗi của giáo hội hay đọc sách của Sam Keen. Họ ngủ, đi phố, trượt tuyết, chạy bộ trong công viên, xem bóng chày, bóng đá, cắt cỏ làm vườn, thăm gia đình bạn bè. Họ không có những chất vấn lớn lao về giáo hội. Về phương diện giáo hội, họ đang “làm” ngày lễ nghĩ. Họ muốn có một vương quốc, nhưng không muốn giáo hội.

Tất cả các điểm này hướng về nhiều chuyện: lỗi lầm của giáo hội, lịch sử đen tối của giáo hội, một chán nản nào đó trong Kitôâ giáo Tây phương, căn bệnh cá nhân chủ nghĩa trong nền văn hóa chúng ta, sự thờ ơ với tôn giáo của hàng triệu người, và vấn đề nhận thức liên quan đến các Giáo hội Kitôâ. Chắc chắn là nó hướng đến sự cần thiết cho một hiểu biết tốt hơn về giáo hội. Giáo hội có thể có nước sự sống, nhưng người ta ngày càng ít người muốn gần kề ngọn lửa. Làm gì được với điều này đây?

Thư viện thần học của chúng tôi có đầy đủ những sách tuyệt vời về tính giáo hội, nhưng việc đi nhà thờ vẫn tiếp tục xuống dốc. Một nền thần học tốt là quan trọng, nhưng cần một điều gì khác nữa, một linh đạo giáo hội tốt hơn, một lý do thực tiễn và cá nhân hơn rằng tại sao để có được nước trời, chúng ta muốn và cần đến giáo hội.

Vậy giáo hội nên được hiểu thế nào?

Nguyễn Kim Long dịch