Bảo vệ giáo hoàng khỏi các cuộc tấn công và bất đồng chính kiến liên tục của cánh hữu

 

 

 

millennialjournal.com, Robert Christian, 2021-01-18

Phỏng vấn ông Mike Lewis, biên tập viên sáng lập trang Phêrô ở đâu, Where Peter Is, trang web bảo vệ giáo hoàng và giáo lý công giáo khỏi vô số cuộc tấn công do những người chỉ trích giáo hoàng gay gắt nhất phát động. Biên tập viên Robert Christian của trang Millennial gần đây đã phỏng vấn ông Mike Lewis về các mục tiêu, bản chất và sự phổ biến của những người bất đồng chính kiến cánh hữu trong Giáo hội Mỹ.

 

Vì sao ông thành lập trang Phêrô ở đâu?

Chúng tôi thành lập trang này vì chúng tôi nhận thấy có một lỗ hổng trong việc đưa tin và bình luận của các phương tiện truyền thông công giáo về Đức Phanxicô trong thế giới nói tiếng Anh. Nhiều phương tiện truyền thông công giáo bảo thủ thường xuyên chỉ trích ngài về các vấn đề hàng đầu và giáo huấn của ngài. Họ gây ra đủ loại tranh cãi và tạo ra tai tiếng giữa những người công giáo bình thường, kể cả nhiều bạn bè và thành viên gia đình của tôi. Các tổ chức ủng hộ Đức Phanxicô phần lớn không để ý đến các vấn đề này. Hầu như không ai đề cập đến sự phản đối ngày càng tăng đối với ngài, và câu chuyện phản động đang bắt đầu áp đặt vì không ai đưa ra mặt kia của vấn đề trên cơ sở nhất quán.

Vào thời điểm chúng tôi bắt đầu trang năm 2018, các chiến tuyến đã được vạch ra: Đức Phanxicô công bố Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris Laetitia tháng 4 năm 2016, và bốn hồng y đối lập đã đăng hoài nghi, dubia, của họ chống lại tài liệu này cuối năm đó. Khi tất cả vấn đề xảy ra, tôi nghĩ điều này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo công giáo. Ở đây, chúng ta có bốn hồng y Giáo hội công giáo – trong số này có hồng y Mỹ Raymond Burke người cực kỳ chống Đức Phanxicô và có một số lượng lớn giáo dân theo ngài – hồng y ám chỉ Người kế vị Thánh Phêrô đã ban hành một tài liệu dị giáo.

Đồng thời, ở cấp độ cơ bản – đặc biệt là trong thế giới nói tiếng Anh – các phương tiện truyền thông công giáo loan tin: “Đức Phanxicô đang phá hủy Giáo hội, ngài giảng dạy tà giáo, phá hoại chân lý của công giáo. Và mỗi ngày, các phương tiện truyền thông công giáo bảo thủ đều thách thức bất cứ gì ngài nói hoặc làm. Tuy nhiên, hầu như không có ai trong giới lãnh đạo công giáo từng thay mặt Đức Phanxicô phản ứng hoặc bảo vệ ngài trước những lời chỉ trích này.

Sau Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris, chúng tôi có những tiếng nói nổi bật và phổ biến về “chủ nghĩa chính thống” của công giáo – những vị như Tổng giám mục Charles Chaput, những người viết cho trang First Things, George Weigel, Phil Lawler, Ross Douthat đứng đầu kênh EWTN và Catholic Answers – những người nói tài liệu đã không nói những gì nó nói, nếu họ không thách thức ngay lập tức. Lần lượt, các nhà thần học uy tín như Linh mục Thomas Weinandy, những người thuộc Viện Gioan-Phaolô II, Linh mục James Schall, Germain Grisez, Robert Spaemann, Linh mục Aidan Nichols, và những người khác ít nhiều tham gia vào cuộc nổi dậy công khai chống lại giáo hoàng và đổ thêm dầu vào câu chuyện này.

Đó là không kể đến các phương tiện truyền thông phản động chống Đức Phanxicô như LifeSiteNews, Church Militant, Crisis Magazine, và the Wanderer, tất cả đều từ bỏ mọi lý do ủng hộ giáo hoàng. Những tờ báo theo chủ nghĩa truyền thống cấp tiến ít được biết đến như tờ Dấu vết và Tin tức Gia đình Công giáo, Remnant and Catholic Family News đã tìm thấy một cuộc sống mới, được thúc đẩy bởi những người công giáo trước đây đã quay lưng do ác cảm của họ với Giáo hội hậu Công đồng Vatican II. Đồng thời, những người như Taylor Marshall và Steve Skojec đã gây tiếng vang lớn trong thế giới truyền thông công giáo.

Ngoài việc thỉnh thoảng có một bài tiểu luận của các tác giả Austen Ivereigh, Massimo Faggioli, hoặc Michael Sean Winters, rất ít tiếng nói của giới truyền thông công giáo thách thức câu chuyện này. Có vẻ như người duy nhất luôn bảo vệ và giải thích cho Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris Laetitia là Stephen Walford, một tác giả công giáo ở Anh với công việc hàng ngày là dạy dương cầm. Ông đã có một nỗ lực anh hùng, và ông đã bị phe chống đối giáo hoàng tấn công không thương tiếc.

Vì tôi đã theo dõi tất cả những chuyện này trong những năm đầu triều giáo hoàng của ngài. Tôi đã chứng kiến giới công giáo trong vòng thân cận của tôi không chịu nổi chuyện này, nhưng dường như cũng không có nhiều người ủng hộ Đức Phanxicô để ý hoặc quan tâm. Như tôi đã nói, gần như không có bất kỳ phản ứng nào từ giới lãnh đạo công giáo. Các phương tiện truyền thông công giáo trung bình và tiến bộ dường như có thái độ “Bỏ qua chúng, đó chỉ là phần rìa.”

Thành thật mà nói, dù tôi không biết nó lớn đến mức nào, nhưng tôi nghĩ hiện tượng này đã vượt xa phần rìa. Ít nhất, một nhóm nhỏ chúng tôi bắt đầu trang Phêrô ở đâu biết rằng ngay cả khi nó chỉ là “phần rìa”, thì nó cũng là phần rìa của chúng tôi. Đó là những nhà văn mà chúng tôi đã đọc, các phương tiện truyền thông và nhà xuất bản đã giúp chúng tôi hình thành. Và những người rơi vào thế giới quan chống lại Đức Phanxicô cũng chính là những người mà chúng tôi đã rút lui, Biển Đức, người mà chúng tôi đã chia sẻ đức tin và cuộc đấu tranh của mình, người mà chúng tôi đã phục vụ người nghèo hoặc người mà chúng tôi đã cùng đi bên nhau tại March for Life.

Ông nghĩ vì sao trang này có thể có được chỗ đứng trong giới truyền thông công giáo Hoa Kỳ? Trang cung cấp những gì mà các trang khác chung chung không có?

Vì chúng tôi đề cập đến một cái gì đó phổ biến và hiếm khi được đề cập trên diễn đàn công khai. Các phương tiện truyền thông công giáo phản động đưa tin về một vũ trụ hoàn toàn khác với các phương tiện chính thống. Những kẻ phản động dựng lên một câu chuyện tường thuật về điều gì đó và đăng tin lặp đi lặp lại.

Chẳng hạn chúng ta lấy câu chuyện của hoài nghi, dubia, thì đó vẫn là câu chuyện đang hoạt động trong vũ trụ đó. Đối với họ, đó là cuộc điều tra thần học nghiêm túc được bốn vị hồng y thế giá, thánh thiện và chính thống làm. Theo họ, việc Đức Phanxicô không công nhận họ là bằng chứng thêm rằng, ngài là nhân vật bất chính đang phá hoại đức tin. Họ vẫn đang viết và viết trên blog về vấn đề này. Chỉ vài tuần trước họ đã viết trong bài báo của Hãng thông tấn Công giáo (CNA) về Năm Gia đình sắp tới, chưa kể đến vô số bài đăng trên blog trong năm ngoái.

Đối với hầu hết những trong các phương tiện truyền thông Công giáo chính hoài nghi, dubia, là câu chuyện cũ của bốn hồng y già nua cáu kỉnh không còn ai nghe (và hai người trong số này đã qua đời) đã có đủ can đảm để viết thư cáo buộc giáo hoàng là tà giáo. Đó là, ít nhất, một sự khó chịu nhỏ mà đôi khi vẫn được các nhân vật phản động bên lề nêu ra.

Dù tôi đồng ý quan điểm cuối ở trên có thể là vấn đề, nhưng đơn giản đó không phải là thực tế. Chúng ta không thể đánh giá thấp những ảnh hưởng này đối với người công giáo bình thường khi cơ quan truyền thông công giáo lớn nhất thế giới đưa câu chuyện phản động vào hàng triệu gia đình; khi các trang web công giáo tiếp tục đề cập đến vấn đề này đều đưa ra cùng một quan điểm; khi hiện tượng này bị 99% giám mục và các phương tiện truyền thông công giáo không phản động phớt lờ; và khi các giám mục và linh mục được kính trọng nhất của họ đang lặp đi lặp lại cùng một điệp khúc.

Những người công giáo dấn thân chưa bị lôi cuốn vào hệ tư tưởng này cảm thấy rất đơn độc và bị bỏ rơi. Khi giáo dân phát hiện ra có  ai đó đang giải quyết thảm họa này mà họ đã tận mắt chứng kiến, họ vô cùng biết ơn. Đó là những người công giáo mộ đạo, chính thống, yêu mến Đức Thánh Cha và họ kinh hoàng trước những gì họ thấy xung quanh. Độc giả chúng tôi cũng gồm một số người công giáo từng là một phần trong phong trào chống Đức Phanxicô một thời gian, nhưng điều gì đó trên đường đi đã giúp họ nhận ra tâm lý đó cằn cỗi và vô vọng như thế nào.

Chúng tôi nhận vô số e-mail và tin nhắn của nhiều người trên khắp thế giới. Một trong những từ phổ biến nhất của các e-mail này là “ốc đảo”. Bài viết của chúng tôi được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Đức, Ả Rập, Việt Nam, Hungary, Ba Lan và Malayalam. Tôi nghĩ phần lớn đó là vấn đề của Hoa Kỳ, nhưng giống như nhiều thứ khác, chúng tôi đã xuất khẩu nó.

Tôi thấy ông tham gia vào những cuộc tranh luận với các nhân vật truyền thông và những người khác ở cánh hữu trên mạng xã hội, nhưng bản thân ông lại có vẻ là người bảo thủ và trước đây ông chưa bao giờ được xem là người tiến bộ về chính trị. Điều này cho chúng tôi biết gì về tình trạng của Công giáo Hoa Kỳ hoặc có thể là bản chất của Twitter Công giáo? Ông có nghĩ mạng xã hội mang lại cánh cửa tốt cho đạo công giáo Hoa Kỳ hay ông lo lắng nó đưa ra một bức tranh méo mó?

Vấn đề cụ thể này đặc biệt đối với cánh hữu. Và tôi nghĩ cần một người công giáo bảo thủ (hoặc tôi nghĩ một người công giáo bảo thủ như trong trường hợp của tôi, vì tôi đã bị đuổi ra khỏi nhóm) để chẩn đoán chính xác vấn đề và giải quyết nó một cách trực tiếp. Hầu hết những người hợp tác với chúng tôi, kể cả tôi, là người công giáo thế hệ “Gioan-Phaolô II” hay “Ratzinger”, những người đã bị sốc khi nhận ra những người công giáo tự cho mình là chính thống, trung thành và ủng hộ Vị Đại diện Chúa Kitô lại hoàn toàn phụ thuộc vào những gì họ thích ngài phải nói.

Tôi nghĩ mạng xã hội cung cấp một cơ hội tốt cho nhiều quan điểm khác nhau tồn tại trong công giáo Hoa Kỳ, nhưng tôi sẽ không nói đó là bức tranh chính xác về Giáo hội Hoa Kỳ, nếu điều đó có ý nghĩa. Hầu hết những người công giáo không phải là những người nghiện tin tức của Vatican, họ cũng không chú ý đến những tông huấn mới nhất. Thực sự cũng không cần thiết. Vấn đề là những người công giáo này quan tâm đến điều gì đó xảy ra trong Giáo hội, hoặc nhận e-mail tin tức về Vatican từ một giáo dân khác, hoặc những người tình cờ đang xem EWTN, chỉ nghe một mặt của câu chuyện.

Có một hiệu ứng nhỏ giọt. Tôi thấy trong số người công giáo da trắng ở Mỹ, những người sốt sắng, dấn thân, cho dù họ có dành thì giờ để làm điều này hay không, họ chấp nhận ý tưởng cơ bản, Đức Phanxicô không chính thống, không phải là một giáo hoàng tốt, và dạy nhiều thứ sai. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý, có nhiều linh mục và chủng sinh trẻ – những người có xu hướng theo dõi Giáo hội chặt chẽ hơn trên mạng – những ý tưởng này đã trở nên cố thủ và bóp méo thế giới quan của họ.

Ông đã đối đầu với nhiều người bất đồng chính kiến cánh hữu, những người tự cho mình là chính thống (thường chính thống hơn giáo hoàng!). Vì sao ông nghĩ nhóm này có ảnh hưởng lớn ở Mỹ hơn phần còn lại của thế giới? Ông đánh giá thế nào về tác động tổng thể của họ trên công giáo Hoa Kỳ?

Tôi hiểu đối với tất cả các vấn đề này, Giáo hội Hoa Kỳ hoạt động tích cực hơn và tham gia hơn so với các nơi khác trên thế giới. So với các quốc gia phương Tây khác, chúng tôi là một dân tộc rất mộ đạo. Chúng tôi cũng là những người rất dấn thân vào chính trị. Tôi nghĩ mọi người có xu hướng đánh giá quá cao ảnh hưởng của trí thức và lý trí trong cả tôn giáo và chính trị. Chúng tôi tuân theo sự lãnh đạo của những người chúng tôi tin tưởng. Tôi không nghĩ là ngẫu nhiên mà sự phân cực tôn giáo này tăng lên khi cuộc bầu cử đến gần. Chắc chắn có những người có động cơ chính trị đang cố gắng tạo ảnh hưởng đến người công giáo, cho rằng việc phản đối giáo hoàng và đi trong bế tắc với Trump là “chính thống”. Tôi nghĩ, điều này cho thấy họ đang khai thác lòng lòng mộ đạo thực sự của người dân chúng tôi.

Khi Hoa Kỳ phải đối diện với vấn đề chống phân biệt chủng tộc, tầm quan trọng như thế nào của việc đối đầu của đạo công giáo, vốn cùng chung ý tưởng với cánh hữu? Ai là một số cá nhân và trang web đã thay thế chủ nghĩa dân tộc cố chấp hoặc dân túy cho các giá trị công giáo nhưng lại cố gắng che đậy điều này dưới vẻ bên ngoài ngụy-công giáo?

Trước hết, mức độ phân biệt chủng tộc và sự cố chấp mà phong trào này thể hiện đã làm cho tôi kinh ngạc. Bây giờ tôi nhận ra, nó đã hiện diện và tôi hầu như không biết gì về nó. Rõ ràng là nó đã không ngừng nghỉ trong năm qua, nhưng lời cảnh tỉnh thực sự với tôi là Thượng Hội đồng Amazon. Những người như Taylor Marshall, Tim Gordon, Michael Voris, Linh mục Mitch Pacwa, Raymond Arroyo, hồng y Burke, Linh mục Gerald Murray và rất nhiều người khác có thể nhẫn tâm và vô tâm buộc tội những người công giáo bản địa vùng Amazon – những người bị gạt ra bên lề và bị những người được cho là công giáo trong nhiều thế kỷ lạm dụng – về việc thờ ngẫu tượng hoặc “thờ quỷ” vì vinh danh Chúa theo truyền thống kitô của họ, làm họ buồn lòng và tức giận. Những người chống Đức Phanxicô phỉ báng cả những người công giáo bị gạt ra ngoài lề xã hội để họ có thể ghi điểm chống lại giáo hoàng.

Kể từ đó, nhận thức của tôi về sự tự hấp thụ và tự cho mình là đúng (trọng tâm của mọi tình cảm phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc) về phong trào này đã phát triển. Từ các cuộc tấn công của những người như Austin Ruse chống lại những người đứng lên vì công lý chủng tộc trong mùa hè vừa qua (họ ca ngợi phong trào Chàng trai Tự hào, Proud Boys), đến việc hãng thông tấn EWTN sa thải bà Gloria Purvis vì bà nói về chủng tộc, đến sự cố chấp cực kỳ tàn nhẫn mà nhiều người – đặc biệt là Michael Voris – đã chống  Đức Hồng y William Gregory năm ngoái, không có từ nào cho cái ác được phơi ra ở đây.

Tôi biết tôi đến muộn với cuộc chơi. Tôi không xứng đáng nhận bất kỳ giải thưởng nào vì đã thẳng thắn chống lại tệ nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Nhưng tôi cam kết làm tất cả những gì có thể làm để thúc đẩy tiếng nói của người da màu công giáo và những người từ các nền văn hóa bị gạt ra ngoài lề xã hội. Năm ngoái, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về di sản của người công giáo Da đen ở Hoa Kỳ, đặc biệt một trong những cộng tác viên của chúng tôi, thần học gia Nate-Tinner Williams, đã phát hành trực tuyến ấn phẩm, Sứ giả Công giáo Da Đen, Black Catholic Messenger. Tôi muốn tiếp tục hỗ trợ công việc của ông và khuyến khích những người công giáo khác hỗ trợ cho việc tông đồ với người da màu công giáo. Thành thật mà nói, theo cách mà nhiều người bị gạt ra ngoài lề xã hội đã được Giáo hội đối xử, chúng ta nên quỳ gối cảm ơn họ và cảm ơn Chúa về đức tin và sự kiên trì của họ bất chấp những gì chúng ta đã làm cho họ.

Ngoài việc nói đến các cuộc tấn công khác nhằm vào giáo hoàng và giáo quyền, đâu là tầm nhìn cho Giáo hội mà trang và công việc của ông làm? Hoa Kỳ và giáo hội toàn cầu sẽ như thế nào vào năm 2021?

Tầm nhìn về Giáo hội của chúng tôi là một Giáo hội toàn cầu được hiệp nhất thông qua sự trung thành với giáo hoàng, trong tình huynh đệ và gia đình với nhau. Năm 2021 và còn lâu hơn nữa, Giáo hội Hoa Kỳ và toàn cầu cần hướng tới việc chữa lành những vết thương chúng ta đã gây ra. Điều này sẽ đòi hỏi sự lớn lên, lắng nghe và đồng hành. Tôi không nghĩ đó là quá trình một năm hay thậm chí là quá trình 100 năm. Nhưng tôi tin chắc chúng ta sẽ không đạt được điều đó trừ khi chúng ta đi theo sự dẫn dắt của Giáo hoàng Phanxicô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

.