Hồng y Joseph De Kesel: “Giáo Hội ngày mai sẽ đơn sơ và khiêm tốn hơn”

 

 

 

f

By
phanxicovn
 -
30/05/2021
102

Hồng y Joseph De Kesel: “Giáo Hội ngày mai sẽ đơn sơ và khiêm tốn hơn”

Trong quyển sách mới Đức tin và Tôn giáo trong xã hội hiện đại (Foi & religion dans une société moderne) hồng y Joseph De Kesel, Tổng Giám mục của giáo phận Mechelen-Brussels, Bỉ, nói về sự dấn thân của Giáo hội trong đối thoại với xã hội hiện đại.

la-croix.com, Christophe Henning, Mechelen, Bỉ, 2021-05-25

Hồng y Joseph de Kesel, ngày 25 tháng 5 năm 2021, tại Tổng Giáo Phận Mechelen-Brussels. Hình của Jean-Christophe Guillaume dành cho báo La Croix

Báo La Croix: Cha đã nghỉ công việc vài tháng qua vì bị ung thư. Xin cha cho chúng tôi biết về sức khỏe của cha.

Hồng y Joseph De Kesel: Tôi đã mổ ba lần, tháng 8, tháng 12 năm 2020 và một lần cách đây vài tuần. Tôi đang được chữa trị. Tôi luôn giữ tin tưởng, nhưng cũng khó khăn, bây giờ tôi đang chữa hóa trị, tôi bị mệt mỏi kéo dài… Thật trùng hợp, bệnh ung thư của tôi được chẩn đoán đúng lúc dịch Covid-19 đang xảy ra.

Chưa bao giờ tôi nghĩ đến bệnh ung thư và xã hội đương đại của chúng ta cũng chưa bao giờ hình dung một đại dịch như vậy: có thể đâu đó ở Phi châu, Á châu nhưng không ở chúng ta! Và bây giờ tất cả chúng ta đều phải đối diện với sự mong manh của mình… Tôi luôn bị đánh động bởi điều này.

Đức tin của một hồng y có bị thử thách không?

Mỗi ngày tôi đọc phụng vụ giờ kinh. Dần dần tôi khám phá các lời thánh vịnh là lời của riêng tôi. Tiếng kêu của tôi, nỗi lo âu của tôi, lòng biết ơn của tôi… Tôi đã không quyết định, tôi đã không nói: “Tôi sẽ hết lòng cầu nguyện.” Tôi được ban cho. Với căn bệnh, Chúa đã mời tôi quay lại. Mình không thể ra khỏi thử thách này mà vẫn y như trước, y như khi mình mới bước vào. Đó là câu chuyện của dân Chúa: đi ra khỏi đất Ai Cập, có một con đường ngắn hơn để đến Đất Thánh, nhưng Chúa đã để chúng ta đi đường vòng để chúng ta khám phá một số điều rất quan trọng cho tương lai.

Đại dịch cũng để lại hậu quả cho Giáo hội?

Chúng ta cũng có thể phải đi đường vòng… chẳng hạn người công giáo cũng phải chiến đấu để có thể đến với nhau và đó là trong thời gian dịch bệnh, tôi hiểu điều đó, và bí tích Thánh Thể rõ ràng là rất quan trọng. Nhưng có cách nào khác không? Chẳng hạn như nghe lời Chúa có là thức ăn không?

Công giáo phương Tây đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Giáo hội có bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng không?

Tôi tuyệt đối không tin như vậy. Chúng ta đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, nhưng đó cũng có thể là thời cục kairos. Trong Giáo hội cũng như trong xã hội, vẫn còn trong vô thức tập thể ý tưởng kitô giáo chỉ có thể là chính nó khi xã hội là kitô giáo. Đây không phải là sự thật. Một số người nghĩ rằng thế tục hóa là kẻ thù số một, là gốc rễ của mọi khó khăn của chúng ta; đây cũng không phải là sự thật.

Không phải Giáo hội suy tàn, mà chính xã hội đã thay đổi. Thậm chí tôi có thể nói, đương đại chính là một văn hóa khác. Điều này không phải là không có rủi ro: tất cả cũng như các tôn giáo, thế tục hóa có thể lệch lạc, trở nên cực đoan hóa. Thế tục khi trở thành chủ nghĩa thế tục, đó là một loại thứ phẩm của tôn giáo, vốn áp đặt một tư tưởng duy nhất.

Có phải đức tin bị đưa vào lãnh vực mật thiết riêng tư không?

Tôi hoàn toàn phản đối việc cá nhân hóa đức tin: chúng ta có điều gì đó để nói trong văn hóa này, với tư cách là tín hữu kitô và người công dân có trách nhiệm. Tôi đã có chuyến đi đến Iraq, đến Erbil, và Thượng phụ Louis Sako giải thích cho tôi: “Ở đây chúng tôi cần một chế độ thế tục, không phải một chế độ tôn giáo. Trong một chế độ tôn giáo, chúng tôi là công dân hạng hai hoặc hạng ba…” Thượng phụ còn nói: “Hãy ngừng xem chúng tôi là thành phần thiểu số, chúng tôi là người Iraq, là công dân và chúng tôi là tín hữu kitô. Quyền công dân đi trước quyền tôn giáo.” Còn tôi, tôi có thể nói thêm, chính nhờ đức tin mà tôi ở đây và tôi cố gắng là người công dân có trách nhiệm.

Các tín hữu kitô có thể mang lại gì cho thế giới?

Trước hết là loan báo Tin Mừng, nghĩa là có mặt trong thế giới và loan báo lời Chúa. Đó là lý do sống của Giáo hội. Kitô giáo hóa lại là một chuyện khác, đó là dự án của một xã hội trở lại với kitô giáo thêm một lần nữa. Điều này là không thể và tuyệt đối là điều không nên mong muốn. Trong một xã hội thế tục hóa, không một tôn giáo nào nắm giữ độc quyền và chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là khoan dung.

Bài đọc thêm: Theo Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, “thế tục hóa là một cơ hội”

Nhưng làm thế nào để loan báo Tin Mừng trong một xã hội đa nguyên và thế tục hóa?

Giáo hội chỉ có thể có ý nghĩa với bên ngoài những gì Giáo hội sống bên trong. Chúng ta phải có những cộng đoàn đích thực sống theo lời Chúa, những người dâng phụng vụ và làm việc cho một thế giới nhân bản hơn, công bằng hơn. Người tín hữu kitô khẳng định mình chỉ sống theo Tin Mừng là nhầm lẫn: chúng ta cần người khác. Nếu không, làm sao chúng ta là anh em của nhau?

Làm thế nào để đối phó với các cấu trúc giáo hội mệt mỏi, suy yếu?

Giáo hội sẽ như thế nào trong một thế kỷ nữa? Tôi không biết. Chúng ta không biết những gì sẽ còn lại, cũng như không biết những gì mới sẽ được nảy sinh! Chúng ta cần thể chế, nhưng có thể chúng ta không cần tất cả thể chế chúng ta có ngày hôm nay và có thể là những thể chế khác chưa ra đời.

Giáo hội sẽ đơn sơ và khiêm tốn hơn, nhưng Giáo hội sẽ không thuộc thiểu số, dù sao cũng không ở Pháp hoặc ở Bỉ. Khi vẫn còn một nửa số trẻ em được rửa tội, thì đó không phải là thiểu số: về mặt xã hội học, điều đó không có ý nghĩa.

Đôi khi việc không can thiệp vào một xã hội thế tục khiến Giáo hội trở thành dấu hiệu của sự mâu thuẫn?

Các giá trị trọng tâm của văn hóa thế tục hóa là lý trí, tự do và tiến bộ. Với sự lệch lạc, khi tự do trở nên tuyệt đối và trở nên ý thức hệ thống trị tất cả. Ví dụ, trong các cuộc tranh luận về đạo đức, người ta mở rộng trợ tử hay phá thai, bởi vì nó được cho là tiến bộ. Và mỗi người làm những gì họ muốn. Cùng với những người khác, các giám mục và người công giáo luôn báo động cho xã hội, nhưng “tiến bộ” lại tầm thường hóa những vấn đề này. Cho phép phá thai đến tuần thứ 18, liệu điều này có gọi là tiến bộ không? Phá thai có phải là một thủ thuật y tế thông thường không? Phá thai luôn là một thất bại và không phải chỉ vì luật pháp cho phép mà nó sẽ không có đau khổ.

Trong thế giới phi kitô giáo, làm thế nào người ta nhận ra đó là một tín hữu kitô?

Đôi khi chúng ta không nhận ra điều này… Có những mức độ thuộc về Giáo hội khác nhau. Dĩ nhiên, luôn có một hạt nhân cốt lõi  thường xuyên đi lễ và làm cho Giáo hội sống. Nhưng giảm đức tin theo định nghĩa này chưa bao giờ là quan điểm của Giáo hội. Một số thỉnh thoảng đi lễ, dịp lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, các lễ kỷ niệm của gia đình… Chúng ta phải tôn trọng họ và không nói với họ: “Chúng tôi có thể gặp ông bà tuần sau không?” Chúng ta có nguy cơ rơi vào hình thức chiêu dụ, khi việc loan báo Tin Mừng được thực hiện mà không tôn trọng người khác, trong quan tâm duy nhất là chiêu mộ như đôi khi đã xảy ra với một số cộng đồng mới.

Đó là tình bằng hữu khi truyền giáo. Cuộc gặp tự nó có ý nghĩa: đó không phải là một chiến thuật truyền giáo. Tôi muốn những người đến với Giáo hội được chào đón, tôn trọng, lắng nghe và không phán xét. Chúng ta đừng quên có những gì tôi có thể làm và những gì Chúa làm: Tôi có thể làm chứng, gặp gỡ, với con người thật của tôi, nhưng tôi không thể trao niềm tin cho người khác. Đó là Chúa. Thần Khí làm việc và Ngài không tùy thuộc vào sự mở rộng của Giáo hội.

Nhỏ bé và khiêm nhường, Giáo hội cũng là phổ quát. Là hồng y, cha nhận xét về Rôma như thế nào?

Điều tôi không hiểu là có một sự chống đối rất gay gắt với giáo hoàng. Chúng ta không đi lui lại được.

Hôm nay, ngài mời gọi chúng ta sống tinh thần đồng nghị, có nghĩa là sống tình huynh đệ. Đó là một quá trình phân định – ngài thật sự là giáo hoàng Dòng Tên! : cùng nhau thảo luận, dành thì giờ để làm, phân định. tìm hiểu những gì Chúa đòi hỏi chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

.